Người Tổ trưởng dân phố mẫu mực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Tuổi trẻ bây giờ rất giỏi, có thể làm được những việc có ý nghĩa to lớn nhưng việc đảm nhận “chức” nhỏ như… Tổ trưởng tổ dân phố thì lại chưa chắc. Bởi vì muốn người dân nghe theo, trước tiên phải là người đã… có tuổi, thứ nữa là có uy tín, nhưng quan trọng nhất là phải cực kỳ kiên nhẫn”- ông Nguyễn Văn Chương- Tổ trưởng tổ dân phố 1, phường Ia Kring (TP. Pleiku) chân thành chia sẻ.
Vừa bước chân vào cửa, vợ ông hỏi luôn: “Cô tới nộp tiền thuế nhà đất hả?”, sau khi biết mình nhầm, bà cười xòa phân trần: “Mấy bữa nay ổng lo đi thu thuế đất nên giờ thấy ai cũng nghĩ có liên quan đến… thuế đất. Mà ít người tới nhà nộp lắm, toàn cứ phải đi gõ cửa từng hộ, ngày nào cũng đi…”. Tự dưng trong đầu tôi dựng lên hình ảnh một ông Tổ trưởng tuổi chừng 65, sổ cặp nách với dáng vẻ tất bật, săng sái đến từng hộ trong tổ thu tiền như một “chủ nợ”.
Ông Chương luôn tận tụy với những vấn đề của tổ viên. Ảnh: Hà Duy
Ông Chương luôn tận tụy với những vấn đề của tổ viên. Ảnh: Hà Duy
Trách nhiệm luôn đặt lên hàng đầu
Có trực tiếp gặp và nói chuyện với ông mới cảm nhận được sự nhiệt tình, hết lòng của ông đối với công việc thể hiện qua cái khoát tay dứt khoát và câu nói liên tục nhấn mạnh: “Nhiệm vụ mà!”. Vậy thì có gì ngạc nhiên khi ông sổ cặp nách, tất bật đến từng nhà thu thuế, “Có hộ không chịu nộp lại phải tới lui 5-7 lần, ngại lắm”. Thuế đất còn khó… đòi, huống chi những loại tiền mang tính chất tự nguyện, quyên góp. Nhưng ông có cách riêng để hầu như đợt vận động nào, tổ ông cũng được khen là làm nhanh, làm đủ. Ông cho hay: “Các loại quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người cao tuổi, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ xây đền tưởng niệm các liệt sĩ ở phường Hội Phú, ủng hộ đồng bào miền Trung và miền Nam bị lũ lụt…, đều có phương pháp vận động khác nhau, tôi vận động những gia đình có kinh tế khá nộp nhiều hơn, bớt phần cho các gia đình nghèo. Vì thế ai cũng vui vẻ hưởng ứng”- ông Chương chia sẻ.
Tổ dân phố 1 luôn là tổ đi đầu trong mọi lĩnh vực, là một trong những tổ dân phố tiêu biểu của thành phố. Tổ có 241 hộ với 1.045 khẩu, trong đó có 230 hộ là gia đình văn hóa. Tổ thường tổ chức họp theo từng nhóm dân cư nên hầu như 100% số hộ gia đình được học tập và nắm bắt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bởi vậy tổ luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu pháp lệnh Nhà nước ban hành cũng như tham gia đầy đủ các phong trào do Nhà nước và địa phương phát động: Tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách hay những đợt vận động tuyển quân.
Nói về các đợt tuyển quân, ông lại cười xòa: “Khổ tâm nhất là đây, kỷ niệm nhiều nhất cũng là đây”. Và rồi ông kể, tuy giờ chuyện đi nghĩa vụ quân sự không còn là chuyện gì ghê gớm nhưng tâm lý các bà mẹ hầu như không ai muốn cho con rời xa vòng tay của mình. Mỗi khi tới đợt, ông phải đến vận động từng nhà có con em tới độ tuổi đi nghĩa vụ, người nhiệt liệt ủng hộ thì ít mà chửi bới, mắng mỏ thì... chuyện thường. Nhưng ông vẫn kiên nhẫn vận động, thuyết phục nên năm nào cũng đủ số lượng thanh niên đi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Gia đình hiếu học
Ông luôn tự nhủ, muốn người khác nghe mình, ngoài việc luôn tôn trọng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân thì bản thân phải có lối sống đạo đức trong sáng, lành mạnh. Và có thể nói ông là người cực kỳ biết… nhịn. “Có người vừa thấy mặt Tổ trưởng là chẳng thèm mời vào nhà mà hỏi ngay ông đến có việc gì không? Lại đóng góp gì à? Rồi Tổ trưởng phải chịu nhiều “bất công” như mưa nước chảy vào nhà, người dân cũng qua mắng vốn; con đi đá banh té gãy chân, Tổ trưởng lại bị trách sao tổ không quan tâm; có gia đình bất hòa, Tổ trưởng tới hòa giải thì bị chửi lây, bị cào mặt…”- ông Chương hóm hỉnh cho biết.
Gia đình ông cũng được coi là gia đình hiếu học tiêu biểu: 5 người con thì 4 là thạc sĩ, 1 đang làm luận văn thạc sĩ. Thành quả ấy, ông “nhường” hết phần cho vợ: “Mình suốt ngày lo việc xã hội, nhờ bả ở nhà chăm lo cho mấy đứa con mới được vậy. Tụi tôi- chồng học xong lớp 8, vợ học xong lớp 6- nên thấm thía lắm “phận” của người ít chữ, thường là phải làm công việc chân tay, rất vất vả, cực khổ. Ngày ấy, để lo cho cuộc sống gia đình, chồng thì chạy xe lam, vợ thì làm đủ thứ nghề với hốt than, bán bánh mì, bán tạp hóa… Nên mọi giá phải cố gắng cho con ăn học. Cũng may là các con đứa nào cũng thương ba mẹ nên rất chịu học. Anh chị em cũng rất biết yêu thương, đùm bọc nhau, đứa lớn ra trường là đi làm lo cho những đứa sau. Giờ thì tụi nó trưởng thành hết rồi”.
Bấy nhiêu thôi có lẽ phần nào giải thích được vì sao người dân trong tổ tín nhiệm bầu ông làm Tổ trưởng tổ dân phố suốt nhiều năm liền. Và công sức ấy được ghi nhận bằng những danh hiệu như: Bằng khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của UBND tỉnh tặng liên tục các năm 2006, 2007, 2008, 2009 hay danh hiệu chiến sĩ thi đua của UBND thành phố… Nhưng với ông, quan trọng nhất là “được góp sức mình cho xã hội”.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm