Nguyễn Thanh Tùng: Ông chủ xưởng mộc dám nghĩ, dám làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với cá tính mạnh mẽ và quyết đoán, anh Nguyễn Thanh Tùng (SN 1987, ở tổ 4, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) đã khởi nghiệp thành công bằng nghề mộc gia dụng.

Được anh Nguyễn Chí Cường-Bí thư Thị Đoàn Ayun Pa giới thiệu, tôi đến tổ 4, phường Hòa Bình tìm gặp anh Nguyễn Thanh Tùng. Không chỉ là một Bí thư chi đoàn năng động, anh Tùng còn là một tấm gương vượt khó khởi nghiệp thành công.

 

Anh Nguyễn Thanh Tùng. Ảnh: H.Đ.T
Anh Nguyễn Thanh Tùng. Ảnh: H.Đ.T

Quyết tâm làm lại từ đầu

Qua trao đổi được biết, Tùng sinh ra và lớn lên tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1998, Tùng theo gia đình chuyển vào Ayun Pa làm kinh tế. Trên vùng đất mới, gia đình anh vẫn giữ nghề mộc truyền thống. Vốn thích nghề mộc từ nhỏ nên những lúc rảnh rỗi, Tùng thường theo bố học nghề. Sau khi tốt nghiệp THPT, Tùng quyết định không thi đại học mà đi làm nghề. Anh xin vào làm công nhân Tập đoàn Trường Thành ở tỉnh Bình Dương. Khi vào đây làm việc, Tùng được đơn vị cử đi đào tạo ngắn ngày về công tác quản lý chất lượng gỗ. Sau đó, anh được phân công làm nhân viên quản lý chất lượng với nhiệm vụ là kiểm tra chất lượng cuối cùng trước khi lô hàng xuất khẩu.

Sau 5 năm làm việc tại Tập đoàn Trường Thành, Tùng nhận thấy, dù phải đi làm xa nhưng anh vẫn không có tích lũy, lương tháng chỉ đủ tiền thuê phòng trọ và ăn uống. Trước thực tế đó, sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định xin nghỉ việc để quay về Ayun Pa với dự định khởi nghiệp bằng chính nghề mộc của gia đình. Tuy nhiên, thời điểm này, tay nghề của Tùng chưa thạo. Vì vậy, anh quyết định đi làm thuê cho các xưởng mộc trên địa bàn thị xã. Trong thời gian này, Tùng rất chăm chỉ học hỏi và tìm hiểu thêm về kỹ thuật nghề mộc. Bên cạnh đó, anh cũng dành thời gian tìm hiểu về thị trường đồ gỗ và nhu cầu của khách hàng.

Sau hơn một năm học việc, khi tay nghề đã cứng cáp, Tùng quyết định mở xưởng mộc của riêng mình. Cùng với số vốn ít ỏi tích lũy được, anh vay mượn thêm gia đình được hơn 100 triệu đồng để mua máy móc phục vụ cho công việc. Lúc đầu, Tùng thuê 2 thợ cùng làm việc với mình. Để tạo dựng uy tín, khi có khách đặt hàng, anh thường lấy giá phải chăng, giao hàng đúng thời gian và đảm bảo chất lượng. Do mới mở xưởng, chưa có nhiều vốn để đầu tư mua gỗ sản xuất, lượng khách hàng cũng chưa nhiều nên thời gian đầu, Tùng thường nhận hàng của các xưởng mộc lớn để gia công lại. Trong thời gian này, một mặt anh chú tâm làm tốt các mặt hàng gia công, mặt khác tranh thủ thời gian đến các xưởng lớn học tập thêm kinh nghiệm, gặp gỡ khách hàng để tìm hiểu thêm về nhu cầu sử dụng hàng mộc hiện nay.

Thành công từ đam mê

Nhờ chịu khó và quyết tâm theo đuổi đam mê nên Tùng dần đạt được  thành công. Anh đã không ngừng nỗ lực nâng cao tay nghề để sáng tạo ra những sản phẩm gỗ độc đáo. Con đường mà Tùng theo đuổi là làm ra các sản phẩm gỗ tự nhiên mang phong cách cổ điển. Qua thời gian, xưởng mộc của Tùng ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng, quy mô của xưởng vì vậy cũng ngày càng được mở rộng. Hiện nay, xưởng mộc của Tùng có 6 công nhân, đa số là thanh niên trên địa bàn. Mỗi tháng, những công nhân chính thu nhập khoảng 7,5 triệu đồng.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của NGUYỄN THANH TÙNG

* Luôn đặt uy tín, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu.
* Thực hiện ý tưởng với tất cả đam mê, nhiệt huyết.  
* Kiên trì, không lùi bước khi gặp khó khăn.

Là một Bí thư chi đoàn nên Tùng rất chú trọng đến việc giúp thanh niên học nghề và tìm kiếm việc làm. Thời gian qua, Tùng đã đào tạo cho 6 thanh niên thành thạo nghề mộc, khi đi làm thu nhập 5-8 triệu đồng/tháng. Tùng chia sẻ rằng: “Việc không thi đại học là một quyết định đầy khó khăn với mình. Bởi lẽ, mình học không chỉ cho bản thân mà còn vì niềm tự hào của bố mẹ. Nhưng mình nghĩ, không phải ai cũng có được một niềm đam mê và thành công với đam mê ấy. Chính vì vậy, mình đã quyết tâm học nghề mộc và theo đuổi công việc này. Mình tin thành công của mình sẽ làm bố mẹ vui lòng”.

Dù thành công còn khá khiêm tốn song có thể nói Nguyễn Thanh Tùng đã đúng khi quyết định khởi nghiệp bằng chính niềm đam mê của mình.  Trong khi rất nhiều bạn trẻ còn loay hoay không biết mình thích gì ngay cả khi đã bước chân vào giảng đường đại học thì Tùng đã quyết định đi theo con đường mà anh đam mê. Tin rằng, thành công nhất định sẽ đến với chàng trai dám nghĩ, dám làm này.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.