Người thầy tận tụy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Yêu nghề, tận tâm, có trách nhiệm là những nhận xét mà thầy Tânh (SN 1974) vẫn thường nhận được từ các đồng nghiệp ở Trường Tiểu học xã Trang (xã Trang, huyện Đak Đoa) suốt gần 25 năm qua...

 Thầy Tânh đã gắn bó với nghề giáo gần 25 năm. Ảnh: P.L
Thầy Tânh đã gắn bó với nghề giáo gần 25 năm. Ảnh: P.L
Thầy Nguyễn Đình Văn-Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Trang: “Với sự cố gắng, nỗ lực và lòng yêu nghề, thầy Tânh nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi của trường. Các lớp học sinh do thầy phụ trách luôn đạt kết quả tốt. Không chỉ vậy, thầy Tânh còn có đóng góp không nhỏ trong việc giúp trường duy trì sĩ số học sinh, luôn hoàn thành công việc được giao và rất có trách nhiệm”.

Trong những giáo viên đang công tác tại Trường Tiểu học xã Trang, thầy Tânh có lẽ là người gắn bó với nơi này lâu nhất, từ năm 1993. Nghề giáo những năm ấy vô cùng vất vả bởi đồng lương thấp, điều kiện dạy học không đầy đủ như bây giờ. Dạy ở vùng sâu, vùng xa, học sinh 100% là đồng bào dân tộc thiểu số; trình độ và nhận thức về tầm quan trọng của “cái chữ” trong phụ huynh và học sinh còn thấp; vì thế, những ngày đầu đi dạy, sau khi vượt hơn 20 km đường đất trên chiếc xe đạp cọc cạch, việc phải đối diện với lớp học vắng hơn phân nửa đôi lúc khiến thầy Tânh chùng lòng. “Khi mới bắt đầu đi dạy, tôi thấy nghề giáo thật khổ. Thế nhưng đến lớp, nhìn các em học sinh tôi lại dậy lên mong muốn được đứng trước các em để truyền đạt kiến thức, dạy bảo các em những điều hay lẽ phải. Ngày ấy, tôi cũng không quản ngại đường sá lặn lội tới từng nhà học sinh để vận động các em đến trường”-thầy Tânh chia sẻ.

Năm 2007, thầy Tânh lập gia đình cùng chị Yoan (SN 1982). Vợ chồng thầy bắt đầu gầy dựng kinh tế từ hai bàn tay trắng. Dù vất vả vô cùng khi hai đứa con lần lượt ra đời, thầy Tânh vẫn quyết tâm gắn bó với nghề giáo. Cứ một buổi lên lớp, buổi còn lại thầy đi làm thuê ở tận xã Kon Thụp, Đak Trôi... (huyện Mang Yang). Thầy còn thay vợ gồng gánh rau từ vườn nhà ra chợ đổi lấy từng đồng, miễn sao trang trải được chi tiêu cho vợ con. Dần dần, vợ chồng thầy mua đất, trồng tiêu, trồng cà phê, trồng lúa... Đời sống gia đình khá lên từng ngày và quan trọng nhất là thầy vẫn thực hiện được mong muốn gắn bó với nghề giáo của mình.

Hiện tại, thầy Tânh đang chủ nhiệm lớp ghép 2-3 của trường. Chủ nhiệm lớp ghép thường phải là các thầy cô dày dặn kinh nghiệm giảng dạy bởi đặc thù đòi hỏi phải truyền đạt hai luồng kiến thức song song với nhau. Thầy Tânh cười tươi và nói: “Có lẽ niềm vui, niềm tự hào nhất trong gần 25 năm gắn với nghề giáo chính là được nhìn thấy từng lứa học trò của mình trưởng thành và thành đạt. Học trò của tôi bây giờ có người là công an, giáo viên, chủ tịch xã... Chúng tôi vẫn thường gặp nhau trên đường và các em vẫn gọi tôi bằng thầy. Hiện tại, tôi cũng đang tiếp tục dạy các con của học trò cũ...”.

 Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.