Nhân rộng các mô hình giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số ở Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 năm thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Kbang, Gia Lai đã có sự chuyển biến tích cực trong nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM).
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Từ lâu, mía được xem là cây trồng chủ lực của người dân huyện Kbang. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mà loại cây trồng này mang lại chưa cao. Nguyên nhân là do tập quán canh tác lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, việc cơ giới hóa còn hạn chế. Nhằm tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Kbang đã chọn một số làng trong vùng nguyên liệu để triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn sản xuất mía.
Theo ông Đinh Pur (làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng), trước đây, gia đình ông có 2,6 ha mía, do canh tác theo cách truyền thống nên năng suất không cao, thu nhập bấp bênh. Được chính quyền vận động, gia đình ông tự nguyện góp đất tham gia cánh đồng mía lớn. Giờ đây, với mỗi héc ta mía, ông Pur thu lãi khoảng 30 triệu đồng. “Gia đình tôi và bà con trong làng rất phấn khởi vì trồng mía theo mô hình cánh đồng lớn được cơ giới hóa nên tiết kiệm được nhiều chi phí trong sản xuất, rút ngắn thời gian, giảm công sức lao động mà năng suất lại đạt cao. Đến nay, làng Bờ có đến 27 hộ tham gia cánh đồng mía lớn với diện tích 56 ha”-ông Pur cho biết.
 Nhờ tham gia thực hiện hiệu quả các mô hình giảm nghèo do Mặt trận, đoàn thể huyện phát động, nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số ở xã Kông Pla đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: M.N
Nhờ tham gia thực hiện hiệu quả các mô hình giảm nghèo do Mặt trận, đoàn thể huyện phát động, nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số ở xã Kông Pla đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: M.N
Gia đình ông Pur là một trong 555 hộ nghèo người DTTS tham gia thực hiện hiệu quả các mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện Kbang. Theo đánh giá của Huyện ủy Kbang, trong tổng số 54 mô hình điểm được Mặt trận, đoàn thể và Đảng ủy các xã, thị trấn đăng ký thực hiện thì có đến 29 mô hình sản xuất mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều mô hình điểm được tiếp tục nhân rộng cho bà con học tập, làm theo như: trồng chuối ghép mô tại làng Nák (thị trấn Kbang); nuôi dê sinh sản tại làng Đầm (xã Tơ Tung); nuôi heo đen tại làng Bróch (xã Đông); trồng sa nhân tím tại làng Hà Nừng (xã Sơn Lang)...
Từ các mô hình hiệu quả trên và qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, giúp đỡ, toàn huyện đã có 678 hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo; có 952 hộ nghèo được tiếp cận và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Kết quả trên đã giúp đời sống của 855 hộ (trong tổng số 2.419 hộ đồng bào DTTS nghèo) được cải thiện. Theo ông Vũ Văn Hải-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kbang, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện bình quân mỗi năm giảm từ 4% đến 5%; đến nay đã có 3 xã (Đông, Nghĩa An và Đak Hlơ) hoàn thành chương trình xây dựng NTM; phấn đấu năm 2019 xã Tơ Tung và Sơn Lang cũng sẽ hoàn thành mục tiêu này.
Tiến tới xây dựng làng NTM

Ông Huỳnh Trọng Khánh-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang: “Thời gian tới, Huyện ủy sẽ chỉ đạo các ban, ngành chủ động phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, phát triển các nhóm liên kết hộ gia đình, nhóm chung sở thích; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cánh đồng lớn, tham gia hợp tác xã để được hướng dẫn, hỗ trợ phát triển sản xuất”.

Nhìn hàng rào thẳng thớm quanh nhà vừa được cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Kbang chung tay làm với gia đình, chị Đinh Thị Bình (làng Kuao, xã Nghĩa An) vui mừng cho biết: Ngoài việc được phụ giúp làm hàng rào, chuồng nuôi nhốt bò, gia đình chị còn được cán bộ hướng dẫn cách chăn nuôi, cải tạo vườn tạp để trồng rau cải thiện bữa ăn. 
Đến nay, chủ trương chỉnh trang vườn tược; xây dựng hàng rào, cổng ngõ, nhà vệ sinh, chuồng trại; tích cực xây dựng và tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giúp diện mạo nông thôn trên địa bàn xã Nghĩa An có nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí về xây dựng làng, xã NTM. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An Đinh Thị Côi, tháng 6-2018, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/ĐU về lãnh đạo xây dựng làng Lợk thành làng NTM. Việc xây dựng làng NTM đã phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị từ xã đến làng và trở thành phong trào lớn với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân. Phần lớn các hộ đồng bào DTTS tại làng Lợk đều nhận thức rõ và có trách nhiệm cùng với địa phương bám sát các tiêu chí xây dựng làng NTM. Một số phong trào, mô hình lồng ghép đã được triển khai thực hiện như: MTTQ Việt Nam xã với mô hình hướng dẫn trồng lúa nước và mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế; Hội Liên hiệp Phụ nữ xã triển khai mô hình mỗi hộ gia đình có 1 vườn rau và cây ăn quả. 
Ông Huỳnh Trọng Khánh-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang-khẳng định: Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, gắn với thực hiện phong trào “Kbang chung sức xây dựng NTM” đã giúp cho nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS được nâng lên, bước đầu chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, một số hộ biết tận dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm