Hoàn thiện hạ tầng giao thông
Tuyến đường Trần Nhật Duật dẫn vào Cụm Công nghiệp Diên Phú, nối xã Diên Phú với xã Gào, đi sang huyện Chư Prông vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuyến đường được đầu tư khang trang, rộng rãi với chiều dài hơn 5,6 km, bề rộng mặt đường 11 m, kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa, có hệ thống thoát nước dọc, ngang bằng cống bê tông cốt thép. Tổng mức đầu tư của dự án này gần 36 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Từ khi tuyến đường hoàn thành, bộ mặt xã Diên Phú dường như thay đổi hẳn, khang trang sạch đẹp hơn, hoạt động giao thương trở nên thuận lợi.
Đang thay đường dây điện để phục vụ bơm tưới cho hơn 22 ha cà phê của các thành viên trong tổ đường dây công tơ 97, ông Trương Hồng Phú (thôn 1, xã Diên Phú) hồ hởi chia sẻ: “Người dân chúng tôi thực sự vui mừng khi con đường huyết mạch của xã được đầu tư xây dựng. Chúng tôi ở đây chủ yếu phát triển kinh tế bằng việc trồng cà phê nên khi con đường hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Giao thương thuận lợi, đời sống của bà con chắc chắn sẽ được nâng lên”.

Được thành lập năm 2007 với tổng diện tích trên 40 ha, Cụm Công nghiệp Diên Phú là nơi các hộ kinh doanh và doanh nghiệp sản xuất nhỏ có ảnh hưởng đến môi trường vào hoạt động. Cụm Công nghiệp được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá hoàn thiện với hệ thống giao thông nội bộ, nước sạch, trạm thu xử lý nước thải, điện, cây xanh và hệ thống phòng cháy chữa cháy. Nhờ vậy, nơi đây trở thành địa chỉ hấp dẫn được các doanh nghiệp lựa chọn phát triển sản xuất kinh doanh với tỷ lệ lấp đầy hơn 90% diện tích; trong đó có trên 30 doanh nghiệp đầu tư với tổng nguồn vốn đăng ký gần 450 tỷ đồng. Cụm Công nghiệp Diên Phú góp phần giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, tăng thu ngân sách và bảo vệ môi trường.
Ông Hoàng Minh Nghĩa-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng và Đô thị TP. Pleiku-thông tin: “Dựa trên tiềm năng, thế mạnh của khu vực, mới đây, xã Diên Phú đã được quy hoạch thành vùng có tính chất là khu đô thị hỗn hợp, khu dân cư nông thôn và khu vực phát triển nông-lâm nghiệp”.
Tương tự, tại xã Trà Đa, nhiều tuyến đường “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đã giúp diện mạo của xã ngày càng xanh-sạch-đẹp. Ông Lê Ngọc Tường-Phó Chủ tịch UBND xã Trà Đa-thông tin: “Đến nay, 100% đường xã, đường trục thôn và liên thôn đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 86% đường nội đồng được bê tông hóa và cứng hóa. Các công trình phúc lợi xã hội, trụ sở làm việc, trạm y tế, trường học, chợ, nhà văn hóa, sân vận động, khu thể thao được xây dựng khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều trung bình 3 năm gần nhất dưới 0,25%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 81,2%”.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp nhiều hạng mục như: hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh và hệ thống giao thông nhằm hoàn thiện hạ tầng Khu Công nghiệp Trà Đa cũng góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực này. Ông Trần Xuân Thắng-Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: “Công ty vừa triển khai sửa chữa mặt đường các tuyến trục chính, đường số 3 và đường D1. Tại phạm vi dải phân cách giữa đang trồng dặm khoảng 52 cây phi lao và 17 cây chuỗi ngọc. Ngoài ra, Công ty cũng tiến hành trồng thảm cỏ đậu và trồng thêm 69 cây nhài Nhật tại đường Ngô Quyền. Các vị trí hố ga thoát nước đường D1 bị mất cửa thu nước, hư tấm đan cũng được sửa chữa; đồng thời, thay thế 114 bóng đèn sodium bằng bóng đèn led 120 W trên các tuyến đường D1, D2, D3, D4, D3A, D5 để đủ ánh sáng vào ban đêm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại Khu Công nghiệp”.

