Homestay: “Chất liệu” phát triển du lịch ở phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, loại hình lưu trú homestay tại TP. Pleiku đã tạo không gian trải nghiệm, thu hút du khách. Đây được xem là một trong những “chất liệu” góp phần thúc đẩy phát triển du lịch ở phố núi.

Homestay không còn là mô hình xa lạ trong ngành du lịch Việt Nam. Tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung và phố núi Pleiku nói riêng, số lượng homestay đang gia tăng đáng kể và thường tọa lạc ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp như vùng thung lũng ven đô, ven hồ hay trên những sườn đồi yên bình.

Sức hút của homestay

Điểm chung của các homestay đều không sử dụng điều hòa nhiệt độ mà tận dụng tối đa không khí tự nhiên giữa cây xanh và không gian thoáng đãng; kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống và tiện nghi hiện đại. Một số homestay được thiết kế theo phong cách nhà sàn, nhà gỗ của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm không gian sống độc đáo. Cùng với đó là các dịch vụ đi kèm như thưởng thức ẩm thực bản địa, tham gia các hoạt động văn hóa-nghệ thuật địa phương.

3voi-khong-gian-xanh-mat-khong-khi-trong-lanh-zins-homestay-la-diem-den-hap-dan-cho-du-khach-anh-dvcc.jpg
Với không gian xanh mát, không khí trong lành, Zin's Homestay là điểm đến hấp dẫn cho du khách (ảnh đơn vị cung cấp)

Cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 8 km về phía Nam, Zin’s Homestay (làng Nhao 1, xã Ia Kênh) mang đến không gian lưu trú đậm chất thiên nhiên với 10 căn bungalow, 6 lều Mông Cổ và 10 lều cắm trại cabin. Với phong cách cắm trại độc đáo, homestay này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, đặc biệt là những ai yêu thích sự yên bình và trải nghiệm ngoài trời. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt ra thung lũng thơ mộng, tận hưởng bầu không khí trong lành và không gian xanh mát. Bên cạnh đó, Zin’s Homestay còn cung cấp nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí, đem lại trải nghiệm nghỉ dưỡng trọn vẹn.

Không chỉ dừng lại ở mô hình lưu trú lạ mắt, homestay còn thu hút du khách bằng các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp, khám phá văn hóa, ẩm thực đặc trưng của người Jrai, Bahnar vào cuối tuần hay các dịp lễ hội. Nhờ đó, nơi đây đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách từ nhiều tỉnh, thành.

Anh Nguyễn Thành Luân-Quản lý Zin’s Homestay-chia sẻ: “Qua tìm hiểu, nghiên cứu, chúng tôi được biết du khách ngoài nghỉ dưỡng còn có nhu cầu trải nghiệm mùa hoa cà phê vào tháng 2, tháng 3 hay tham gia các sự kiện văn hóa của người bản địa như: lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới... tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số lân cận. Vì thế, chúng tôi đã không ngần ngại tổ chức cho du khách những chuyến trải nghiệm, khám phá thú vị”.

Cũng theo anh Luân, những hoạt động này không chỉ giúp du khách có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh đồng cà phê trắng muốt vào mỗi dịp tháng 3 mà còn góp phần quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của Gia Lai nhằm thu hút một lượng du khách ổn định vào các tháng trong năm và tạo thêm sức hút cho du lịch phố núi.

Nắm bắt thị hiếu khách hàng và tận dụng lợi thế nằm trong làng du lịch cộng đồng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku), Hơ Đơng Homestay không chỉ cung cấp dịch vụ lưu trú sạch sẽ, tiện nghi mà còn chú trọng đến trải nghiệm của du khách trước, trong và sau khi lưu trú.

Homestay xây dựng các lộ trình tham quan phù hợp, hướng dẫn du khách khám phá những điểm đến hấp dẫn xung quanh như: Biển Hồ, chùa Bửu Minh, hàng thông trăm tuổi… Đồng thời, sự hiếu khách và nhiệt tình của chủ homestay cũng góp phần mang đến cho du khách cảm giác gần gũi, chân thành, giúp họ có những trải nghiệm đáng nhớ về vùng đất và con người ở cao nguyên Gia Lai.

Theo anh Phạm Thanh Tuấn-Chủ sở hữu Hơ Đơng Homestay: Homestay hiện có 7 phòng được thiết kế với nhiều phong cách khác nhau nhằm mang đến cho du khách nhiều sự lựa chọn; tạo cho họ cảm giác thoải mái như đang ở chính ngôi nhà của mình.

Từng căn hộ nhỏ tách biệt, đem đến không gian riêng tư cho khách du lịch nhưng không vì thế mà làm mất đi sự gần gũi, thân quen. Mỗi phòng đều được bài trí tinh tế, kết hợp giữa nét mộc mạc của văn hóa bản địa và sự tiện nghi hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, từ những người yêu thích không gian ấm cúng, giản dị đến những ai muốn trải nghiệm phong cách lưu trú độc đáo giữa thiên nhiên”.

