Những ngày qua, câu chuyện về nữ bệnh nhân ung thư vú giai đoạn cuối nỗ lực giữ thai và sinh con đã khiến nhiều người xúc động.
Câu chuyện không chỉ cho thấy tình mẫu tử thiêng liêng cao quý, vượt qua cả giới hạn về sự sống mà còn ghi nhận những nỗ lực của các y, bác sĩ khi giải quyết một ca khó, hi hữu, đó là mổ đẻ khi sản phụ ở tư thế ngồi, một cách lựa chọn duy nhất vì căn bệnh ung thư vú của bệnh nhân đã di căn lên phổi.
Chị Liên trên bàn sinh chiều 22/5 (Ảnh do bệnh viện cung cấp) |
Mang thai đến tháng thứ 4, chị Nguyễn Thị Liên, 28 tuổi ở Lý Nhân, Hà Nam bị ho nhiều, tức ngực, nổi hạch ở gần vai, đi khám thì phát hiện ung thư vú di căn, giai đoạn 4.
Nhận tin dữ từ bác sĩ Bệnh viện K, nhưng không một chút do dự, chị Liên quyết định giữ lại “giọt máu” trong cơ thể mình, dù điều này có ảnh hưởng tới sức khỏe trong quá trình điều trị.
Chỉ sau 2 đợt truyền hóa chất, chị Liên bị tràn dịch màng phổi, phải thở oxy và chăm sóc đặc biệt. Tế bào ung thư di căn xương và phổi gây đau đớn và khó thở đã khiến chị không nằm được suốt hơn 2 tháng ở bệnh viện và mỗi ngày chỉ chợp mắt được 2 tiếng đồng hồ trong tư thế ngồi.
Ngày 22/5 vừa qua, khi thai nhi được 31 tuần tuổi và sức khỏe người mẹ đã chạm tới ngưỡng chịu đựng cuối cùng, Bệnh viện K đã mời Phó Giáo sư Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương sang mổ đẻ cho sản phụ.
“Đây là ca mổ đặc biệt, phải mổ ngồi. Bình thường mổ đẻ là phải nằm để mổ nhưng với trường hợp này phải mổ ngồi vì sản phụ không thở được. Tôi hành nghề nhiều năm, mổ lấy thai nhiều ca nhưng đây là lần đầu tiên tôi mổ ngồi cho sản phụ. Cuộc mổ phải đòi hỏi nhanh vì huyết động của bệnh nhân không ổn định. Phải mổ nhanh để các bác sĩ chuyên ngành khác hồi sức tích cực. Rất may ca mổ không có biến chứng, cũng nhờ sự phối hợp, hiệp đồng nhịp nhàng giữa các bệnh viện”, bác sĩ Danh Cường chia sẻ.
Cậu bé Bình An đang dần ổn định. |
Bé trai con chị Liên đã ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy. "Vượt cạn" nguy hiểm tới kiệt sức, người mẹ vẫn không quên hỏi bác sĩ xem con có khỏe mạnh bình thường không và được mấy cân. Do cháu bé sinh non, chưa tự thở được bằng mũi, nên các bác sĩ trong kíp mổ đã chuyển ngay ra xe cấp cứu đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương để nuôi trong lồng ấp. Người mẹ trẻ và các y bác sĩ trong cả mổ đã vỡ òa trong cảm xúc khi ca mổ diễn ra suôn sẻ, cháu bé chào đời bình an.
Chị Liên đặt tên con là Bình An với hy vọng đứa con thứ 2 này vượt qua được qua được thử thách của số phận. Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài, người mẹ trẻ đang đếm ngược từng ngày, để cuối tuần sau có thể được gặp đứa con bé bỏng chỉ nặng 1,5kg. Còn anh Đỗ Văn Hùng, 31 tuổi, chồng của chị Liên mấy ngày qua đi lại như con thoi giữa 2 bệnh viện. Nước da đen sạm, gương mặt hốc hác, râu ria mọc dài, đôi mắt của người đàn ông lam lũ này không còn đỏ hoe như lúc vợ "vượt cạn", mà ánh lên niềm vui trong lần được thăm con:
“Lúc vợ tôi mổ đẻ, tôi rất lo, nhưng khi mổ xong, hiện nay vợ tôi đã tạm ổn, con tôi cũng ổn định. Gia đình rất cảm ơn các y, bác sĩ”, anh Hùng bày tỏ.
Đang ở Bệnh viện K, cách con trai hơn chục cây số, chị Liên vẫn đang nỗ lực chiến đấu với bệnh tật để sớm có thể được gặp con. Các bác sĩ Bệnh viện K cho biết, sức khỏe của chị Liên tiến triển tốt hơn giai đoạn trước không còn phải hồi sức tích cực nữa.
Còn theo Tiến sĩ Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản trung ương, bé Bình An đã hết biểu hiện bị phù da lúc mới sinh và đã tự thở được. Hoàn cảnh gia đình sản phụ khó khăn chồng chất.
Chị Liên, 4 năm sau ngày cưới làm nội trợ, chăm sóc con gái (nay đã 3 tuổi) và khi mang thai lần 2 (là bé Bình An hiện nay) thì phát hiện ung thư vú giai đoạn cuối. Chồng chị là lao động tự do, thợ quét sơn nhà cửa, thu nhập không ổn định. Do vậy, bệnh viện và các nhà hảo tâm sẽ hỗ trợ tối đa để nuôi dưỡng, điều trị cho bé Bình An.
Tiến sĩ Lê Minh Trác cho biết: “Cháu bé non tháng là sức khỏe nguy hiểm. Cháu chưa tự ăn được nên đang phải cho ăn bằng xông dạ dày. Cứ một tiếng rưỡi cho ăn một lần. Mỗi lần chỉ cho cháu ăn 2-3ml, từ từ để dạ dày quen. Hiện cháu vẫn bị suy hô hấp phải thở máy”.
Chị Nguyễn Thị Liên là sản phụ thứ 2 sinh con khi đang bị ung thư giai đoạn cuối, được ghi nhận tại Bệnh viện K và Phụ sản Trung ương. Cách đây hơn 2 năm, trong hoàn cảnh tương tự, chị Đậu Thị Huyền Trâm ở Hà Tĩnh, 10 ngày trước khi ra đi vì bệnh ung thư phổi đã sinh ra bé Gấu.
Các chị là những người mẹ phi thường, từng ngày dũng cảm chiến đấu với căn bệnh quái ác để gìn giữ đứa con trong bụng. Người mẹ đã nhường cho con mọi thứ, kể cả mạng sống của mình.
Văn Hải (VOV1)