Nhiều chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật về đất đai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong thời gian qua, công tác quản lý đất đai trên địa bàn các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai đã dần đi vào nền nếp, việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, lập quy hoạch sử dụng đất đã thực hiện đúng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được cả hệ thống chính trị quan tâm... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật về đất đai cần phải tháo gỡ.

Trong quá trình Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh tổ chức giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai” từ ngày 1-7-2004 đến 31-7-2012, trên địa bàn thị xã An Khê và huyện Kbang nổi lên một số bất cập trong một số bộ luật gây không ít khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý về đất đai.

 

Đoàn đại biểu Quốc hội làm việc tại huyện Kbang. Ảnh: L.N
Đoàn đại biểu Quốc hội làm việc tại huyện Kbang. Ảnh: L.N

Theo đó, tại thị xã An Khê trong thời gian qua có 1.057 vụ việc khiếu nại tố cáo, kiến nghị, tranh chấp trong lĩnh vực đất đai (khiếu nại 187 vụ, tố cáo 5 vụ, kiến nghị tranh chấp 865 vụ); huyện Kbang có 135 vụ khiếu nại, tố cáo (khiếu nại 132 vụ, tố cáo 3 vụ). Theo số liệu của các ngành chức năng, số vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai ngày một gia tăng (chiếm trên 80% tổng số các vụ việc). Tính chất vụ việc ngày một phức tạp, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án tại địa phương.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn bộc lộ nhiều bất cập. Các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai còn chồng chéo, thiếu tính thực tiễn, nhiều điểm chưa thống nhất với các bộ luật khác, một số quy định phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, thậm chí nhiều văn bản vừa có hiệu lực đã lạc hậu so với thực tiễn; nhiều quy định của địa phương, tỉnh và Trung ương chưa đồng bộ trong các lĩnh vực thu hồi, bồi thường, giải tỏa, tái định cư khi người dân bị thu hồi đất; cơ quan có thẩm quyền quy định về giá đất thường xuyên thay đổi…

Làm rõ vấn đề này, lãnh đạo thị xã An Khê, đã chỉ ra điều 63, Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ, khi có quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện bị khiếu nại, thì Chủ tịch UBND huyện có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu. Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có quyền khởi kiện ra tòa án hoặc khiếu nại lên UBND tỉnh. Trong khi đó, khoản 1, điều 7-Luật Khiếu nại 2011 quy định: Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính… xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính… khởi kiện ra tòa án.

Từ đó, dẫn đến công dân vừa có đơn khiếu nại vừa có đơn khởi kiện đối với quyết định hành chính về đất đai trong cùng thời điểm, gây trở ngại cho cơ quan giải quyết đơn. Bên cạnh đó, việc công nhận hạn mức đất ở như những hộ đề nghị cấp quyền sử dụng đất trước tháng 3-2008 thì được công nhận 400 m2  (theo điều 3-Quyết định 148/2006/QĐ-UBND ngày 29-12-2006 của Ủy ban Nhân dân tỉnh); còn các trường hợp đề nghị cấp quyền sử dụng đất sau tháng 3-2008 được công nhận 200 m2  (theo Quyết định số 12/2008/QĐ-UBND ngày 22-2-2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh), đã phát sinh khiếu kiện, thắc mắc của nhân dân khi đề nghị cấp quyền sử dụng đất. Ngoài ra, các quy định về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo việc làm cho những hộ dân bị thu hồi đất dưới 30% so với tổng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng… cũng gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương.

Ngoài những vướng mắc trên, lãnh đạo huyện Kbang đã chỉ ra những hạn chế trong việc xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với quyết định hành chính về đất đai. Luật Khiếu nại-Tố cáo năm 1989, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại-Tố cáo năm 2004 quy định quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng là quyết định có hiệu lực thi hành và người khiếu nại không có quyền khiếu nại tiếp nhưng lại quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền xem xét lại khi có vi phạm pháp luật.

Nghị định số 67/1999/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại-Tố cáo quy định quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng được xem xét lại trong hoạt động kiểm tra, thanh tra thực hiện chức năng quản lý nhà nước; Nghị định số 62/2002/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/1999/NĐ-CP, đến Nghị định số 53/2005/NĐ-CP ngày 19-4-2005 thay thế Nghị định số 67/1999/NĐ-CP và Nghi định số 62/2002/NĐ-CP quy định việc xem xét lại quyết định khiếu nại cuối cùng mở rộng hơn. Như vậy, từ quy định khi có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng người khiếu nại không được quyền khiếu nại, đến việc khi có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng người khiếu nại vẫn được quyền khiếu nại dẫn đến việc người dân vẫn tiếp tục khiếu nại vì không thỏa mãn, tạo nên tình trạng khiếu nại không có điểm dừng.

Một số quy định của pháp luật về đất đai còn bất cập, thiếu nhất quán, như các quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên thay đổi theo hướng mở, ngày càng tăng mức bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi… dẫn đến người bị thu hồi đất, giải tỏa trước thường nhận được giá trị bồi thường, hỗ trợ thấp hơn người bị giải tỏa sau (người cố tình chây ỳ không chấp hành bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định thường được lợi) gây bức xúc giữa các hộ dân và làm phát sinh khiếu kiện. Đặc biệt, trong các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tranh chấp của công dân thường là khiếu nại, tố cáo sai, không đúng; còn nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp; ý thức pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

(GLO)- Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đang tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng (SN 1952; thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hiện ở tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.