Nhóm 'anh em Đông Âu' chiếm top đầu tỷ phú Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cặp đại gia bài trùng giàu lên nhanh chóng sau một thời gian trở về Việt Nam với hai tập đoàn Masan và Techcombank. Việt Nam được biết đến nhiều với sự bứt phá của các doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu.

Cặp đôi tỷ phú Việt

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách tỷ phú USD 2019, trong đó Việt Nam có thêm 2 tỷ phú là ông Hồ Hùng Anh (chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank) và ông Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Tập đoàn Masan). Ông Hồ Hùng Anh được ghi nhận có 1,7 tỷ USD đứng thứ 1.349 thế giới. Trong khi ông Nguyễn Đăng Quang có 1,3 tỷ USD và đứng thứ 1.717 thế giới.

Điểm trùng hợp thú vị giữa 2 tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh là sự đồng hành trong một thời gian dài từ những ngày đầu khởi nghiệp tại Đông Âu cho đến khi về Việt Nam. Cả hai đều là những doanh nhân tự thân, làm giàu từ ngành hàng tiêu dùng và ngân hàng và gầy dựng được 2 tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam, thuộc top 10 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán TP.HCM với vốn hóa 100 ngàn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đăng Quang (1963) là tiến sĩ vật lý hạt nhân sau 10 năm theo học tại Belarus và về Việt Nam công tác tại viện khoa học Việt Nam nhưng sau đó đã trở lại Nga vào thập niên 90 để kinh doanh thực phẩm.

Trong khi đó, ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, nguyên quán ở Thừa Thiên - Huế, tốt nghiệp kỹ sư điện tử tại đại học Bách khoa Kiev (Ukraine). Trong thời sang sống tại Đông Âu, ông Hùng Anh quen biết ông Nguyễn Đăng Quang và cùng nhau xây dựng đế chế Masan và sau đó đầu tư vào Techcombank.

Tại Nga, đầu những năm 90 ông Quang bán mỳ ăn liền cho cộng đồng người Việt tại Nga, sau đó xây dựng một nhà máy sản xuất 30 triệu gói mỳ mỗi tháng, đồng thời bổ sung thêm các sản phẩm nước tương, nước nắm và tương ớt.


 

Hai tỷ phú USD Việt mới khởi nghiệp từ Đông Âu.
Hai tỷ phú USD Việt mới khởi nghiệp từ Đông Âu.



Ông Hồ Hùng Anh cùng tham gia với ông Nguyễn Đăng Quang trong việc điều hành Masan Rus Trading tại Nga - doanh nghiệp tiền thân của tập đoàn. Ông Hồ Hùng Anh từng giữ chức tổng giám đốc Masan Rus Trading từ năm 1997 đến 2004 đồng thời buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam và Đông Âu.

Trở về Việt Nam, ông Hùng Anh tiếp tục gắn bó với ông Quang trong việc xây dựng Masan. Ông Hùng Anh lần lượt giữ chức phó chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan, CTCP Hàng tiêu dùng Masan và CTCP Masan (tên cũ là CTCP Đầu tư Masan). Đến tháng 4/2018, ông Hùng Anh từ bỏ mọi chức vụ tại Masan để tập trung cho Techcombank theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước: một cá nhân không được kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo ngân hàng và doanh nghiệp. Ông Hùng Anh là thành viên HĐQT Techcombank từ 2004-2005, là phó chủ tịch thứ nhất tại HĐQT Techcombank từ 2006 đến 2008 và là chủ tịch Techcombank từ tháng 5/2008 tới nay.

Trong khi đó, ông Quang là chủ tịch Masan từ năm 2008 và cũng là Phó Chủ tịch thứ nhất HĐQT Techcombank từ năm này. Hiện tại, ông Quang là chủ tịch và TGĐ Masan và vẫn là phó chủ tịch Techcombank.

Sau hơn 10 năm dưới sự lãnh đạo của ông Hùng Anh, Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam cán mốc 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 10.661 tỷ đồng, tăng 86% so với năm 2013 và chỉ kém duy nhất Vietcombank trong toàn hệ thống ngân hàng.

Năm 2018 cũng chứng kiến dấu mốc quan trọng của Techcombank khi ngân hàng của ông Hồ Hùng Anh chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán. Thương vụ IPO này giúp Techcombank huy động được 923 triệu USD, cao thứ hai trong năm chỉ sau sự kiện IPO của Vinhomes với 1,34 tỷ USD thu về.


 

Vợ chồng ông Nguyễn Đăng Quang
Vợ chồng ông Nguyễn Đăng Quang


Nhóm Đông Âu trỗi dậy

Như đã nói ở trên, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang có quan hệ chặt chẽ với nhau. Cả hai đều giàu lên nhanh chóng. Hiện ông Hùng Anh cùng mẹ, vợ, con trai và em dâu nắm giữ hơn 17% cổ phần của Techcombank cùng với giá trị tài sản tại Masan trị giá cả ngàn tỷ đồng.

