Người Tây Nguyên đốt lửa đêm giao thừa, cầu nguyện năm mới bình an

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau một năm tất bật với công việc, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là lúc mà người người, nhà nhà đều muốn quây quần bên nhau để cùng đón giao thừa và ăn bữa cơm đoàn viên. Ở Tây Nguyên, người dân thường đốt củi vào đêm giao thừa để cầu nguyện năm mới bình an.
 
Đốt lửa đêm giao thừa
Khác với những vùng miền của đất nước, Tây Nguyên là khu vực tập trung nhiều dân tộc cùng sinh sống như: Ê đê, Gia Rai, Kinh, Mông… Mỗi dân tộc đều có phong tục ăn Tết riêng nhưng đặc trưng của Tây Nguyên vẫn là tập tục đốt lửa vào đêm giao thừa. Như thường lệ, cứ vào dịp cuối năm, các gia đình lại tập trung gom củi, gỗ thành hình tháp lớn trước cửa để chuẩn bị cho đêm giao thừa.
Đây không phải là phong tục cổ truyền mà từ lâu đã trở thành thói quen của người dân vùng cao, khoảng 28 tháng Chạp trở đi, những đống củi lớn được sắp gọn gàng trước cửa nhà, người ta hay nói đùa với nhau rằng: “Hễ nhà nào chưa có củi đốt thì coi như chưa có Tết”.
Vào ngày cuối cùng của năm, bên cạnh việc sửa soạn nhà cửa, chuẩn bị mâm cúng gia tiên, nhiều gia đình cũng dành thời gian để bày trí đống củi trước nhà, người ta quan niệm rằng đống củi nhà nào càng to thì ăn Tết càng lớn. Ở Tây Nguyên, người ta thường đốt lửa vào khoảng 20h tối ngày 30, ngọn lửa sẽ cháy rực cho đến thời khắc giao thừa.
 
Đốt lửa để cầu năm một năm mới bình an, hạnh phúc
Trong lúc ngọn lửa cháy, các thành viên trong gia đình thường ngồi quây quần bên đống lửa, vừa hát vừa kể lại những câu chuyện trong năm cũ và cầu mong những điều tốt lành cho năm mới. Thú vị hơn, nhiều gia đình còn tận dụng bếp lửa để nướng gà, vịt, làm những món ăn dân dã để phục vụ đêm giao thừa.
Cũng chẳng ai biết người Tây Nguyên bắt đầu đốt lửa đêm giao thừa từ lúc nào mà người ta chỉ biết rằng đó là cách để xua đi những điều không may mắn trong năm cũ để đón những điều may mắn trong năm mới.
 
Những đống củi lớn được chuẩn bị từ nhiều ngày trước
 
Người Tây Nguyên đốt lửa đón giao thừa
Ngoài việc đốt lửa theo hình thức hộ gia đình, trong đêm giao thừa, tại các thôn, buôn, nhiều gia đình thường tập trung làm một đống củi lớn để cùng nhau vui chơi, đón không khí năm mới. Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây, bếp lửa đêm giao thừa đã trở thành nơi dừng chân của nhiều bạn trẻ vùng cao vào mỗi dịp Tết đến.
Kim Sáng (Công lý & Xã hội)

Có thể bạn quan tâm