Nhiều giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng vườn cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 28-4, tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch nông nghiệp năm 2021 và quy trình kỹ thuật với chuyên đề “Các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng vườn cao su và hiệu quả sử dụng đất”. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực tiễn, kinh nghiệm, các mô hình hay, cách làm sáng tạo của 12 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cao su khu vực Tây Nguyên.

Nhiều hạn chế trong canh tác cao su

Theo ông Lê Thanh Tú-Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, cao su được đánh giá là cây nông nghiệp truyền thống ở Tây Nguyên, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay, việc canh tác cao su ở khu vực này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, dịch bệnh làm giảm sản lượng mủ cao su. Trước tình hình đó, các đơn vị trồng cao su ở khu vực Tây Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình hay để nâng cao năng suất vườn cây.

 Ban lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang nhận phần thưởng của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vì hoàn thành xuất sắc kế hoạch năm 2020. Ảnh: Đinh Yến
Ban lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang nhận phần thưởng của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vì hoàn thành xuất sắc kế hoạch năm 2020. Ảnh: Đinh Yến


Theo thống kê, khu vực Tây Nguyên hiện có 256.282 ha cao su, trong đó có hơn 140.000 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 1,42 tấn mủ/ha, sản lượng mủ đạt hơn 200.000 tấn/năm, chiếm 27% diện tích và 20% sản lượng cao su cả nước. Giai đoạn 2006-2013, do giá mủ cao su khá cao kéo theo diện tích cao su vùng Tây Nguyên tăng khá nhanh do chuyển từ rừng nghèo kiệt và đất lâm nghiệp sang trồng cao su. Riêng tỉnh Gia Lai chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt và đất lâm nghiệp giai đoạn này trồng khoảng 25.000 ha cao su.

Với 37 năm kinh nghiệm trồng cao su, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đang quản lý 7.733,49 ha. Trước đây, năng suất mủ cao su bình quân chỉ đạt 0,7-1 tấn/ha. Ông Trương Minh Tiến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang-cho biết: “Nguyên nhân do thời gian dài chưa chữa được triệt để bệnh phấn trắng, một số bệnh khác như: rụng lá mùa mưa, rệp, héo đen, vườn cao su già cỗi... cũng dẫn đến năng suất vườn cây đạt thấp. Cùng với đó, Công ty có 251 ha cao su nằm trên khu vực cao, chịu gió nhiều vào mùa khô nên phát triển chậm, năng suất thấp”.

Từ những khó khăn nêu trên, tại hội nghị, nhiều chuyên gia nông nghiệp đã chỉ ra việc canh tác thiếu khoa học là nguyên nhân dẫn đến đất thoái hóa, cây cằn cỗi, sản lượng mủ đạt thấp.

Giải pháp nâng cao chất lượng vườn cây

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đánh giá: Trong các giải pháp được trình bày tại hội nghị, tôi tâm đắc nhất 3 giải pháp: “Tác động của vườn cây cao su trong bảo vệ môi trường và triển vọng phát triển mô hình trồng xen cao su “gỗ-mủ” nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và ổn định nguồn nguyên liệu” của Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam; “Triển vọng trồng xen canh cây gỗ lớn, cây nguyên liệu trên đất cao su tái canh Tây Nguyên và đề xuất canh tác” của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ; “Nâng cao năng suất chất lượng vườn cây cao su kiến thiết cơ bản và kinh doanh” của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang.

Ông Trương Minh Tiến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang nêu giải pháp nâng cao năng suất-chất lượng vườn cây cao su và hiệu quả sử dụng đất. Ảnh: Đinh Yến
Ông Trương Minh Tiến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang nêu giải pháp nâng cao năng suất-chất lượng vườn cây cao su và hiệu quả sử dụng đất. Ảnh: Đinh Yến


Về giải pháp của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang, ông Trương Minh Tiến thông tin: “Nhờ giải pháp khoanh vùng diện tích cao su bị bệnh phấn trắng, sau đó phun thuốc chữa triệt để, không ngờ những diện tích khác bị bệnh phấn trắng cũng tự hết. Nhờ sáng kiến này, đơn vị đã giảm chi phí hàng tỷ đồng”.

Cùng với đó, Công ty còn thực hiện bón phân NPK liều lượng 1 lần/năm cho toàn bộ diện tích vườn cây khai thác; đầu tư thêm một số diện tích vườn cây năng suất thấp bằng phân hữu cơ (phân cá+ Kaly). Nhờ giải pháp này mà vườn cây cho năng suất vượt trội. Nếu năm 2015, trên cùng một diện tích vườn cây, năng suất đạt 0,7-1 tấn mủ/ha thì niên vụ 2020 năng suất đạt 1,5 tấn mủ/ha. Đối với vườn cây tái canh, kiến thiết cơ bản, thông qua giải pháp trồng xen, đơn vị không chỉ giảm được mức đầu tư mà vườn cây vẫn phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập cao cho công nhân, người lao động.

“Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, Công ty đều thực hiện tái canh gần 1.000 ha cao su. Cùng với việc tái canh, Công ty đề ra các phương án trồng xen các loại cây ngắn ngày, dài ngày như: cà phê, keo lai, chanh dây, khoai lang... cho người lao động mượn đất trồng. Vì vậy, tính riêng năm 2020, giá trị thu xen canh của Công ty đạt hơn 1 tỷ đồng”-ông Tiến thông tin.

 Công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang chăm sóc cà phê trên diện tích tái canh cao su. Ảnh: Đinh Yến
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang chăm sóc cà phê trên diện tích tái canh cao su. Ảnh: Đinh Yến


Đối với giải pháp “Triển vọng trồng xen canh cây gỗ lớn, cây nguyên liệu trên đất cao su tái canh Tây Nguyên và đề xuất canh tác” của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ, TS. Nguyễn Thị Hải Hồng nhấn mạnh: “Mô hình trồng xen canh một số cây nguyên liệu, cây gỗ lớn như: keo lai, keo lá tràm, gáo, dó bầu... trên diện tích cao su tái canh bước đầu cho thấy hiệu quả. Điển hình là Công ty TNHH một thành viên Cao su Lộc Ninh đã trồng xen keo lai trên cùng thời điểm cao su tái canh. Việc trồng này được 2 mục đích vừa làm cây chắn gió, giúp cây cao su phát triển, còn keo lai sinh trưởng vượt trội, chu kỳ thu hoạch 4 năm”.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, mỗi đơn vị đều có giải pháp riêng của mình. Nhưng riêng giải pháp của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang sẽ được Tập đoàn áp dụng cho nhiều đơn vị. Dù là đơn vị gặp nhiều khó khăn do quá trình tái cơ cấu, trước năm 2016, năng suất vườn cây chỉ đạt trung bình 0,7-1 tấn mủ/ha, nhưng đến năm 2020 tăng lên 1,5 tấn mủ/ha. Đây là một kỳ tích của đơn vị.

Ông Lê Thanh Tú nhấn mạnh: Thời gian tới, đối với vườn cây kiến thiết cơ bản phải giảm mức đầu tư để chờ giá mủ tăng thì mỗi đơn vị “tự mình phải cứu lấy mình”. Về năng suất vườn cây khai thác, các đơn vị phải quan tâm đến các mô hình quản lý, giải pháp nâng cao chất lượng vườn cây và sử dụng đất. Để đạt được điều này cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Song điều đáng phấn khởi là 4 tháng đầu năm 2021, năng suất của các công ty cao su khu vực Tây Nguyên đều đạt cao. Đây là tiền đề để các công ty thực hiện sản lượng vượt kế hoạch đề ra.

HÀ TÂY

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.