Nguyên nhân gây sạt, trượt đất ở các tỉnh nam Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau đợt mưa kéo dài từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8 vừa qua, tại hai tỉnh nằm ở phía nam Tây Nguyên là Lâm Đồng và Đắk Nông liên tục xảy ra các vụ sạt lở, trượt đất, nứt gãy mặt đất, gây thiệt hại về người và tài sản; nhiều công trình của người dân và cơ quan nhà nước bị hư hại, khiến hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp...

Tại tỉnh Lâm Đồng, rạng sáng 29/6, ở phường 10, thành phố Đà Lạt xảy ra sạt đất khiến hai người chết, năm người bị thương; một ngôi nhà bị sập, một ngôi nhà bị xô lệch, hai ngôi nhà khác bị vỡ tường.

Cơ quan chức năng địa phương quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, khởi tố hai bị can để điều tra làm rõ vụ việc.

Hồ chứa nước Đắk N'Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông) bị khối trượt xô đẩy làm thân đập bị nứt, có nguy cơ vỡ.

Hồ chứa nước Đắk N'Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông) bị khối trượt xô đẩy làm thân đập bị nứt, có nguy cơ vỡ.

Liên tiếp sạt, trượt đất

Đến khoảng đầu tháng 7, xảy ra tình trạng sụt lún, sạt trượt đất nghiêm trọng tại sườn đồi vai phải công trình đập, Hồ chứa nước Đông Thanh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà.

Vết nứt ban đầu rộng từ 20 cm đến 30 cm ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của một số hộ dân, sau đó phát triển rộng theo thời gian và xảy ra tình trạng sụt lún, sạt trượt đất, có chín hộ dân với hơn 5,3 ha đất sản xuất bị ảnh hưởng; 500 m đường giao thông tránh ngập có nguy cơ sụt lún, sạt trượt.

Tình trạng sụt lún đất cũng tác động, làm hư hỏng nhiều hạng mục cụm công trình đầu mối của dự án.

Đến ngày 30/7, xảy ra một số điểm sạt lở đất, ngã đổ cây rừng, cây xanh tại đèo Bảo Lộc và vùi lấp trụ sở Trạm Cảnh sát giao thông Madagui, nằm giữa đèo Bảo Lộc làm ba cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông Lâm Đồng hy sinh và một người nguyên là chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân tử nạn, chia cắt hoàn toàn giao thông qua đèo Bảo Lộc.

Tiếp đến, từ ngày 3 đến sáng 4/8, xảy ra một vụ sụt lún đất làm đứt gãy đường tránh Quốc lộ 20, thuộc địa phận phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc.

Tại tỉnh Đắk Nông, tình trạng sạt trượt, nứt gãy mặt đất cũng diễn biến rất phức tạp, làm hư hỏng nhiều công trình, hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời khẩn cấp, buộc tỉnh phải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục đối với ba công trình, điểm sạt trượt đất nguy hiểm, quy mô lớn trên địa bàn.

Cụ thể, ngày 1/8 phía đồi bên vai phải đập đất Hồ chứa nước Đắk N’Ting, xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong xuất hiện cung trượt lớn kéo dài khoảng 400 m từ hạ lưu tràn tới cống thoát nước số 1 đường tránh ngập, chiều cao cung trượt khoảng 30 m.

Những ngày tiếp theo cung trượt tiếp tục mở rộng, kéo dài và xuất hiện thêm nhiều vết nứt tại mái đồi nằm trong cung trượt.

Đến ngày 6/8, vết nứt cung trượt lớn nhất 30 cm, độ sụt đất tại một số vị trí sâu đến 60 cm; làm dịch chuyển cầu tràn về phía đập đất lên 63 cm; gây mất ổn định công trình, có nguy cơ cao vỡ đập, ảnh hưởng đến an toàn đập và vùng hạ du.

Ngày 2/8, tại bon Bu Krắc, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức phát hiện nhiều vết nứt gãy mặt đất, chiều dài của vết nứt gãy lớn khoảng 200 m.

Những ngày tiếp theo các vết nứt tiếp tục mở rộng, kéo dài và xuất hiện thêm nhiều vết nứt chung quanh khu vực.

Đến ngày 7/8, vết nứt diễn biến hết sức phức tạp, tổng chiều dài các vết nứt khoảng 540 m, kéo dài sang bon Bu Prăng 1A, cách chân đập thủy lợi Đắk Ké khoảng 300 m; gây mất ổn định kết cấu hạ tầng giao thông, nhà cửa, ảnh hưởng lớn đến hoạt động tham gia giao thông tại khu vực, an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Địa phương đã phải di dời khẩn cấp 62 hộ dân...

Ngày 2/8, trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tổ 9, phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa xuất hiện các vết nứt rộng từ 1 cm đến 10 cm, có chiều dài ảnh hưởng khoảng 200 m, sau đó các vết nứt tiếp tục mở rộng, kéo dài, áp lực khối trượt làm sập tường nhà, nứt gãy nền gạch... buộc chính quyền địa phương phải di dời khẩn cấp 17 hộ dân.

Đến ngày 7/8, diễn biến các vết nứt gãy, sạt trượt hết sức phức tạp, chiều dài lớn nhất khoảng 400 m, gây mất ổn định kết cấu hạ tầng giao thông, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của 68 hộ dân.

