Nhật Bản sắp cấp phép vắcxin của Pfizer, Mexico phê duyệt Sputnik V

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra vào 12/2, các chuyên gia Nhật Bản sẽ “bật đèn xanh” cho loại vắcxin này, qua đó cho phép MHLW bắt đầu khởi động quá trình cấp phép nhanh trong trường hợp đặc biệt.

Vắcxin ngừa COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vắcxin ngừa COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

 
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đang lên kế hoạch tổ chức cuộc họp của các chuyên gia để quyết định xem liệu có nên phê duyệt vắcxin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer Inc. (Mỹ) hay không.
Hãng tin Jiji Press cho biết trong cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12/2, các chuyên gia sẽ “bật đèn xanh” cho loại vắcxin này, qua đó cho phép MHLW bắt đầu khởi động quá trình cấp phép nhanh trong trường hợp đặc biệt.
Pfizer đã ký hợp đồng với Nhật Bản để cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 cho khoảng 72 triệu dân trong thời gian từ nay tới cuối nay. Vào tháng 12 năm ngoái, Pfizer đã nộp đơn lên MHLW xin cấp phép lưu hành cho vắcxin của hãng, và sau đó, vào cuối tháng Một, hãng này đã nộp dữ liệu về kết quả thử nghiệm lâm sàng bổ sung tiến hành ở Nhật Bản đối với 160 người.
Tuy nhiên, việc tiêm vắcxin ở Nhật Bản đang gặp khó khăn do châu Âu hạn chế xuất khẩu loại dược phẩm này.
Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono, người được Chính phủ giao phụ trách chương trình tiêm vắcxin ngừa COVID-19, cho biết trong số vắcxin mà Nhật Bản mua, có các vắcxin của Pfizer đang được sản xuất tại các nhà máy ở châu Âu, và những loại sản xuất ở châu Âu lại bị ràng buộc bởi các quy định hạn chế xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU). Vì vậy, theo ông Kono, Nhật Bản sẽ kêu gọi EU cấp phép xuất khẩu vắcxin ngừa COVID-19 sang nước này.
Thủ tướng Yoshihide Suga đặt mục tiêu sẽ khởi động chương trình tiêm vắcxin ngừa COVID-19 ở Nhật Bản vào giữa tháng này, với đối tượng ưu tiên đầu tiên là các nhân viên y tế. Việc tiêm phòng đối với người già và những người có bệnh lý nền dự kiến sẽ được triển khai từ tháng Tư.
Trong một diễn biến liên quan khác, số vụ phá sản vì dịch COVID-19 ở Nhật Bản đã vượt ngưỡng 1.000, trong đó các nhà hàng chiếm 18,2%. Số liệu thống kê của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nghiên cứu Tokyo Shoko cho thấy sau khi đạt đỉnh vào tháng 6/2020 với 104 trường hợp, số vụ phá sản ở Nhật Bản đã giảm trong các tháng Bảy và Tám. Tuy nhiên, kể từ tháng 9/2020 tới nay, số vụ phá sản lại gia tăng lên mức khoảng 100 trường hợp/tháng.
Mặc dù vậy, tín hiệu tích cực hiện nay là dịch bệnh ở Nhật Bản đang có dấu hiệu lắng dịu sau khi Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp ở 11 tỉnh, thành trong tháng trước.
Các số liệu của MHLW cho thấy số ca nhiễm mới đã đạt mức cao kỷ lục 7.883 người/ngày vào ngày 8/1, khi tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực ở thủ đô Tokyo và ba tỉnh lân cận. Sau đó, số ca nhiễm mới trên toàn quốc đã giảm dần và còn 1.792 ca vào ngày 1/2. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới giảm dưới ngưỡng 2.000 ca/ngày kể từ ngày 21/12/2020.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Ciudad Nezahualcoyotl, Mexico. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Ciudad Nezahualcoyotl, Mexico. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 2/2, Ủy ban Liên bang về Phòng chống các nguy cơ y tế của Mexico (Cofepris) đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga.
Thứ trưởng Y tế Hugo López Gatell cho biết Cofepris đã hoàn tất quá trình đánh giá và kiểm định vắcxin Sputnik V sau khi tiến hành thử nghiệm giai đoạn ba, đồng thời bác bỏ thông tin loại vắcxin này không an toàn đối với người cao tuổi.
Trước đó, ngày 25/1, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, qua đó thống nhất về việc mua 24 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik V. Dự kiến, Mexico sẽ tiếp nhận 7,4 triệu liều vắcxin Sputnik V trong tháng Hai này.
Mexico bắt đầu triển khai tiêm chủng cho người dân từ tháng 12/2020. Theo kế hoạch, Mexico sẽ mua 198 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 từ các hãng dược phẩm để tiêm miễn phí cho người dân.
Mexico hiện là một trong những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, với trên 1,87 triệu ca bệnh, trong đó có gần 160 nghìn ca tử vong.
(Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.