Thúc đẩy phát triển du lịch

Trong bối cảnh du lịch cộng đồng và du lịch xanh ngày càng phát triển, những homestay ở khu vực ngoại ô không chỉ có lợi thế về không gian rộng rãi, không khí trong lành mà còn có mức giá hợp lý hơn so với các khách sạn trong nội thành. Nhờ đó, mô hình này dễ dàng tiếp cận nhiều đối tượng khách du lịch, từ nhóm bạn trẻ, gia đình đến du khách quốc tế yêu thích thiên nhiên, văn hóa bản địa.

homestay-dd.jpg
Homestay ngoại ô tận dụng không gian xanh để mang đến trải nghiệm hòa mình cùng thiên nhiên cho du khách. Ảnh: H.H

Tạm xa thanh âm ồn ào nơi phố thị cũng như những áp lực của cuộc sống và công việc, anh Trần Hoàng Long (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) cùng người yêu đã chọn Pleiku là một trong những điểm đến trên hành trình khám phá bản sắc Tây Nguyên.

Anh chia sẻ: “Mình lựa chọn ở homestay quanh các điểm du lịch như: Biển Hồ, cầu treo, Biển Hồ chè, hàng thông trăm tuổi... để dễ dàng di chuyển, tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp thiên nhiên mà không mất quá nhiều thời gian. Điều khiến mình ấn tượng nhất ở Pleiku là không khí trong lành, yên tĩnh, khác hẳn với sự xô bồ của Sài thành.

Sáng sớm, chỉ cần mở cửa là có thể hít thở bầu không khí mát lạnh, ngắm sương sớm lãng đãng trên những tán thông già hay mặt hồ phẳng lặng. Buổi chiều, sau khi tham quan các điểm đến nổi tiếng, chúng mình trở về homestay, thư giãn bên tách cà phê và lắng nghe những câu chuyện về vùng đất, con người nơi đây từ chính chủ nhân homestay. Sự thân thiện, nhiệt tình của họ khiến tụi mình cảm thấy như đang ở nhà, chứ không đơn thuần chỉ là khách du lịch”.

Anh Long chia sẻ thêm: Việc chọn lưu trú tại homestay còn giúp anh có cơ hội trải nghiệm văn hóa địa phương một cách chân thực hơn. Một số homestay còn tổ chức các hoạt động nấu ăn cùng người bản địa, giao lưu cồng chiêng hay thử làm nông dân trên nương rẫy. Những trải nghiệm này không chỉ giúp chuyến đi thêm phần thú vị mà còn giúp anh hiểu hơn về cuộc sống của người dân Tây Nguyên.

“Thực sự, nếu ai muốn tìm một nơi để tạm xa phố thị, hòa mình vào thiên nhiên và cảm nhận nhịp sống chậm rãi thì homestay ngoại ô ở Pleiku là lựa chọn không thể bỏ qua”-anh Long gợi ý.

2du-khach-trai-nghiem-dot-lua-trai-danh-cong-chieng-xoang-tai-zins-homestay.png
Du khách trải nghiệm đốt lửa trại, đánh cồng chiêng, xoang tại Zin's Homestay. Ảnh: H.H

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Khoa học và Thông tin TP. Pleiku-cho hay: “Homestay đang dần trở thành một động lực quan trọng trong sự phát triển của du lịch phố núi, mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ và chân thực hơn về thiên nhiên, con người và văn hóa Gia Lai. Với sự đầu tư hợp lý và định hướng phát triển bền vững, mô hình này không chỉ góp phần thúc đẩy du lịch mà còn tạo ra những giá trị kinh tế, văn hóa lâu dài cho địa phương”.

Để phát triển bền vững loại sản phẩm dịch vụ, du lịch này, ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư vào cơ sở vật chất, các chủ đầu tư homestay cũng cần tạo ra các chương trình trải nghiệm hấp dẫn, gắn liền với văn hóa địa phương.

Giai đoạn 2023-2026, thành phố đầu tư nâng cấp mở rộng hơn 14 tuyến đường tại khu vực vùng ven với tổng chiều dài trên 38 km. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và người dân đóng góp, thành phố phối hợp với các địa phương đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa nhiều tuyến đường với chiều dài 90,45 km; đường nội thôn, liên thôn cũng được cứng hóa với 208,58 km, qua đó tạo sự kết nối giữa các điểm đến, giúp du khách thuận tiện hơn trong di chuyển, khám phá vẻ đẹp của phố núi Pleiku.

Có thể bạn quan tâm

Em Nguyễn Lê Gia Huy (bìa phải, học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) cùng bạn học tập, làm việc nhóm tại một quán cà phê. Ảnh: H.B

Xu hướng kinh doanh “cafe work”

(GLO)- Bám sát xu hướng làm việc, học tập của khách hàng, nhiều quán cà phê tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tiếp cận mô hình kinh doanh “cafe work”, tích hợp giữa yếu tố tiện ích dịch vụ và không gian phù hợp với nhu cầu, nhịp sống hiện đại.

Chương trình “Đánh thức khát vọng tuổi trẻ”: Truyền cảm hứng cho đoàn viên thanh niên và học sinh Đak Pơ. Ảnh: Ngọc Minh

Truyền cảm hứng cho đoàn viên thanh niên và học sinh Đak Pơ

(GLO)- Chương trình truyền cảm hứng “Đánh thức khát vọng tuổi trẻ” do Huyện Đoàn Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) chủ trì, phối hợp với Trường THCS và THPT Y Đôn, Công ty S Gold Group (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức sáng 22-3 đã truyền cảm hứng cho cán bộ, giáo viên, đoàn viên thanh niên và học sinh nhà trường.