Người dân Ia Mơr thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, người dân xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn ở xã biên giới này.

Những ngày này, trên cánh đồng của làng Klăh, làng Hnáp và làng Khôi, bà con nông dân đang tất bật làm đất để chuẩn bị gieo sạ lúa vụ Đông Xuân 2023-2024. Tiếng máy múc, máy cày rền vang khắp nơi. Khung cảnh cũng chỉ xuất hiện gần đây khi người dân hưởng lợi trực tiếp từ công trình thủy lợi Ia Mơr cùng với quá trình tuyên truyền, vận động bền bỉ và “cầm tay chỉ việc” của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn. Từ vài gia đình làm mô hình điểm, đến nay, 103 hộ dân có đất sản xuất ở cánh đồng làng Klăh đều canh tác lúa nước 2 vụ với tổng diện tích 70 ha.

Ông Rơ Mah Hin-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Klăh-cho biết: “Bà con không tính lúa bằng bao nữa mà tính bằng tạ, bằng tấn. Hầu hết các hộ sau khi thu hoạch đều bán lúa tươi tại ruộng, chỉ giữ lại một phần để ăn chờ vụ thu hoạch tiếp theo. Có máy móc làm thay hết, 1 ha thu hoạch chỉ trong buổi sáng, bà con chỉ việc mang lúa về nhà. Trong khi trước đây phải huy động cả họ hàng đổi công, thu hoạch đến mấy ngày mới xong”.

Anh Siu Chuyên-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hnáp khơi dòng dẫn nước vào ruộng. Ảnh: P.D

Anh Siu Chuyên-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hnáp khơi dòng dẫn nước vào ruộng. Ảnh: P.D

Noi gương dân làng Klăh, nhiều hộ ở các làng lân cận cũng chủ động chuyển đổi diện tích mì, lúa rẫy sang canh tác lúa nước. Họ thuê máy móc về múc đất, hạ độ cao để đưa nước từ kênh nhánh vào đồng ruộng. Anh Siu Chuyên-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hnáp-cho hay: “Làng có 15 hộ đang làm đất với diện tích khoảng 17 ha để chuẩn bị gieo trồng vụ Đông Xuân đầu tiên. Gia đình mình cũng có 3 sào tại cánh đồng làng Hnáp, ngày trước trồng lúa 6 tháng. Giờ mình bắt đầu làm lúa nước và gieo giống mới năng suất cao như bên làng Klăh nên hy vọng sản lượng sẽ tăng gấp nhiều lần so với trước đây”.

Cùng với phát triển cây lúa nước, qua công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân cũng đã chủ động thay đổi cách thức chăn nuôi bò. Họ liên kết với nhau theo tổ, mỗi tổ có khoảng 10 thành viên luân phiên nhau đảm nhận chăn thả bò trong 5-7 ngày.

Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Klăh thông tin: “Vật nuôi chính của người dân là bò, heo. Hộ ít thì 1-2 con bò, hộ nhiều vài chục con. Ít hay nhiều cũng phải có người chăn thả, nếu không bò phá rẫy, phá vườn của người dân, có khi đi lạc mất. Mấy năm nay, bà con mình thay đổi rồi, cứ 10 hộ tạo thành 1 nhóm, thay phiên nhau đi chăn bò”.

Người dân xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) chăm sóc lúa. Ảnh: P.D

Người dân xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) chăm sóc lúa. Ảnh: P.D

Tương tự, hơn 30 hộ dân làng Krông cũng liên kết lại thành 3 nhóm hộ để luân phiên chăn thả hơn 300 con bò. Sau thời gian tham gia liên kết, ông Siu Bră chia sẻ: “Nuôi bò theo hình thức này khỏe lắm! Đàn bò nhà mình 14 con mà gần 2 tháng mình mới chăn 5 ngày. Những ngày khác, mình tập trung chăm sóc 4 ha điều, 1 ha mì và 5 sào lúa rẫy. Năm nay, gia đình mình đã thoát nghèo rồi!”.

Xã Ia Mơr có 635 hộ với 2.635 khẩu, trong đó, dân tộc Jrai chiếm 71%. Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 23-5-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.

Nhờ đó, người dân đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức, mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Một số hộ nuôi bò quy mô lớn và tổ chức chăn nuôi theo tổ. Qua rà soát, đến cuối năm 2023, toàn xã còn 96 hộ nghèo (chiếm 15,28%, giảm 27 hộ nghèo so với cuối năm 2022) và 90 hộ cận nghèo (chiếm 14,17%, giảm 19 hộ so với năm 2022). Năm 2024, xã phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo 3-4% trở lên và hộ cận nghèo 2-3%.

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án 8 tại huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa sơ kết 3 năm triển khai Dự án 8

(GLO)- Sáng 10-12, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2024.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.