(GLO)- Mùa khô khốc liệt năm nay khiến giếng nhà tôi dẫu đã 3 lần cảo nhưng vẫn cạn kiệt. Mà chẳng riêng tôi, hàng loạt giếng xóm này cũng đều trơ đáy, kêu thợ cảo cả rồi. Tôi vì thấm thía mỗi khi cảo giếng bùn đất bê bết, dây ống loằng ngoằng, chạy xuôi chạy ngược tìm người, tốn tiền, mất thời gian… nên “vận động” gia đình xài nước… hà tiện, chờ trời mưa. Nhưng rồi thiên tai hạn hán không cho tôi chịu đựng thử thách thêm được nữa.
Hiểm nguy rình rập
Đau đầu vì liên hệ nhưng không tìm ra thì hú họa khi được người quen giới thiệu. “Nó vừa mới cảo giếng anh, làm 2 ngày, nhiệt tình lắm”-anh Tèo giới thiệu Quang cho tôi bằng sự khen ngợi. “Được, được, chiều tôi đem đồ xuống chuẩn bị, mai làm luôn”-âm thanh từ chiếc điện thoại di động, giọng Quang hình như đang ở dưới giếng sâu. Chiều ấy, Quang nghễu nghện trên chiếc mô tô 3 bánh đỗ xịch trước nhà tôi. Anh cùng vợ và một thanh niên khác, lịch kịch khuân mở nắp giếng, lắp đặt giàn tời, máy móc, rồi ra về, hẹn mai làm sớm.
Thợ đâm “Hà Bá”. Ảnh: T.T |
Khác hồi giếng mới đào, thợ thầy dụng cụ, đồ nghề sơ sài, “công nghệ” của thợ Quang “bài bản” hơn nhiều. Một giàn tời là khung sắt chữ L vững chãi kích cỡ 1,3 x 1,3 mét lắp trên miệng giếng, bên trên là máy tời, sợi thép chắc chắn. Cạnh đó, một chiếc quạt (như của bễ lò rèn) nối dài bằng các đoạn 3-4 mét thổi gió xuống đáy giếng “tăng cường” không khí cho người dưới giếng. Một bóng đèn cũng được thả xuống để cung cấp ánh sáng. Đừng tưởng làm nghề đào giếng đầu tư vốn ít nhé. Toàn bộ số đồ nghề của Quang không dưới 70 triệu đồng (30 triệu đồng cho dây, máy tời, giàn tời, máy quạt, dây điện, máy bơm và hơn 40 triệu đồng cho chiếc xe mô tô Trung Quốc đóng thùng phía sau). Chiếc xe cơ động chỉ một chuyến là có thể chở “trọn gói” đồ đạc, xe máy chẳng bì. Hết mùa đào, cảo giếng, nó giúp Quang chở cả tấn gạch ngói, đất đá, hàng hóa kiếm sống. Nhiều người sở hữu xe tải 500 kg phát bực với phương tiện kiểu của Quang nên “kiện cáo” tùm lum. Nghe đâu tới đây, loại phương tiện này phải chịu những chế tài nhất định mới được sử dụng.
Lấy hộp thước dây mắc với một viên gạch thả xuống giếng nghe tiếng “cạch”, Quang kéo sợi dây lên rồi thông báo: “Giếng của anh đang sâu 20,6 mét. Từ đây, cảo bao nhiêu mét anh trả tiền bấy nhiêu nhé”. Xong, Quang cởi trần, chỉ độc cái quần đùi rồi đu mình vào cái giỏ đã sẵn cuốc xẻng, để vợ điều khiển máy tời từ từ đưa xuống đáy giếng. Trong suốt 2 ngày diễn ra, đảm nhiệm việc quan trọng và không kém phần nguy hiểm, điều khiển giàn tời chỉ mỗi vợ Quang. Cậu thanh niên đi cùng chỉ làm nhiệm vụ đón giỏ đất, cho vào xe rùa rồi đem đi đổ hay phụ trách hút bùn. Cứ vài chục phút đào bới, Quang gọi người trên miệng giếng tời đưa đất lên, thuần thục, nhịp nhàng. Thỉnh thoảng, Quang lại yêu cầu kiểm tra máy quạt gió hay chuyển cho lon nước tăng lực lấy sức.
Giếng sâu dần thì người thợ cảo giếng càng mệt mỏi, rệu rã. Mỗi khi lên khỏi giếng, người bết bùn, lấm lem, mồ hôi người Quang tuôn ra như tắm. Thở gấp, lấy sức một lúc, Quang lại xuống giếng tiếp tục làm việc. Hỏi: “Sao không để chàng thanh niên đào thay một lúc?”, Quang gạt phắt: “Nguy hiểm. Có gì mình chịu. Với lại nó chưa làm được”. Đó là lý do vì sao, chàng thanh niên chỉ làm nhiệm vụ trên miệng giếng-công đoạn nếu thuê nhân công giá 250 ngàn đồng/người/ngày. BẠC
Bẽo phận người
“Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá”-câu thành ngữ chỉ 2 hành động nguy hiểm nhất của con người. Ý nghĩa ấy tôi hiểu nhưng với nghề đào giếng mà so sánh với hành động “đâm Hà Bá” như anh Chín ở gần nhà đúc kết, thì tôi thắc mắc lắm. Ý anh là làm nghề này, cuối cùng rồi cũng chẳng khá gì.
Nghề gắn với nghiệp chăng? Tôi biết Cảnh, Huệ, Quang…-những người làm nghề đào giếng, một nghề kiếm sống như bao nhiêu nghề. Đó là nghề nguy hiểm, nặng nhọc nên ít người gắn bó, dù thu nhập không đến nỗi nào. Như thời điểm này, đào một cái giếng sâu chừng 20-25 mét, trọn bộ có giá không dưới 7-8 triệu đồng, còn cảo sâu 1 mét có giá không dưới 1 triệu đồng. Hỏi Quang, anh cho hay: Mùa đào, cảo giếng thường kéo dài trên dưới 2 tháng, bắt đầu từ cuối tháng 3 và kéo dài đến tháng 5 hàng năm. Trong thời gian ấy, nếu “đơn hàng” thường xuyên, mỗi thợ có thể đào 15-20 giếng; cảo số lượng sẽ nhiều hơn. Như năm nay, hạn nặng nên thời gian làm nghề kéo dài đến 3 tháng. Đào giếng lấy nước ăn đơn giản hơn lấy nước tưới. Giếng tưới có khi sâu 30-40 mét, đáy giếng phình to, chưa đủ nước thì khoan vào thành giếng tìm thêm nguồn mạch. Khắp Tây Nguyên này đang trong cơn đại hạn, một giếng đào lấy nước tưới cà phê, hồ tiêu có giá không dưới 30-40 triệu đồng. Giếng khoan còn đầu tư gấp hai, ba lần. Nói thu nhập thực tế của người thợ đào giếng cao là có cơ sở. Nhưng phía sau đó…
Vâng, là không ít rủi ro, là nguy hiểm rình rập, là tổn hại sức khỏe! Đâu ít trường hợp thợ đào giếng phải mất mạng vì làm việc trong điều kiện thiếu ô xy, vì hít phải khí độc, bệnh tật bột phát do điều kiện lao động khắc nghiệt, hay bị điện giật,... Lúc sáng gặp Huệ-thợ đào giếng cho nhà Thắng-láng giềng tôi, nghe em nói mà tôi phát hoảng: Mấy ngày nghỉ, nắp giếng đậy kín, chưa kịp thông quạt gió, suýt nữa bị ngạt. Cũng bởi nguy hiểm mà từ công tác chuẩn bị cho đến những phần việc nặng nhọc nhất chỉ mỗi Quang làm. Anh không cho cậu thanh niên thay mình xuống giếng sâu là lo hiểm nguy cho người khác, là chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy đến với mình. Quang đã U60, có trên 15 năm đào giếng, dĩ nhiên là kinh nghiệm nhiều nhưng sức khỏe thì sao? Anh còn khỏe, tôi thấy thế nhưng cũng hết sức ái ngại mỗi khi thấy anh lóp ngóp từ dưới giếng lên. “Nghề này sơ ý một chút là nguy liền”-Quang đúc kết. Đời Quang đã quá nhiều lận đận. Anh từng là bộ đội chiến trường K, xuất ngũ về làm đủ nghề, cả đào đãi vàng, làm bảo kê, phiêu bạt giang hồ, giờ đào giếng kiếm sống vẫn chưa hết khổ.
Bạc không chỉ vì cái nghề chẳng ai màng tới, vì nhiều rủi ro. Nhưng bạc hơn là sự đối xử tệ bạc của người đời. Nhiều người tỏ vẻ coi thường thợ đào giếng, coi đồng tiền lớn hơn sinh mạng con người, mặc cả kỳ kèo từng xu. Bữa cơm, chỗ nằm cho người đào giếng cũng tạm bợ lấy lệ. Tất nhiên vì đất cát, bùn bẩn, thợ đào giếng ý thức không nên làm phiền… người ta.
Như bao nhiêu nghề cần thiết cho xã hội, nhưng người đào giếng có bao giờ đòi hỏi được đối xử công bằng? “Cùng lắm mới làm nghề này. Chỉ vì miếng cơm manh áo. Chúng tôi chẳng nghĩ xa xôi gì đâu, có việc làm, có thu nhập, nuôi sống gia đình là quý rồi”-Quang bộc bạch trong ánh nhìn xa xăm.
Thất Sơn