Người trẻ hiến kế vì một Việt Nam phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những chia sẻ khởi nghiệp, phát triển giáo dục, bảo vệ môi trường bằng công nghệ 4.0; những đề xuất kiến nghị, giải pháp, chính sách tạo điều kiện cống hiến, phát triển... Đó là cách mà những người trẻ VN dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể làm cho đất nước mình, bằng tình yêu Tổ quốc trong tim.

Ông Trương Hòa Bình, anh Lê Quốc Phong và các đại biểu tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ VN toàn cầu lần thứ nhất
Ông Trương Hòa Bình, anh Lê Quốc Phong và các đại biểu tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ VN toàn cầu lần thứ nhất



Những chia sẻ khởi nghiệp, phát triển giáo dục, bảo vệ môi trường bằng công nghệ 4.0; những đề xuất kiến nghị, giải pháp, chính sách tạo điều kiện cống hiến, phát triển... Đó là cách mà những người trẻ VN dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể làm cho đất nước mình, bằng tình yêu Tổ quốc trong tim.

Ngày 28.11, tại TP.Đà Nẵng, lần đầu tiên T.Ư Đoàn tổ chức Diễn đàn Trí thức trẻ VN toàn cầu. Tham dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN Lê Quốc Phong; Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương.

Đặc biệt, gần 200 trí thức trẻ đang sinh sống, làm việc ở 21 quốc gia trên toàn thế giới cũng góp mặt. Đây là những trí thức trẻ làm việc ở 52 chuyên ngành khác nhau, với 62% đại biểu là phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ; 33% là cử nhân, kỹ sư, bác sĩ và 5% là các sinh viên năm cuối có thành tích đặc biệt xuất sắc.

Chia sẻ công nghệ toàn cầu

“Phát huy sức mạnh trí thức trẻ VN trong kỷ nguyên 4.0” là chủ đề của Diễn đàn Trí thức trẻ VN toàn cầu lần thứ nhất. Các đại biểu đã thảo luận, đề xuất giải pháp cụ thể để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển cách mạng công nghiệp 4.0; nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biển đổi khí hậu; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh...

Câu chuyện của Nguyễn Thùy Anh (cô gái sống và học tập ở Mỹ) tại diễn đàn thu hút sự quan tâm của khá nhiều nhà nghiên cứu trẻ cùng lĩnh vực. Thùy Anh nghiên cứu về tài nguyên nước VN trước thách thức của biến đổi khí hậu. Rất ngắn gọn, Thùy Anh chia sẻ những nghiên cứu của mình về hệ thống lưu lượng nước ở các nước tiếp giáp trước khi đổ vào VN, chia sẻ cách tính toán lượng nước, quy trình vận hành hồ đập của các nước láng giềng thông qua cơ sở ảnh vệ tinh, theo dõi sự thay đổi mực nước, địa hình hồ chứa. Thùy Anh kỳ vọng nghiên cứu của mình sẽ có ích trong việc chủ động ứng phó với những thách thức về tài nguyên nước, bằng những đề xuất biện pháp công trình như xây hồ đập, đê, cầu cống và biện pháp phi công trình như tăng sử dụng dữ liệu vệ tinh, xây dựng kịch bản khí hậu…

 

"Tôi kỳ vọng đây thực sự là một kênh kết nối và là diễn đàn để trí thức trẻ thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của mình trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của VN với khu vực và toàn cầu"-Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình

Sau chia sẻ của Thùy Anh, Bùi Anh Tuấn (đang học tập tại ĐH Công nghiệp Bắc Kinh, Trung Quốc) lập tức nhận ra người cùng quan điểm với mình. Tuấn cũng quan tâm đến tài nguyên nước, lĩnh vực tài nguyên môi trường và công nghệ 4.0. “Tôi nghiên cứu về việc kiểm soát môi trường, môi trường nước. Tôi muốn tìm kiếm cơ hội kết nối nghiên cứu thực tế với tất cả các bạn dù các bạn đang ở đâu, để cùng nhau hỗ trợ thông tin nghiên cứu. Chắc chắn tôi sẽ về VN làm việc và chia sẻ các ứng dụng công nghệ phát triển trong lĩnh vực tài nguyên môi trường mà tôi học và được thực tế ở Trung Quốc”, Bùi Anh Tuấn nói.