Tổng cộng, ông Hồ Hùng Anh và gia đình đang sở hữu cả khối tài sản trị giá khoảng 40 ngàn tỷ đồng. Ông Hồ Hùng Anh hiện là đại gia khởi nghiệp từ Đông Âu giàu nhất ngành ngân hàng.

Hàng loạt thanh niên Việt Nam xuất sắc được đào tại Đông Âu, trong đó có Nga và Ukraine, đã trở về lừng lẫy trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Không ít người đã mang cả cơ nghiệp của mình về như tỷ phú Phạm Nhật Vượng, vợ chồng bà Nguyễn Thị Phương Thảo và giờ đây là cặp đôi ông Nguyễn Đăng Quang - ông Hồ Hùng Anh.

Dẫn đầu trong danh sách tỷ phú Việt Nam vẫn là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC) với khối tài sản lên tới 7,8 tỷ USD, lọt top 200 người giàu nhất hành tinh. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là tỷ phú USD duy nhất Đông Nam Á với tài sản vài tỷ USD.

Bên cạnh đó còn có những cái tên như: Lê Viết Lam (SunGroup), Đặng Khắc Vỹ (VIB), Trịnh Thanh Huy (BĐS Bình Thiên An), Nguyễn Cảnh Sơn (Eurowindow Holding),...


 

 Nhóm đại gia Việt khởi nghiệp từ Đông Âu.
Nhóm đại gia Việt khởi nghiệp từ Đông Âu.



Ông chủ Tập đoàn SunGroup Lê Viết Lam hồi cuối 2013 cũng nổi tiếng khắp trong giới đầu tư với quyết định bỏ hàng ngàn tỷ đồng khởi công xây dựng hệ thống cáp treo với hàng loạt các kỷ lục tầm vóc thế giới lên Nóc nhà Đông Dương - đỉnh núi Fansipan.

Đại gia khởi nghiệp từ Đông Âu này dần lộ diện và đến thời điểm này rất xứng với cái tên “ông vua cáp treo” Việt Nam và giờ đây ông Lê Viết Lam cũng sở hữu nhiều khu vui chơi giải trí với thương hiệu SunWorld như tại Hạ Long, Đà Nẵng,...

Trước đó, SunGroup cũng đã nổi tiếng với dự án Cáp treo Bà Nà; khách sạn cao nhất miền Trung Novotel Da Nang Priemier; khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort bán đảo Sơn Trà; Làng Pháp tại Bà Nà Hills; The Sun Villas,...

Ông Trịnh Thanh Huy cũng là một người rất nổi tiếng với rất nhiều dự án BĐS ở Việt Nam như Đảo Kim Cương, Metropolis Thảo Điền,... Ông Huy cũng là người cùng với Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh xây dựng Tập đoàn Masan tại Nga (sau đó là Masan tại Việt Nam) và kinh doanh mỳ ăn liền và thức ăn nhanh tại Nga trong giai đoạn 1994-1999.

Làn sóng các doanh nhân thành đạt ở khu vực Đông Âu trở về nước đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều doanh nghiệp nổi tiếng, có quy mô lớn và những sản phẩm mang tầm vóc quốc tế.

Một đại gia trở về từ Đông Âu rất giàu nhưng không nằm trong bảng xếp hạng nào là ông Nguyễn Cảnh Sơn (1967) - Chủ tịch Eurowindow Holding. Eurowindow Holding được thành lập năm 2007 và đang quản lý rất nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam của Tập đoàn T&M Trans trong các lĩnh vực như BĐS, tài chính, vật liệu xây dựng.

Ông Lê Viết Lam (1969) cũng đã có một thời gian dài hoạt động nổi bật ở thị trường Đông Âu, tại Ukraine cùng với ông Phạm Nhật Vượng với thương hiệu mì ăn liền Mivina. Bên cạnh đó, ông Lam còn từng được nhắc đến với các chức vụ như Chủ tịch hội doanh nhân Việt Nam tại Ukraine.

Ông Đặng Khắc Vỹ là một trong những thành viên sáng lập Ngân hàng VIB sau khi bảo về thành công luận án tiến sĩ kinh tế và có nhiều năm làm việc tại các nước trên thế giới như Nga, Singapore,... Ông Đặng Khắc Vỹ đang là Chủ tịch Tập đoàn Future Generation, tập đoàn hoạt động tại các quốc gia Đông Âu, Tây Âu và một số quốc gia châu Á.

Một trong những công ty thuộc Tập đoàn Future Generation là Rolton của ông Phạm Khắc Vỹ và Ngô Chí Dũng (hiện là Chủ tịch HĐQT ngân hàng VPBank) đã chiếm lĩnh thị trường mì tôm Nga, khiến Masan của ông Nguyễn Đăng Quang phải chuyển hướng về nước.Gia đình ông Đặng Khắc Vỹ hiện đang nắm giữ hàng chục phần trăm cổ phần VIB và cũng đầu tư vào cả BĐS.

H. Tú (VIE)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.