Người giáo viên khơi dậy khát vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có những người thầy đã từng đi qua tuổi thơ của bao lớp học trò không chỉ bằng những bài giảng, mà có khi đơn thuần chỉ là những người đã khơi dậy, đã định hướng đúng cho lũ học trò con đường đời sau này của mình để đi theo. Tôi biết có một người giáo viên như thế. Mặc dù bây giờ cô đã về hưu, nhưng cô vẫn đau đáu với những nỗi niềm về trường cũ, về những người đồng nghiệp từng đồng cam cộng khổ bao năm, và cả lũ học trò mới cũ đã ra trường.

“Con đò nhỏ” cặm cụi gieo chữ nơi công trường thủy điện


 

 Cô Trịnh Thị Trang bên một người học trò cũ của mình trong lần cô trở lại trường cũ gặp mặt cựu học sinh sau 15 năm ra trường. Ảnh: Minh Ngọc
Cô Trịnh Thị Trang bên một người học trò cũ của mình trong lần cô trở lại trường cũ gặp mặt cựu học sinh sau 15 năm ra trường. Ảnh: Minh Ngọc

Nhà giáo ưu tú Trịnh Thị Trang-cựu Hiệu trưởng Trường THPT YaLy (Chư Pah, Gia Lai) là một người như thế. một người giáo viên hơn 20 năm qua lặng thầm chở chữ trên dòng sông Sê San. Nơi ấy, khi công trình Thủy điện Ia Ly mới được khởi công xây dựng, cô giáo miền bắc đã tình nguyện vào đây, đem cái chữ đến với đồng bào dân tộc và con em công nhân trên công trường này. Khoảng thời gian hơn 20 năm không phải là quá dài, nhưng cũng đủ để những lớp học sinh trưởng thành, luôn nhớ về trường cũ, nơi ấy có một cô giáo tận tụy, âm thầm gieo chữ từng ngày.

Ngày ấy cách đây gần 30 năm, khi Thủy điện Ia Ly mới đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng công trình thủy điện lớn nhất miền Trung, con em cán bộ công nhân viên vào xây dựng nhà máy, và cả con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây đói chữ lắm. Theo tiếng gọi của công trường, của trái tim mình, lúc ấu cô đang là một giáo viên giỏi cấp tỉnh, có cuộc sống ổn định tại tỉnh Nam Định, cô quyết định vào đây dạy học, mang cái chữ đến với những đứa trẻ nơi miền Cao nguyên nắng gió bạt ngạt này.

Trường Yaly hồi ấy là một trường vùng sâu vùng xa, nằm giữa núi rừng, điều kiện về vật chất nghèo nàn lạc hậu. Trường học là dãy nhà cấp 4 tạm bợ, dột nát, không đủ bàn ghế, không có tường rào, không có điện, điều kiện trường lớp thiếu phòng học, thiếu giáo viên, học sinh của mình học trong điều kiện khó khăn như vậy, cô Trịnh Thị Trang đã liên hệ với Tổng Công ty Sông Đà mở rộng diện tích trường cũ, chọn đất và đầu tư kinh phí xây dựng trường mớ, xây dựng nhà ở cho giáo viên. Cô làm đề án thành lập Trường THCS Yaly, thành lập Trường THPT Yaly.

Ngày ấy cái chữ mới về đến đây, việc vỡ được từng nét chữ cho các em đã khó, những giáo viên như cô Trang ngày đó còn phải đối diện với bao hủ tục lạc hậu. Số học sinh dân tộc của trường Yaly ngày càng tăng. Chính cô đã vận động giáo viên, PHHS đóng góp hỗ trợ các em học sinh nghèo, nhất là học sinh dân tộc. Các em này đến trường không phải đóng góp gì, còn nhận thêm tiền hỗ trợ hàng tháng của nhà trường từ nguồn vận động trên.

