1. Nhắc đến ông Trương Thanh Tâm, không chỉ người dân thôn 2 mà cả xã Diên Phú đều biết. Trong hơn 10 năm qua, cuộc sống của gia đình ông đã thay đổi đáng kể. Là công chức xã, năm 2014, ông về nghỉ chế độ hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần và chuyển sang buôn bán phân bón, trồng cà phê. Nhờ cần cù lao động và chịu khó học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, gia đình ông có nguồn thu nhập 1 tỷ đồng/năm.
Trò chuyện với P.V, ông Tâm cho hay: Quê gốc của ông ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm lên 10 tuổi, bố mẹ ông đưa các con lên Diên Phú lập nghiệp. Sau khi học xong chương trình bổ túc lớp 9, năm 1982, ông được xã tuyển dụng phụ trách công tác Xã đội; đến năm 1992 thì chuyển sang làm Phó Công an xã. Năm 2014, do không đủ điều kiện bằng cấp, ông xin nghỉ về nhà phát triển kinh tế gia đình.
“Do vợ không có nghề nghiệp ổn định nên tôi quyết định vay thêm ngân hàng mua được 1 ha rẫy để trồng cà phê. Vườn cà phê sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi trên 100 triệu đồng. 2 năm trở lại đây, giá cà phê tăng cao, sản lượng cũng đạt cao nên 1 ha cà phê lãi hơn 300 triệu đồng/năm”-ông Tâm phấn khởi nói.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, từ năm 2014, gia đình ông Tâm mở đại lý kinh doanh phân bón ngay tại xã. Mỗi năm, gia đình ông tích lũy khoảng 200-300 triệu đồng. Hiện ông đang tạo việc làm cho 10 lao động địa phương chuyên bốc xếp, vận chuyển phân bón phục vụ cho bà con trong vùng với thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh nỗ lực trong phát triển kinh tế, 2 năm qua, ông Tâm còn làm tốt vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 2. Ông Tâm vui vẻ cho biết: Chi hội Nông dân thôn 2 luôn triển khai thực hiện tốt công tác Hội và phong trào nông dân, liên tục đạt danh hiệu chi hội vững mạnh.
Để Chi hội hoạt động hiệu quả, tôi đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện nghiêm các quy định về pháp luật; đồng thời, tham gia đầy đủ, trách nhiệm các phong trào do các cấp Hội phát động. Hàng năm, Chi hội phát động hội viên đăng ký thi đua trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cuối năm bình xét đề nghị các cấp công nhận.
Năm 2024, Chi hội Nông dân thôn 2 có 70 gia đình hội viên đăng ký phấn đấu đạt hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đến cuối năm, 12 hộ được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; 100% gia đình hội viên đăng ký và đạt gia đình văn hóa…
2. Gia đình bà Vũ Thị Thanh (thôn 2, xã Diên Phú) cũng vươn lên làm giàu nhờ trồng nấm sạch với lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/tháng và 100 cây sầu riêng cho thu nhập 80-100 triệu đồng/năm.
Chia sẻ với P.V, bà Thanh cho biết: “Năm 1998, vợ chồng tôi làm công nhân cho một xí nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk. Cuộc sống bấp bênh nên cả 2 xin nghỉ việc đến xã Diên Phú định cư. Tại đây, gia đình tôi mua 1 ha đất với giá 25 triệu đồng để trồng hoa màu và cà phê.
Sau 3 năm, cây cà phê bắt đầu cho thu bói. Tuy nhiên, khi cà phê bước vào giai đoạn kinh doanh thì gặp chu kỳ sụt giá, thu nhập bấp bênh. Đến năm 2010, gia đình phá bỏ cà phê để chuyển đổi sang trồng 8 sào sầu riêng và 2 sào nấm sạch”.

Trước khi chuyển sang trồng nấm sạch, vợ chồng bà Thanh đã lặn lội sang các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm. Sau 1 năm tích lũy kinh nghiệm, gia đình bà quyết định đầu tư 50 triệu đồng để xây dựng 1 nhà xưởng với diện tích 70 m2; đồng thời, mua sắm máy móc, lò hấp, lắp đặt hệ thống làm mát tự động, áp dụng khoa học kỹ thuật cho quy trình sản xuất nấm sạch. Nhờ đó, sản phẩm nấm đạt chất lượng cao, được thương lái đến tận cơ sở để thu mua.
Bà Nguyễn Thị Thúy Diễm-Chủ tịch UBND xã Diên Phú: Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Trương Thanh Tâm và bà Vũ Thị Thanh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với những ai có nhu cầu học hỏi. Ngoài ra, gia đình các ông, bà cũng rất tích cực trong công tác xã hội, gương mẫu tham gia xây dựng nông thôn mới, ủng hộ các phong trào do địa phương phát động.
“Hiện tôi đang trồng 3 loại nấm với gần 50.000 bịch phôi gồm: nấm sò trắng, nấm bào ngư Nhật và nấm mèo. Mỗi ngày, tôi thu khoảng 50 kg nấm các loại. Với giá bán sỉ khoảng 45.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về hơn 2 triệu đồng/ngày. Ngoài nguồn thu từ nấm thương phẩm, gia đình tôi còn cung cấp phôi nấm giống cho các hộ có nhu cầu”-bà Thanh cho hay.
Theo bà Thanh, trồng nấm không khó, quan trọng nhất là phải kiên trì và áp dụng đúng kỹ thuật. Nấm sạch có thị trường rộng mở, nếu làm bài bản, nông dân hoàn toàn có thể làm giàu. Trồng nấm sạch, khâu chuẩn bị nguyên liệu phải hết sức kỹ càng vì nó quyết định đến năng suất và chất lượng. Điểm thuận lợi là nguyên liệu dùng để sản xuất phôi nấm gồm: mùn cưa, vôi, cám gạo, cám bắp… đều sẵn có ở địa phương.
Đồng thời, trong quá trình hấp mùn cưa phải dành nhiều thời gian theo dõi, kiểm tra nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm phù hợp để nấm phát triển. Trồng nấm cũng không tốn nhiều diện tích bởi các bịch phôi được treo thành từng dây hoặc xếp chồng lên nhau và nấm chỉ phát triển tại vị trí cổ bịch. Vừa làm, vừa học hỏi, giờ đây, gia đình bà Thanh đã làm chủ được kỹ thuật, áp dụng cho nấm phát triển theo ý muốn của mình để cung cấp cho thương lái mỗi ngày.
Bà Ngô Thị Bích Chi-Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Phú-cho biết: Mô hình trồng nấm của gia đình bà Thanh cho hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh. Hiện chúng tôi đã kết nối với cơ sở sản xuất nấm sạch của gia đình bà Thanh để cung cấp giống và hỗ trợ hội viên nông dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm.