Người sở hữu nhiều voi nhất Việt Nam đã khuất núi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ông Đặng Vân Long (tên Chăm là Đàng Năng Long) - người sở hữu nhiều voi nhất nước, vừa ra đi ở tuổi 63. Gia tộc ông lừng lẫy với nghề thuần dưỡng, chăm sóc, bảo tồn voi.

Ông Đàng Năng Long (sinh năm 1962, quê ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, Đắk Lắk), qua đời vào chiều 27/10.

Ông được những người yêu voi ở Đắk Lắk biết đến không chỉ sở hữu số lượng voi nhà nhiều nhất nước (có lúc lên tới 7 con) mà còn là một người yêu voi, hiểu biết về voi và luôn nỗ lực trong việc bảo tồn, phát triển đàn voi nhà.

Ông Long xuất thân trong gia đình có truyền thống nuôi voi. Bố ông là Đàng Nhảy - một người buôn bán voi và sở hữu đàn voi nhà lớn trong vùng. Ông Long được thừa hưởng, tiếp nối truyền thống ấy.

Sau nhiều năm cho voi phục vụ chở khách du lịch, ông Long nhận ra cần phải chuyển đổi mô hình này để voi có nhiều thời gian nghỉ ngơi, kết bạn, sinh sản. Ông đặt chân đến nhiều quốc gia có truyền thống nuôi voi, xem cách họ khai thác du lịch có sử dụng voi ra sao…

Và rồi, ông quyết định thử nghiệm mô hình sản xuất cà phê voi; kết hợp cho du khách thăm. Theo đó, du khách sẽ chuẩn bị hoặc mua các phần thức ăn tốt cho sức khỏe của voi (cỏ, chuối…) và đến khu vực tập trung voi tham quan chụp hình với voi mà không mất phí.

Ông Đàng Năng Long cũng là người cho voi ăn cà phê, như dạng chồn, sau đó thải bằng đường tiêu hoá.

Ông Long cũng là người nặng lòng với việc cho voi kết đôi, sinh sản. Ông dành hàng chục năm cố gắng ghép cặp cho nhiều đôi voi. Đây là điều khá khó khăn bởi nhiều chủ voi không muốn mất thu nhập và sợ voi nhà bị tổn thương trong lúc kết đôi. Để cổ vũ họ, ông Long tuyên bố sẵn sàng trao thưởng 100 triệu đồng cho bất cứ chủ voi nào se duyên được cho voi nhà mang thai...

1-ong.jpg
Ông Đàng Năng Long bên đàn voi nhà. Ảnh: Vạn Tiếp

Những năm dịch COVID-19 bùng phát, ông Long “mất tích” một cách bí ẩn. Có người bảo, ông đã bán hết đàn voi, chuyển đi nơi khác sinh sống.

Tuy nhiên, năm 2022, ông Đàng Năng Long chia sẻ với PV, rằng ông không bao giờ có ý nghĩ bán voi. Do dịch COVID-19 không thể kinh doanh du lịch nên ông đóng cửa nhà hàng, thả đàn voi vào rừng và thuê nài voi chăm sóc. Còn bản thân ông tìm môi trường kinh doanh mới, nhưng đi rồi mới thấy, không đâu bằng quê mình.

Ông Đàng Năng Long say mê nói về dự định xây dựng hợp tác xã, tập hợp các chủ voi cùng chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện. Ông luôn đau đáu làm sao mô hình chuyển đổi vừa bảo đảm được sức khoẻ cho voi, vừa mang lại thu nhập, cải thiện cuộc sống của các chủ voi.

Hai năm nay, ông Đàng Năng Long bận rộn để xây dựng mô hình du lịch voi thân thiện trên Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Thế rồi, bao dự định, bao khắc khoải của người đàn ông gắn cả đời mình với sự nghiệp bảo tồn voi nhà, đã ra đi mãi mãi.

Theo Huỳnh Thủy (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.