Người khơi dậy những ước mơ


 

 Cô Trang hạnh phúc gặp lại lứa học trò ra trường 15 năm trước. Ảnh: Minh Ngọc
Cô Trang hạnh phúc gặp lại lứa học trò ra trường 15 năm trước. Ảnh: Minh Ngọc

Hơn 30 năm làm nghề giáo, có lẽ cô Trang chẳng thể nhớ hết mình đã từng dạy dỗ bao nhiêu học sinh. Như người lái đò thầm lặng, cô cứ đưa hết lứa học trò này đến lứa học trò khác cập bến bờ kiến thức và cho cả đời sống sau này.

Với riêng bản thân tôi, ngày ấy những năm cấp ba theo học tại ngôi trường này, mặc dù không được cô trực tiếp dạy nhưng cô lại chính là người có sức ảnh hưởng lớn, không chỉ với riêng tôi mà cả các thế hệ học sinh sau này. Ngày ấy, gia đình còn nghèo, chính cô trong lúc chờ lãnh đạo ngành giáo dục xét giảm các loại học phí cho lũ trò nghèo như tôi, cô đã lấy đồng lương giáo viên ít ỏi của mình để nộp học phí cho từng đứa có hoàn cảnh khó khăn mà cô biết.

Ngày ấy, năm cuối cấp, tôi vẫn là một cậu học trò ngỗ nghịch thường trốn học để thơ thẩn mơ màng với mây trời, với những nỗi buồn cỏn con của tuổi mới lớn đầy xao động. Cô biết tôi có khiếu viết, cô động viên, an ủi, rồi khơi gợi để tôi đưa cả xúc của mình vào trang viết. Năm cuối cấp, lần đầu tiên tôi đứng trước cột cờ trong buổi chào cờ ngày thứ hai đầu tuần không phải với tư thế của cậu học trò nghịch ngợm, mà của người đạt giải thưởng trong một cuộc thi do Bộ Giáo dục tổ chức. Chính buổi sáng hôm ấy, tôi đã thay đổi hoàn toàn và gần như đã định hướng được con đường của mình sẽ đi sau này. Dù cô nói, nếu viết lách cuộc đời sẽ lắm chuân chuyên, nhưng tâm hồn mình sẽ thanh thản khi cảm xúc và nỗi niềm tuôn ra theo câu chữ.

Tâm huyết của một nhà giáo như cô giáo Trịnh Thị Trang đã được ghi nhận với bề dày thành tích khi đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 10 năm liền; 5 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 5 lần được UBND tỉnh Gia Lai tặng bằng khen; 2 lần được Bộ Giáo dục-Đào tạo tặng bằng khen; 1 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen… đến tháng 11-2015, cô Hiệu trưởng Trịnh Thị Trang đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú do Nhà nước phong tặng.

Ngày cô nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú cũng chính là ngày cô nhận quyết định nghỉ hưu sau hơn 30 năm miệt mài với sự nghiệp trồng người. Đó cũng là ngày cô chia tay ngôi trường gắn bó với cô và với học trò mấy chục năm. Ngày chia tay, mắt ai cũng rớm nước. mọi người ôm chặt lấy nhau, truyền cho nhau ngọn lửa của nghề, truyền cho nhau nỗi niềm không thốt ra được thành lời, truyền cho nhau cả niềm tin vào cuộc sống.

Tôi chưa hề cảm ơn cô một lần nào, dù cô trò vẫn liên lạc với nhau từ ngày tôi ra trường và bươn bả với cuộc sống đầy nghiệt ngã này. Nhưng hơn lúc nào hết, cô vẫn âm thầm theo dõi những thành công hay thất bại của tôi. Cô không nói ra, nhưng cô biết, tôi vẫn là một trong những đứa học trò mà cô tự hào. Và tôi cũng vậy, cô là người đã truyền cảm hứng và khơi dậy trong tôi những khao khát về một cuộc đời.

Người giáo viên ấy, một lý tưởng “trồng người”, người đã sống hết mình với học trò và đồng nghiệp bằng một tấm lòng vị tha nhân ái. Bây giờ dù đã “gối bãi”, nhưng con đò năm cũ vẫn sẽ còn mãi trong tâm tưởng bao thế hệ học trò đã lớn lên từ vòng tay người giáo viên nhiệt huyết này.

Minh Ngọc

Có thể bạn quan tâm