Một đề xuất công nghệ khác khá thú vị đến từ một kỹ sư điện tử sống ở VN và một kỹ sư làm việc tại Mỹ, liên quan đến sử dụng công nghệ robot, máy bay điều khiển từ xa và phần mềm trực tuyến để kiểm soát rừng, tài nguyên nông, lâm, quản lý rủi ro thiên tai. “Sở dĩ chúng tôi gợi ý sử dụng công nghệ này vì đây là ứng dụng được sử dụng ở nhiều nước phát triển trên thế giới, bởi hệ thống quan trắc mà VN đang sử dụng đã không còn phù hợp”, Nguyễn Tỵ (ĐH Pennsylvania, Mỹ) trao đổi…

Là kênh tham vấn của chính phủ

Đa số đại biểu tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ VN toàn cầu tỏ ý tâm đắc với ý kiến của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, khi ông kỳ vọng diễn đàn sẽ là sự kiện thường niên, là kênh tham vấn của chính phủ về các chính sách phù hợp để người trẻ phát huy năng lực của mình.

Câu chuyện của anh Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), là một ví dụ. Là đại biểu thanh niên ưu tú trong sáng tạo và khởi nghiệp, anh Sang được tham dự những sự kiện mang tính kết nối lắng nghe người trẻ và đã có nhiều đề xuất chính sách, giải pháp được hiện thực hóa. Đó là những đề xuất chính sách đặc thù trong nhập khẩu giống hoa; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; nhập khẩu, xây dựng hệ thống nhà kính; xây dựng phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu nuôi cấy mô… Đặc biệt, có chính sách đặc thù được thông qua như giảm thuế nhập khẩu nhà kính; tài sản hình thành từ nhà kính, trên đất cũng là tài sản đảm bảo từ vay vốn ngân hàng..., qua đó giúp các startup có vốn để tái đầu tư.

Tại diễn đàn, ông Trương Hòa Bình đã đánh giá cao việc phát huy sức mạnh trí thức trẻ VN trong kỷ nguyên 4.0, với những đề xuất về cơ chế thu hút, phát huy người tài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích các trí thức trẻ người Việt nỗ lực, chủ động cống hiến.

“Tôi kỳ vọng đây thực sự là một kênh kết nối và là diễn đàn để trí thức trẻ thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của mình trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của VN với khu vực và toàn cầu”, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chia sẻ.

Tại diễn đàn, anh Lê Quốc Phong cũng tin tưởng các trí thức trẻ VN, dù ở bất cứ đâu, cũng hướng về đất nước, mong muốn có một VN dân giàu nước mạnh, một VN vẻ vang, đứng trong đội ngũ những quốc gia phát triển trên thế giới.

“Chúng ta còn nhiều khó khăn, nhưng quan trọng là chia sẻ với nhau khát vọng, chung tay khắc phục khó khăn và vượt qua thách thức. Chúng tôi mong muốn cộng đồng trí thức trẻ VN toàn cầu hợp tác chia sẻ, cùng đưa ra lời giải hiệu quả cho các bài toán lớn, ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực mà đất nước đang cần. Hãy hiến kế vì một VN phát triển bền vững”, anh Phong kỳ vọng.

An Dy (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Từ những chiếc bánh ép Huế bình dân, Ngô Văn Quốc (22 tuổi, quê P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã cho ra đời sản phẩm đóng gói đẹp mắt, mang thương hiệu của Huế, bày bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng sân bay... khắp cả nước.

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Đại úy Y Yến (36 tuổi, dân tộc Xơ Đăng)-Trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum, đã được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Công an tiêu biểu”, “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

(GLO)- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn cách livestream bán hàng… là chuỗi hoạt động do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức cuối tuần qua tại TP. Pleiku.