Để hoàn thiện hạ tầng vùng ven đô, chỉ riêng năm 2024, UBND TP. Pleiku đã dành gần 88 tỷ đồng triển khai nhiều công trình giao thông như: đường Đào Duy Từ (xã Biển Hồ) có chiều dài 3,6 km; đường Lý Chính Thắng (phường Chi Lăng) có chiều dài 2,03 km; đường Lạc Long Quân (phường Thắng Lợi) có chiều dài 1,6 km… Và trong giai đoạn tiếp theo, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường tại các xã, phường vùng ven như: Trà Đa, Biển Hồ, An Phú, xã Gào, Ia Kênh… để hoàn thiện hạ tầng, tăng cường kết nối giao thông giữa các khu vực, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân; qua đó thúc đẩy kinh tế-xã hội các khu vực này phát triển.
Phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng sẵn có
Có lợi thế về phong cảnh từ những ruộng lúa, vườn cà phê, vườn mía tím cũng như “tài sản” quý giá từ sự đa dạng văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc bản địa với giọt nước, cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát…, thời gian gần đây, xã Ia Kênh đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng. Đồng hành với quá trình phát triển ấy là sự xuất hiện ngày càng nhiều những công trình phục vụ du lịch như: quán cà phê, homestay, farmstay… của các doanh nghiệp tư nhân.
Ông Đặng Thành Dư-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và du lịch Ia Kênh-cho hay: “Chúng tôi có khoảng 2 ha cà phê, chuối, mía, bắp, chanh dây... Bên cạnh đó là ruộng lúa và gần 20 ha cây công nghiệp, cây ăn quả của các hộ dân xung quanh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị liên kết thúc đẩy phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm. Chúng tôi đã đón rất nhiều đoàn khách từ các tỉnh, thành đến tham quan và ai cũng thích thú khi được trực tiếp chặt mía, hái quả, chụp ảnh ngay tại vườn. Trên địa bàn xã còn có 2 hồ tự nhiên là hồ Ia Se và hồ Ia Nao. Tôi nghĩ đây cũng là điểm nhấn để khai thác phục vụ du lịch”.

Chú trọng phát triển ở mảng nông nghiệp công nghệ cao, xã Gào cũng đã có những bứt phá trong thời gian gần đây khi tận dụng các thế mạnh về diện tích đất đai rộng lớn, màu mỡ. Đến xã Gào hôm nay, dễ dàng thấy được những vườn na dài tít tắp, những vườn sầu riêng rộng thênh thang hay những vườn hồ tiêu, cà phê tái canh được đầu tư bài bản. Theo báo cáo của UBND xã Gào, toàn xã hiện có khoảng 3.280 ha cây trồng các loại, trong đó phần lớn chuyển đổi áp dụng công nghệ, cải tạo cây giống cho năng suất cao. Phó Bí thư Đảng ủy xã Đào Thị Ninh thông tin: “Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, xã Gào đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và đạt được kết quả khả quan. Xã đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị và thu nhập. Năm 2024, xã có 10/11 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Xã còn 20 hộ nghèo (chiếm 1,66%) và 58 hộ cận nghèo (chiếm 4,81%)”.
Nhắc đến việc phát triển kinh tế-xã hội dựa trên tiềm năng, lợi thế, không thể không nhắc đến xã Biển Hồ. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Vinh cho hay: Thời gian qua, xã đã tập trung vận động người dân tích cực phát triển kinh tế, áp dụng các mô hình sản xuất mới nhằm nâng cao thu nhập. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tại khu vực Biển Hồ tham gia phát triển du lịch, thương mại-dịch vụ để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Nhờ đó, toàn xã chỉ còn 6 hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, chiếm 0,14%. Xã phấn đấu đến hết quý III-2025 sẽ hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Thành phố Pleiku hiện có 175 thôn, làng, tổ dân phố, trong đó có 37 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Để thúc đẩy kinh tế-xã hội của thành phố nói chung, vùng ven đô nói riêng, thành phố đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, nhất là về đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Mặt khác, sự tự nguyện hiến đất của hàng ngàn hộ dân với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng cũng đã góp phần giúp cơ sở hạ tầng của vùng ven đô ngày càng hoàn thiện. 100% đường nhựa đã đến tận từng thôn, làng; 100% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Chính quyền thành phố còn chú trọng công tác lập quy hoạch xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu xây dựng của thành phố đã đạt 93,06%. Ngoài ra, thành phố còn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, người dân về vai trò của phát triển du lịch, kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Hữu Dũng-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: “Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku; rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, làm cơ sở để thực hiện và kêu gọi đầu tư xây dựng đúng định hướng. Song song với đó là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới để cùng chung tay tạo nên sức sống mới cho phố núi nói chung, vùng ven đô nói riêng”.