Nguy cơ 'bật' khỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều doanh nghiệp không lo thiếu việc làm mà lo bị đối tác bỏ đi vì không đảm bảo được tiến độ các đơn hàng đã ký.

 Các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng cho sang năm, nhưng sản xuất đang đình trệ từ nhiều phía. Ảnh: Chí Hiếu
Các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng cho sang năm, nhưng sản xuất đang đình trệ từ nhiều phía. Ảnh: Chí Hiếu


Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm đến nay, nhưng nhờ áp dụng linh hoạt các biện pháp phòng dịch và sáng tạo trong sản xuất, nhiều ngành kinh tế vẫn tăng trưởng ấn tượng. Điển hình là dệt may, da giày, gỗ, điện tử... Tuy nhiên, chưa kịp mừng thì các doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với khó khăn chồng chất và nguy cơ bị bật ra khỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phải cứu phần còn sản xuất được

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, cho biết 7 tháng đầu năm, ngành này đã xuất khẩu lên tới 22,86 tỉ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt Bangladesh để vươn lên xếp thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. “Nhưng sang tháng 8, có quá nhiều khó khăn phức tạp đối với các DN dệt may, khi toàn bộ hệ thống sản xuất của 19 tỉnh phía nam gần như tê liệt”, ông Giang nói. Theo vị này, nhiều DN trong ngành đã có đơn hàng đến hết quý 1/2022, nhưng tình hình dịch đang đặt ra nhiều câu hỏi cho hiệp hội về cách ứng phó để làm sao giữ được sản xuất. Ông Giang kể, ngay các đối tác ngoại vừa ký hợp đồng, họ cũng thường xuyên hỏi: “Liệu tháng 8, tháng 9 có kiểm soát được dịch không, các ông có bao nhiêu vắc xin cho công nhân rồi?”. “Hàng loạt lao động đang trở về địa phương. Tỷ lệ lao động trong ngành được tiêm vắc xin chỉ chưa tới 1% nên việc tái khởi động là thách thức cực kỳ lớn, trong khi DN chỉ hiệu quả khi hoạt động sản xuất trở lại phải từ 50 - 60%”, ông Giang lo ngại. Ngoài ra, theo ông Giang, nhiều đơn hàng nhận về gia công, một số nguyên liệu nhập về cũng ách tắc do cảng Cát Lái (TP.HCM) đóng cửa mới đây.

Câu chuyện này cũng đang diễn ra với ngành gỗ. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN, thông tin 7 tháng qua là “đột biến với ngành gỗ” khi kim ngạch xuất khẩu đã bằng cả năm 2020, tăng trưởng tới 53,7%. Nhờ thế, gỗ VN đã thay thế Trung Quốc để trở thành nhà cung ứng nội thất lớn nhất vào thị trường Mỹ. “Có điều, ngành gỗ tập trung lao động đông tại Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai - vùng đang chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch. Với tình hình này, chúng tôi sợ mất những khách hàng chiến lược do không đáp ứng đủ đơn hàng”, ông Hoài chia sẻ.


 

Cần có kịch bản để sống chung dài hạn với dịch cũng như tính đến khả năng chịu đựng của doanh nghiệp.

TS Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư


Theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại VN, đứt gãy chuỗi cung ứng đang là nỗi lo chung cả DN nội lẫn DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), và thừa nhận “các DN nước ngoài đang rất hoang mang”. Bởi lý do là quy định “3 tại chỗ” kéo dài cả tháng nay khiến người lao động không còn sức để chịu đựng, còn định nghĩa hàng thiết yếu hay không thiết yếu vẫn đang gây tranh cãi. “Mọi mặt hàng đều có sự đan xen nhau, ví dụ bao bì có phải là thiết yếu không, nhưng nếu không có nó thì làm sao để phân phối hàng hóa”, ông Minh dẫn chứng và đề nghị “tất cả hàng hóa cho sản xuất đều cần được ưu tiên”, và phải có sự hướng dẫn thống nhất từ Chính phủ, tránh tình trạng mỗi địa phương áp một kiểu. Nếu không, các chuỗi cung ứng không chỉ trong nước mà ra quốc tế cũng rủi ro cao bị đứt gãy.

