(GLO)- Học hành đương nhiên phải gắn với thi cử và bất cứ hệ thống giáo dục quốc gia nào cũng phải áp dụng quy trình đó. Vấn đề là hình thức và nội dung thi được tổ chức như thế nào để đánh giá thí sinh một cách trung thực, chính xác và công bằng nhất.
Hệ thống giáo dục quốc dân nước ta đã qua nhiều lần cải cách, nhưng nhìn chung việc thi cử vẫn còn khá nặng nề và chưa đánh giá đúng năng lực thực sự của học sinh, nhất là bậc phổ thông. Có nhiều quan điểm không thống nhất trong việc thi, đánh giá trình độ học tập của học sinh ở bậc học này. Có người cho rằng, học gì thi nấy, học xong cấp nào thì phải thi để lấy chứng chỉ hoặc văn bằng cấp ấy. Phải làm chặt chẽ như thế học sinh mới chịu học và xã hội mới chọn được những người thực học. Nhưng các nhà giáo dục hiện nay thì quan niệm, có nhiều cách đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện ở từng lớp, từng cấp học. Không hẳn cứ tổ chức nhiều kỳ thi rườm rà, căng thẳng là đạt được kết quả giáo dục tốt mà có khi còn gây ra sự lãng phí công sức, tiền bạc, nhất là tiêu cực trong thi cử.
Ảnh internet |
Những năm gần đây, việc tổ chức thi cử ở bậc học phổ thông, cũng như thi cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) đã có nhiều cải tiến; từ chỗ thi tốt nghiệp quốc gia bậc phổ thông (trước kia gọi là thi tú tài), sau đó thí sinh bước vào kỳ thi chung CĐ, ĐH; rồi tiến đến thi như hiện nay là gộp lại “2 trong 1”, chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia vừa để vừa xét tốt nghiệp phổ thông vừa lấy điểm để xét tuyển vào các trường CĐ, ĐH. Các kỳ thi quốc gia này có năm tổ chức ở địa phương nhưng đổi cán bộ coi thi từ nơi này đến nơi khác, có sự giám sát của lực lượng Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT); rồi tổ chức thi CĐ, ĐH theo phân vùng dưới sự giám sát của cán bộ coi thi của các trường CĐ, ĐH. Từ năm 2017, kỳ thi “2 trong 1” được tổ chức tinh gọn hơn, tức là thi tại tỉnh do Sở GD-ĐT địa phương chủ trì phối hợp với các trường ĐH, CĐ giám sát; áp dụng hình thức thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn) và mỗi thí sinh trong phòng thi có mã đề thi riêng. Đây là năm được dư luận đánh giá là kỳ thi khá thành công trên nhiều phương diện, đảm bảo được tính khách quan, công bằng, tiết kiệm được thời gian, công sức, kinh phí; khắc phục được tình trạng học lệch, học tủ và hạn chế được tình trạng dạy thêm tràn lan. Và từ đó, Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm giữ tính ổn định trong kỳ thi quốc gia, không tạo ra nhiều đột biến, ít ra là từ nay cho đến khi áp dụng chương trình sách giáo khoa mới.
Vấn đề khó khăn trong kỳ thi quốc gia vừa để xét tốt nghiệp phổ thông vừa xét tuyển CĐ, ĐH là cách ra đề thi phải sát hợp chương trình, đồng thời có độ phân hóa cao để học sinh có học lực trung bình có thể đủ điểm tốt nghiệp và các cơ sở đào tạo ngành nghề chọn lựa được những thí sinh đủ khả năng vào học chuyên ngành. Năm nay, do chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường CĐ, ĐH nên Bộ GD-ĐT không quy định điểm sàn (trừ các trường, khoa đào tạo sư phạm) nên các cơ sở đào tạo sẽ có quy trình xét tuyển theo cách của mình, nhưng dự báo là rất khó khăn cho các trường tốp dưới (không có uy tín về chất lượng đào tạo).
Đổi mới thi cử là việc không dễ dàng và là một phần trong chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp giáo dục của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Vì vậy, ngành GD-ĐT đang và sẽ rút kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân để điều chỉnh từng bước những bất hợp lý, thiếu công bằng nhằm mục tiêu đánh giá đúng thực chất năng lực học sinh, giúp cho việc đào tạo nguồn nhân lực tương lai đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới đất nước.
Bùi Quang Vinh