Người dân vùng sâu Đắk Nông rọi đèn pin trong đêm đen, đi tìm con chữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với chiếc đèn pin đã nạp đầy năng lượng, giữa đêm tối, hàng chục người dân ở vùng sâu xã Đắk R'Măng, huyện Đắk Glong không quản ngại đường sá xa xôi, lầy lội mà vẫn vượt núi, băng rừng đi tìm... con chữ. 

Nhiều người dân ở vùng sâu xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong say sưa tìm con chữ giữa đêm đen. Ảnh: P.T
Nhiều người dân ở vùng sâu xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong say sưa tìm con chữ giữa đêm đen. Ảnh: P.T
Tìm con chữ giữa đêm đen
Từ nương rẫy trở về, chị Thào Thị Pàng (ở cụm dân cư số 8, xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong) ăn vội chén cơm để kịp đến lớp học xóa mù chữ.
Theo chị Pàng, lớp học xóa mù chữ do thầy cô giáo Trường tiểu học La Văn Cầu mở ở địa phương đã được gần 1 tháng nay. Khi ánh mặt trời tắt hẳn, rất nhiều ánh đèn pin thấp thoáng, ẩn hiện sau những lùm cây xuất hiện. Đó là hình ảnh các học viên lớp xóa mù chữ rủ nhau đi học.
Trước 19h tối, căn phòng nhỏ ban ngày dành cho học sinh lớp 1, lớp 2 đã được lấp đầy bởi những học viên lớn tuổi. Trong đó, đa phần là chị em phụ nữ. Thậm chí, có nhiều học viên đến muộn phải đứng từ ngoài cửa trông vào vì trong phòng không còn bàn ghế trống. Thế nhưng, ai ai cũng đều ham học, ánh mắt họ trong thật rạng ngời và tràn đầy năng lượng mong muốn kiếm con chữ giữa đêm tối. 
Thầy Phạm Trung Hiếu - giáo viên Trường tiểu học La Văn Cầu - đã đứng lớp học xóa mù chữ được 1 tháng nay. Cứ chiều thứ 6, thầy Hiếu và một số thầy cô giáo khác vượt cả chục cây số đường rừng vào cụm dân cư số 8 để đứng lớp xóa mù chữ.
Vất vả, khó khăn, thậm chí là những nguy hiểm rập rình nhưng các giáo viên vẫn nỗ lực vượt lên khó khăn vì nhìn thấy khát khao học chữ của bà con nơi đây. 

Lúc đầu, lớp học dự kiến có 30-45 thành viên nhưng nay đã tăng lên gần 60 người. Ảnh: P.T
Lúc đầu, lớp học dự kiến có 30-45 thành viên nhưng nay đã tăng lên gần 60 người. Ảnh: P.T
Lớp học "quá tải" vì nhiều bà con ham học
Thời điểm này, thời tiết ở Đắk Nông đang vào mùa mưa nên con đường dẫn vào điểm trường của Trường tiểu học La Văn Cầu lầy lội, trơn trượt. Song điều đó không cản được bước chân của hàng chục học viên tham gia lớp học xóa mù chữ. 
Theo thầy Hiếu, lúc đầu, nhà trường dự kiến mỗi lớp chỉ khoảng 35-40 học viên. Tuy nhiên, khi biết tin chuẩn bị có lớp xóa mù chữ, bà con trong vùng đã đến tham gia rất đông, số lượng học viên muốn tham gia học không ngừng tăng lên. Thậm chí, có gia đình cả hai vợ chồng đều đăng ký lớp xóa mù chữ.
Hiện nay, số học viên tham gia lớp xóa mù chữ ở xã vùng sâu Đắk R'măng đã lên đến khoảng 60 người. Tất cả học viên đều là nông dân, đồng bào dân tộc Mông ở 4 cụm dân cư trong xã.
"Để tạo thuận lợi cho bà con học chữ, trường bố trí thêm giáo viên từ ngoài điểm chính vào đây để đứng lớp, bà con rất phấn khởi và nghiêm túc đến lớp” - thầy Hiếu cho biết.
Là một trong những học viên có tuổi đời trẻ nhất lớp, chị Giàng Thị Sơ (26 tuổi, trú cụm dân cư số 12) lần đầu tiên biết đến bảng chữ cái. Lúc này, đứa con đầu của chị Sơ cũng đã vào lớp 1. Chị Sơ tâm sự, muốn đi học để biết chữ, để biết được việc học của con.
“Con gái học lớp 1, mình cũng học lớp 1 nên vui lắm. Bây giờ, cả hai mẹ con đều là học sinh của trường, buổi sáng mình đi làm thì con đi học. Đêm đến, con cũng theo mẹ đến lớp xóa mù. Từ ngày học đánh vần, hai mẹ con đều chỉ cho nhau” - chị Sơ nói.
Thầy Hà Hữu Phong - Hiệu Trưởng Trường tiểu học La Văn Cầu - cho hay, chứng kiến bà con đi học nhiều mới hiểu được bà con nơi đây không ngại tuổi tác mà vẫn khát khao đi tìm con chữ. Đôi bàn tay chai sần vì cầm dao, cầm cuốc, nay lại vụng về cầm bút nắn nót viết từng chữ cái, khiến nhiều những người làm công tác giáo dục như chúng tôi được tiếp thêm động lực.
"Trải qua tuần học đầu tiên, các học viên đã có thể nhận biết được tất cả mặt chữ cái. Đặc biệt, có rất nhiều người đã tự viết được tên của mình..." - thầy Phong phấn khởi chia sẻ.
Theo Phan Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.