Nguyễn Sỹ Thượng: Cử nhân kinh tế làm giàu bằng nghề nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhìn nước da sạm đen và thân hình rắn chắc như một nông dân thực thụ của Nguyễn Sỹ Thượng, ít ai nghĩ rằng chàng trai sinh năm 1989 này từng tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Và càng ngạc nhiên hơn nữa khi biết Thượng là một thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng năm lên đến vài trăm triệu đồng chỉ sau ít năm khởi nghiệp bằng nghề nông.

Ở thôn Ia Sir (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah), hầu như ai cũng biết Nguyễn Sỹ Thượng-chàng thanh niên triệu phú. Thượng càng nổi tiếng hơn khi đầu tháng 12 năm nay, anh được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của. Đây là giải thưởng lớn dành cho những thanh niên có ý thức vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế gia đình, góp sức mình vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Để nhận được giải thưởng cao quý này, các ứng viên tham gia phải trải qua quy trình xét chọn chặt chẽ, nghiêm ngặt từ cơ sở đến Trung ương. Chính vì thế, được nhận Giải thưởng Lương Định Của thực sự là vinh dự lớn của Thượng.

 

Anh Nguyễn Sỹ Thượng. Ảnh: H.Đ.T
Anh Nguyễn Sỹ Thượng. Ảnh: H.Đ.T

Qua các cán bộ Huyện Đoàn Chư Pah, tôi hẹn gặp Thượng vào một chiều cuối tuần tại nhà anh ở thị trấn Ia Ly. Tiếp tôi trong căn nhà khang trang nhưng bề bộn cà phê, Thượng bảo, đang mùa vụ nên nhà mới như vậy. Khi hỏi vì sao có bằng đại học của một trường danh tiếng mà lại về quê khởi nghiệp bằng nghề nông, một thoáng buồn hiện ra trên gương mặt Thượng.

Rồi anh bộc bạch: “Cũng buồn lắm anh ạ. Trước đây tôi là học sinh giỏi của thị trấn. Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi nộp đơn dự thi cả khối A và khối B. Kết quả, khối A được 21 điểm, khối B được 22 điểm. Lúc ấy, tôi là thí sinh có điểm thi đại học cao nhất ở thị trấn Ia Ly. Sau đó, tôi chọn học Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp đại học, tôi ở lại TP. Hồ Chí Minh để lập nghiệp. Gần một năm sau, bố tôi bị bệnh rồi qua đời khi mới 54 tuổi. Về lo hậu sự cho bố xong, tôi định quay lại TP. Hồ Chí Minh làm tiếp thì mẹ không cho vì tôi là con trai út và cũng là con trai duy nhất trong nhà, 2 chị gái đã có gia đình và ở xa. Suy nghĩ mãi, tôi quyết định ở nhà với mẹ”.

“Khi quyết định ở lại nhà, tôi nộp đơn xin việc nhiều nơi nhưng không được nhận. Lúc ấy, tôi buồn lắm và suy nghĩ chẳng lẽ bao nhiêu năm mất công đèn sách để có được tấm bằng đại học rồi lại bỏ không”-Thượng kể. Suy đi tính lại một thời gian dài, cuối cùng, Thượng quyết định khởi nghiệp bằng nghề nông và anh đặt mục tiêu phải làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra, lớn lên. Lựa chọn được hướng đi, Thượng bắt đầu chú tâm học hỏi kinh nghiệm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của các loại cây trồng. Khi trồng xen hồ tiêu trong vườn cà phê, Thượng quyết định trồng cây làm trụ sống nên tuổi thọ của cây hồ tiêu cao hơn. Đồng thời, cây ít bị bệnh, năng suất đạt cao hơn, chi phí sản xuất lại giảm và còn che mát cho cà phê, giúp giảm lượng nước tưới. Khi bón phân cho vườn cây, Thượng sử dụng phân hữu cơ nên cây sinh trưởng tốt, ít mắc bệnh. Nhờ đó, hàng năm, vườn cà phê của anh cho sản lượng bình quân 5 tấn nhân/ha còn hồ tiêu đạt 4 kg khô/trụ. Ngoài ra, Thượng còn nuôi thêm gà, cá, trồng xen cây ăn quả như sầu riêng, bơ sáp, chôm chôm để tăng thu nhập.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Nguyễn Sỹ Thượng

* Khi quyết định khởi nghiệp thì phải theo đuổi đến cùng.
* Không nản lòng khi gặp khó khăn.
* Cần có định hướng rõ ràng khi khởi nghiệp.

Sau một thời gian lăn lộn với vườn cây, khi đã có vốn và kinh nghiệm, Thượng quyết định đầu tư mở rộng diện tích sản xuất. Ngoài số vốn tích lũy được, anh vay thêm ngân hàng 500 triệu đồng để mua 1,2 ha cà phê với giá hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, Thượng có trong tay 3,5 ha cà phê kinh doanh và 600 trụ hồ tiêu. Nhờ chăm sóc tốt nên vụ cà phê 2017, anh thu được 90 tấn cà phê tươi. Thượng cho biết, năm nay, trừ mọi chi phí, anh thu lãi hơn 400 triệu đồng từ cà phê, chưa kể 600 trụ hồ tiêu. Thượng khoe với tôi nhờ làm cà phê mà anh đã xây được nhà cửa khang trang, mới đây còn mua được chiếc ô tô con trị giá 300 triệu đồng để làm phương tiện đi lại cho gia đình.

Không chỉ sản xuất giỏi, Nguyễn Sỹ Thượng còn là một cán bộ Đoàn xuất sắc. Khi bắt đầu về quê khởi nghiệp, Thượng đã tham gia công tác Đoàn tại thôn và được bầu làm Bí thư chi đoàn. Sau một thời gian làm việc năng nổ, năm 2017, Thượng được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư Đoàn thị trấn Ia Ly. Ở cương vị nào Thượng cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Vì vậy, anh đã được kết nạp Đảng khi vừa tròn 25 tuổi.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.