Chuyên gia xác định nguyên nhân

Sau khi xảy ra liên tiếp các điểm sạt lở, trượt đất tại hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm trưởng đoàn đã đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ sạt lở nghiêm trọng trên đèo Bảo Lộc.

Sau khi kiểm tra thực tế các điểm, vị trí sạt trượt, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do mưa lớn kéo dài gây nên hiện tượng tụ thủy, đây là tác nhân chính gây kích hoạt dẫn tới sạt trượt.

Ngoài ra, tại một số điểm sạt lở còn có sự xuất hiện của các mạch nước ngầm bên trong và bên dưới công trình, khối trượt, nên khi kết hợp tụ thủy từ lượng nước mưa bề mặt, làm bão hòa môi trường đất dẫn đến sạt trượt.

Cũng theo các chuyên gia, bên cạnh yếu tố khách quan, nguyên nhân chủ quan tác động từ yếu tố con người như việc đào đất làm mất chân trụ của các khối trượt, đắp lượng đất lớn làm tăng trọng lượng khối trượt, gây nên sạt lở, trượt đất.

Một điểm chung nhất khi khảo sát các điểm sạt lở, trượt đất đều liên quan đến yếu tố tác động của công trình xây dựng hoặc vùng phụ cận; mất rừng làm thay đổi mực nước ngầm và việc bơm tưới canh tác trong khu vực công trình cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm sạt lở đất…

Trong khi đó, tại các công trình hiện nay khi khảo sát, thiết kế chỉ trong phạm vi công trình, các phạm vi phụ cận rất quan trọng, nhưng không được khảo sát và có giải pháp đồng bộ, đây là hạn chế về quy định pháp luật, cần phải có sự thay đổi sớm trong thời gian tới, nhất là đối với khu vực Tây Nguyên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hữu Sy, chuyên gia địa chất thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sạt trượt xảy ra là nguyên nhân của nhiều yếu tố, như địa hình, địa chất, mức độ dốc, tác động của con người, mạch nước…

Chúng ta phải chủ động để xác định cụ thể là do nguyên nhân nào mới có giải pháp xử lý phù hợp. Ông đề nghị, để chủ động trong việc phòng chống và khắc phục sụt lún, sạt trượt đất, địa phương cần phối hợp các chuyên gia, nhà khoa học để tham vấn và tìm giải pháp xử lý căn cơ, hiệu quả, bền vững.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Châu Lân, Trường đại học Giao thông vận tải đánh giá, nguyên nhân sạt lở ở Tây Nguyên là do cường độ mưa tập trung, lượng mưa tích lũy, liên quan đến tính chất bão hòa của đất.

Tây Nguyên có địa hình dốc, tầng phủ bề mặt dày, chân đá sâu, độ dốc của mái tương đối cao; cùng lượng mưa bề mặt và dòng thấm ngầm trong mái dốc là yếu tố kích hoạt, nguyên nhân chính dẫn đến sạt trượt đất; đặc biệt với tính chất của đất bazan, khi mưa làm bão hòa thì gây ra sạt trượt đất rất nhanh...

Vì vậy, cần tính toán độ ổn định trong quá trình thi công công trình, nhất là giải pháp thoát nước mặt, dòng chảy ngầm ngay trong quá trình khảo sát, thiết kế.

Cũng theo ông Lân, việc để mất rừng cũng là một yếu tố làm ảnh hưởng đến sạt trượt, do gây dòng chảy nước mặt lớn, cùng với việc tưới cây công nghiệp trực tiếp cũng gây ảnh hưởng mái dốc. Tuy nhiên, vấn đề sạt trượt là việc tích lũy theo thời gian, cần tính toán theo từng trường hợp cụ thể.

Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, cần tổ chức hội thảo riêng, mời các chuyên gia để tham vấn, có giải pháp ngắn hạn và lâu dài.

Đặc biệt, phải sớm xây dựng được bản đồ sạt trượt chính xác đến điểm nhỏ nhất, chứ không thể dừng lại ở bản đồ cảnh báo vùng. Đối với những điểm sạt lở vượt quá khả năng xử lý, các địa phương cần báo cáo Trung ương hỗ trợ.

Ở nước ta đã xây dựng ba kịch bản biến đổi khí hậu, nhưng những diễn biến của biến đổi khí hậu hiện nay đều nghiêm trọng hơn kịch bản nghiêm trọng nhất đã xây dựng, nên cần phải có ứng xử khác phù hợp.

Với sự cố sụt lún, sạt trượt tại hồ Đông Thanh (Lâm Đồng) và hồ Đắk N’Ting (Đắk Nông), Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, trong quy chuẩn thiết kế khi thiết kế hồ, đập hiện nay của nước ta chỉ có khảo sát tuyến đập, phạm vi tuyến đập, không có khảo sát khu vực phụ cận.

Trong khi đó, vùng đất đá yếu như Tây Nguyên thì vùng khảo sát phải rộng hơn và sẽ tính toán được tuyến đập, không gian trượt tốt hơn. Đây là vấn đề về thể chế, sẽ đề xuất Chính phủ cho sửa đổi quy chuẩn Việt Nam về quy chuẩn thiết kế hồ, đập…

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.