Người dân vùng lũ cần làm gì để tránh phát sinh bệnh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sau mưa lũ dịch bệnh thường xảy ra như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp... và dễ lây lan thành dịch. Vì vậy người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh truyền nhiễm.


Tại những nơi bị lũ lụt, các công trình vệ sinh, cống rãnh bị ngập khiến các chất thải của người, gia súc, xác động thực vật… làm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước.

Đặc biệt, nguồn nước bị ô nhiễm mầm bệnh rất dễ lan truyền gây bệnh cho người dân. Tình trạng không có đủ điều kiện ăn chín uống sôi, thiếu lương thực, thực phẩm… khiến sức đề kháng của người dân suy giảm nên rất dễ mắc các dịch bệnh.

Cho nên người dân cần khẩn trương thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Bên cạnh đó, cần tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Người dân cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương sau khi nước rút.
 

Ảnh người dân sống trong lũ. Ảnh: Nhóm PV
Ảnh người dân sống trong lũ. Ảnh: Nhóm PV


Chú ý thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng để phòng bệnh. Vùng lũ cần cần kịp thời phát hiện các ca bệnh và dập tắt bệnh dịch không để lây lan rộng như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; nhất là các dịch tả, lỵ, thương hàn…

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, trong điều kiện mưa lũ, không có nguồn nước sạch, khi phải dùng nước sông, suối, ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn, người dân cần làm trong nước bằng cách: Dùng phèn chua hòa vào nước (1 gam phèn chua với 20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước. Sau đó nước cần được khử trùng bằng cloramin B hoặc clorua vôi.

Nếu trời mưa, người dân nên hứng nước mưa vào các dụng cụ sạch dùng để nấu nước uống và chế biến thức ăn.

Người dân cũng không ăn thực phẩm từ các loại động vật đã chết vì lũ cuốn, thực phẩm đã bị ngâm dưới nưới, mọc mầm, có mùi lạ (chua, mốc) và các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa, người dân cần đun chín kỹ thực phẩm, không ăn sống hoặc tái các thực phẩm; thức ăn phải được ăn ngay sau khi nấu, không để lâu ngoài môi trường dễ bị nhiễm khuẩn.

https://laodong.vn/suc-khoe/nguoi-dan-vung-lu-can-lam-gi-de-tranh-phat-sinh-benh-846461.ldo


Theo AN NHIÊN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm