(GLO)- 15 năm tham gia công tác Hội và 7 năm trong vai trò Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Ake (huyện Phú Thiện) cũng là ngần ấy thời gian chị luôn gần gũi, gắn bó với hội viên và có nhiều giải pháp tích cực giúp hội viên thoát khỏi mặc cảm, tự ti, mạnh dạn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Với những đóng góp của mình trong công tác Hội lẫn xóa đói giảm nghèo, chị liên tục được nhận bằng khen, giấy khen các cấp. Đến tháng 4-2013, chị được cấp trên tín nhiệm trong cương vị công tác mới-Phó Bí thư Đảng ủy phụ trách cơ sở-chị là Phạm Thị Soa.
Giúp hội viên thoát khỏi mặc cảm, tự ti
Ảnh: Phương Dung |
Sẽ vô cùng thiếu sót khi nói về chị mà không đề cập lại câu chuyện xảy ra cách đây đã vài năm. Đó là năm 2009, ở làng Măk xảy ra tình trạng xây dựng cơ sở thờ tự trái phép, tập trung đông người, khiến chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể đau đầu tìm cách giải quyết. Với tư cách là Chủ tịch Hội, chị đã tích cực vận động gia đình chị Rơ Mah H’Ra-người tự nguyện hiến đất để xây dựng cơ sở thờ tự, hiểu việc hiến tặng đất và xây dựng cơ sở khi chưa được phép là trái pháp luật. Nói nghe thì dễ, song khi bắt tay vào việc lại không hề đơn giản. Dường như, trong suốt thời gian ấy, chị đã ăn, ngủ luôn ở dưới làng, vừa gần gũi trò chuyện để nắm bắt tình hình, vừa tỉ tê tuyên truyền, giải thích. Và khi gia đình chị H’Ra đã hiểu ra đúng-sai, chị đã tự nguyện tháo dỡ cơ sở thờ tự và mọi việc được giải quyết ổn thỏa, không gây ra điểm nóng.
Bên cạnh đó, chị Soa còn tích cực vận động, tuyên truyền hội viên phụ nữ, nhất là hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số cảnh giác, không nên nghe và tin theo lời kẻ xấu xúi giục, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết. Riêng với những hội viên phụ nữ có chồng, con là những đối tượng cốt cán “Tin lành Đê-ga”, chị cũng thường xuyên gặp gỡ, tâm sự để nắm bắt tình hình, giúp họ nhận ra sai trái, đồng thời, tạo mọi điều kiện giúp đỡ để họ trở về tái hòa nhập với cộng đồng. Hiện nay, xã có khoảng 27 đối tượng cầm đầu cốt cán “Tin lành Đê-ga”, trong đó có một số đối tượng đang trong diện theo dõi, một số khác đang chịu hình phạt của pháp luật. Chị Soa chia sẻ: Với những chị em có chồng hoặc con đang bị tù đày thường có tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc, do đó mình phải thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ để họ yên tâm.
Đồng thời, Hội cũng tạo điều kiện để họ tiếp cận với các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua bò sinh sản, vận động hội viên tặng áo quần, giày dép… Điển hình như chị Kpă H’Phia (thôn Mơlan) đã được Hội tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng mua bò sinh sản, đến nay bò đã sinh sản thêm được 2-3 con; hay gia đình chị Ksor H’Đoai (làng Glung A) cũng đã được vay tiền học sinh-sinh viên để lo con cái ăn học… “Là người sống ngay thẳng, sống hết mình với những người xung quanh và là người rất có uy tín với hội viên phụ nữ”-đó là những lời nhận xét của ông Kpă Gót-Chủ tịch UBND xã Ia Ake, khi nói về chị Phạm Thị Soa. Cũng theo ông Kpăh Gót, nhờ có sự gần gũi, động viên, giúp đỡ tích cực của chị Soa cũng như Hội Liên hiệp Phụ nữ xã mà nhiều hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số đã thoát khỏi mặc cảm, tự ti, chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương.
Hết lòng vì phụ nữ nghèo
Hiệu quả từ mô hình tiết kiệm “Nuôi heo đất” (ảnh minh họa) |
Có thể nói, chị Phạm Thị Soa là một người rất tâm huyết với công tác Hội và phong trào phụ nữ. Bởi, cứ có thời gian rảnh, chị lại tranh thủ xuống làng thăm hỏi, động viên chị em. Hình ảnh một cán bộ Hội thường xuyên xuống làng, xắn quần lội ruộng, bón phân, làm cỏ… cùng bà con đã trở nên khá quen thuộc. Quen thuộc đến độ, mọi người đặt luôn cho chị với nhiều cái họ thân quý: Kpăh Soa, Rơ Mah Soa… Cũng nhờ thường xuyên xuống làng, gắn bó với hội viên nên chị có thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhiều chị em, đồng thời nắm bắt những khó khăn về nhà ở, đất sản xuất, việc làm… trong hội viên và kịp thời giải đáp những vướng mắc, có hướng hỗ trợ, giúp đỡ. Thông qua các tổ vay vốn, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho hàng trăm lượt hộ vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xây dựng nhà ở,… Nhờ đó, nhiều gia đình hội viên đã thoát khỏi khó khăn, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, Hội cũng đẩy mạnh phong trào giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, bằng việc giúp vay vốn không tính lãi hoặc lãi suất thấp, giúp cây con giống, ngày công lao động, kinh nghiệm, cách làm ăn để thoát nghèo. Chưa hết, Hội còn vận động hội viên tiết kiệm tiền chi tiêu, đóng góp ủng hộ “Quỹ phụ nữ nghèo”, trong 2 năm đã vận động được 4 triệu đồng, giúp cho 4 phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua các sổ tiết kiệm...
Ngoài ra, Hội cũng triển khai nhiều mô hình nhằm hỗ trợ hội viên trong lúc khó khăn: “nuôi heo đất”, “hũ gạo tiết kiệm” và duy trì các tổ nhóm tín dụng, tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế. Đến nay, 11/11 chi hội thôn làng đều duy trì mô hình “hũ gạo tiết kiệm” với hình thức, mỗi gia đình trước khi nấu cơm thì tiết kiệm một nắm gạo. Số gạo này sẽ là nguồn lương thực quý giá giúp cho nhiều hội viên khác trong mùa giáp hạt. Hội còn phối hợp với Trường Dạy nghề thị xã Ayun Pa mở nhiều lớp học nghề ngắn hạn, như: cắt may, thú y, trồng rau sạch… và mở nhiều lớp tập huấn để chị em có thêm kinh nghiệm cũng như việc làm, cải thiện cuộc sống.
Riêng phong trào “Mái ấm tình thương” tặng hội viên nghèo đã được đông đảo hội viên hưởng ứng và chỉ tiêu Hội đặt ra là mỗi năm sẽ xây dựng, bàn giao từ 1-2 căn nhà cho những hội viên phụ nữ nghèo chưa có nhà ở, hoặc nhà tranh tre dột nát. Ba năm trở lại đây, Hội đã xây dựng và bàn giao được 5 mái ấm tình thương. Những hội viên được chọn lựa xây dựng nhà ở đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người thì già cả không nơi nương tựa, người thì con bị bệnh hiểm nghèo, không tiền chạy chữa, người thì nhà cửa rách nát không có khả năng sửa chữa…
Nhiệt huyết, tận tâm với công tác Hội, chị Soa đã góp phần cải thiện đời sống hội viên và tích cực chung sức cùng địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Phương Dung