Còn theo đại diện Hiệp hội DN Mỹ tại VN (Amcham), không ít thành viên của họ đã phải đóng cửa DN từ giữa tháng 7, chỉ còn một số ít đang duy trì “3 tại chỗ” nhưng rất khó khăn và khẩn thiết đề nghị “phải cứu phần sản xuất còn hoạt động được”. Amcham mong muốn đề xuất về bỏ danh mục hàng thiết yếu của Bộ Công thương sớm được thông qua cũng như áp dụng chứng từ điện tử càng nhanh càng tốt để tránh dồn ứ hàng xuất khẩu, mà trước nhất là với hàng đi thị trường Trung Quốc.

Cần tính đến khả năng chịu đựng của doanh nghiệp


Trong kiến nghị gửi lên Phòng Thương mại - Công nghiệp VN hồi giữa tuần để tổ chức này báo cáo Chính phủ trong phiên họp tới đây, hầu hết các hiệp hội DN đều chung mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để DN chủ động tham gia phòng chống dịch và được tham gia vào lực lượng tuyến đầu.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), Chính phủ làm sao để giúp DN tự chủ trong quản lý y tế tại chỗ, để DN chia sẻ gánh nặng với Chính phủ và giảm tải cho ngành y tế, các bệnh viện. Đại diện Amcham đề nghị Chính phủ nới lỏng mô hình “3 tại chỗ”, thay vào đó cho phép DN được đưa rước người lao động về nhà và chịu trách nhiệm đưa đón, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn. “Những tổ công tác Covid-19 nên được thành lập với đại diện các DN, để đáp ứng nhanh với các thủ tục, hỗ trợ, đồng thời cung cấp những dịch vụ liên quan”, Amcham đề xuất.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng Chính phủ nên để DN chịu trách nhiệm an toàn phòng dịch tại nhà máy của mình. Chính phủ có thể hỗ trợ, bù tiền xét nghiệm cho DN. Xa hơn, Chính phủ cần xây dựng chương trình phục hồi kinh tế và phát triển DN.

TS Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, cũng nhấn mạnh Chính phủ không nên áp dụng cứng nhắc các mô hình phòng chống dịch. Thay vào đó, nên phát huy các sáng kiến của DN nếu họ đảm bảo được an toàn, đồng thời cần tăng tính chủ động của họ và có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền với DN; có quy trình xử lý cụ thể. Ông Hiếu nhấn mạnh: “DN cần đóng vai trò kép, vừa phòng dịch vừa sản xuất. Nếu không, rủi ro về mặt kinh tế là rất lớn, bởi không phải tạm đứt gãy chuỗi cung ứng mà đã gãy là gãy hẳn. Cho nên cần có kịch bản để sống chung dài hạn với dịch cũng như tính đến khả năng chịu đựng của DN”.

 


Doanh nghiệp tại TP.HCM kiến nghị ngừng phương án “3 tại chỗ”

Ngày 6.8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ, lãnh đạo UBND TP.HCM và các sở ban ngành đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số cơ sở sản xuất, thương mại dịch vụ ở TP.HCM. Báo cáo với Phó thủ tướng, một số DN sản xuất thực phẩm thiết yếu kiến nghị các cấp xem xét lại phương án “3 tại chỗ” (3T) để giúp DN sớm khôi phục sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo các DN, ban đầu chỉ nghĩ sẽ sản xuất 3T trong khoảng 1 tháng. Nay nếu kéo dài phương án này, các DN không làm nổi và người lao động rất bức bách, sinh hoạt khó khăn... Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho hay các DN kiến nghị nghiên cứu không nên tiếp tục phương án này mà để cho các nhà máy tự chủ, quản lý theo bộ quy tắc với các tiêu chí an toàn không để xảy ra dịch bệnh.

 

Ng.Nga


Theo Chí Hiếu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.