Một lần nữa, bạn đọc Việt Nam gặp lại Nguyễn Tường Bách trong tác phẩm mới nhất: Đường rộng thênh thang, gồm các bài báo của ông đã công bố, các bài tham luận, trả lời phỏng vấn... do Nhà sách Văn Thành và Nhà Xuất bản (NXB) Hồng Đức liên kết xuất bản.
Bằng cách diễn đạt giản dị, Nguyễn Tường Bách dẫn người đọc vào thế giới của vật lý lượng tử, để cùng cảm nhận “vũ trụ sáng tạo và sáng tạo một cách tuyệt diệu”. Và cũng bằng chính cách dẫn dắt thâm trầm như vậy, ông đưa người đọc tiếp cận các khái niệm về vũ trụ quan Phật giáo một cách gần gũi như chính mặt bên kia của vật lý học.
Những khái niệm “khó nuốt” của Phật giáo như vô ngã, vô thường, chân không, diệu hữu... được ông dẫn chiếu vào thế giới vật lý hiện đại, khiến người đọc bỗng thấy như được tham khảo các ví dụ mới, được khai mở một vùng trời khoa học.
Nếu những ai từng thích thú với các tác phẩm, dịch phẩm của Nguyễn Tường Bách như Đạo của vật lý, Lưới trời ai dệt, sẽ có dịp lật lại những suy tư của mình để chiêm nghiệm các vấn đề kiểu như “thời gian là ảo giác” thật ra là như thế nào, và những phát kiến của Einstein đã làm một cuộc cách mạng trong quan niệm về thời gian của giới vật lý học ra sao. Hay đặc biệt thú vị khi ông dùng kiến thức vật lý để soi rọi các khái niệm Phật giáo đại thừa. Như trong bài Thấy một đóa hoa, bạn đọc sẽ hiểu hơn về bản chất và sự tồn tại của ánh sáng, để rồi bất ngờ, Nguyễn Tường Bách từ những dẫn giải về quang học, đẩy người đọc lọt vào lời Phật: “Trong cái nhìn chỉ có cái nhìn, trong cái nghe chỉ có cái nghe”. Trang sách cứ thế đặt người đọc vào một tình huống cụ thể để họ tự sáng tỏ vấn đề đang mắc mứu.
Và thật ý nhị, những bài viết về mối tương giao giữa khoa học và Phật học ấy, tác giả Nguyễn Tường Bách gọi tên chung là “Cơm thừa Như Lai”. Ông như tự thấy mình có duyên dùng một chút nhỏ nhoi trong vô vàn thức món trên bàn tiệc của Như Lai, để đi vào thế giới khoa học và chiêm nghiệm cả đạo lẫn đời.
Và Đường rộng thênh thang còn cả một phần ghi lại những ngả đường đi lại ở trời Tây, từ cảm nhận thời gian quay vòng trong năm và ý nghĩa “nguyên đán” của phương Đông gặp gỡ “ngày thứ tư tro tàn” ở phương Tây đánh dấu lòng thiện của chúng ta đã chinh phục được cái xấu trong ngày đầu năm mới; đến những suy nghiệm ở Berlin, gặp gỡ ở Bồ Đào Nha, cảm nhận ở Nepal, tình người ở Dubai...
Tại mỗi nơi, Nguyễn Tường Bách dường như không dừng lại giới thiệu cho người đọc cái phần nổi văn hóa của đất của người, mà ông tự chiêm nghiệm về nơi ông đến, có thể là nắm bắt từ lịch sử sâu xa hay truyền thống đạo lý lâu đời, hoặc dòng chảy tâm linh mà cộng đồng cư dân nơi ấy đang hòa vào nhịp sống. Cho nên, đọc Nguyễn Tường Bách mà như thể được nghe ông tỉ tê tâm sự về những suy nghĩ, phát hiện và cảm nhận rất riêng. Như đi lại những con đường mà ông đã đi, những con đường bằng lời, sức gợi thật thênh thang.
Theo Tuoitre