Người đam mê sưu tầm hiện vật văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Các hiện vật được anh Huỳnh Đăng Hiền bố trí, sắp xếp theo từng cụm có mối liên hệ với nhau dọc theo lối vào ngôi nhà ở cuối vườn.

Hơn 15 năm qua, anh Huỳnh Đăng Hiền (phường Trần Hưng Đạo, TP. Kon Tum) dành nhiều thời gian, công sức và tiền của đi nhiều thôn làng để sưu tầm hiện vật văn hóa liên quan đến đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của các dân tộc sinh sống trên vùng đất Kon Tum nhằm mục đích lưu giữ, bảo tồn chúng trước nguy cơ bị mai một, lãng quên.

Theo giới thiệu của một người bạn, tôi hẹn gặp anh Huỳnh Đăng Hiền (46 tuổi) tại nhà riêng của anh. Thật bất ngờ khi cổng nhà mở ra, tôi như đang đứng trước một khu vườn sinh thái mang đậm bản sắc núi rừng Tây Nguyên giữa lòng phố thị. Các hiện vật được anh bố trí, sắp xếp theo từng cụm có mối liên hệ với nhau dọc theo lối vào ngôi nhà ở cuối vườn.

Anh Hiền mời chúng tôi vào phòng khách trong một không gian ấm áp, gần gũi, xung quanh là vô số các hiện vật sưu tầm được bày biện, trang trí. Nhấp ly nước vối thơm phức, anh kể với chúng tôi về quá trình bén duyên sưu tầm các hiện vật văn hóa: “Trước đây tôi chưa có ý nghĩ gì về sưu tầm cổ vật và các hiện vật văn hóa, mãi đến khi sau này được đi nhiều nước trên thế giới, thấy họ rất quý trọng và tự hào với những nhân vật văn hóa có tính lịch sử, hiện vật khảo cổ của vùng đất mà họ sinh sống, nên khi về lại Kon Tum, tôi mới bắt đầu nghiên cứu, tìm kiếm và sưu tầm những hiện vật văn hóa gắn liền với mảnh đất mà mình được sinh ra và lớn lên cho đến ngày nay”.

Anh Huỳnh Đăng Hiền bên Bộ sưu tập đồ gốm cổ. Ảnh: NB

Anh Huỳnh Đăng Hiền bên Bộ sưu tập đồ gốm cổ. Ảnh: NB

Với suy nghĩ trên, trong nhiều năm qua, anh Hiền âm thầm rong ruổi khắp nơi, thông qua nhiều mối quan hệ để sưu tầm các hiện vật cổ, như dụng cụ làm từ đá, gốm sứ, đồ đồng, các dụng cụ lao động, sản xuất. Nhiều hiện vật của anh có niên đại từ thời đại đá cũ (cách nay 20.000 - 30.000 năm), hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí (cách nay 3.000 - 4.000 năm), đến thời cận đại, rồi những công cụ, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày thời hiện đại hay những kỷ vật chiến tranh.

Đến nay, anh Hiền đã sở hữu hơn 3.000 hiện vật, trong đó nhiều nhất là hiện vật đồ đá như rìu đá có vai, bôn hình răng trâu, đá được khoan lỗ, chân đèn, bàn mài, mảnh gốm trang trí, dụng cụ đồng thau. Trong số đó, có vài loại rất quý hiếm, có giá trị khảo cổ mà ít người sưu tầm được. Phần lớn những hiện vật này được anh sưu tầm tại khu vực Di chỉ khảo cổ Lung Leng (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) và những vùng lân cận.

Anh Hiền cho biết, mỗi hiện vật đều có công năng, giá trị lịch sử, văn hóa riêng, gắn liền với từng giai đoạn lịch sử nào đó nêu đều rất quý giá. Tuy nhiên, hiện vật mà anh tâm đắc nhất đó là khuôn đúc mũi tên đồng hình cánh én, đây là độc bản ở Tây Nguyên. Anh đã mang hiện vật này tham gia trưng bày tại Hội thảo thông báo Khảo cổ học toàn quốc năm 2023 tại Hà Nội và được nhiều chuyên gia nghiên cứu khảo cổ đánh giá cao về giá trị khảo cổ của nó.

Đưa chúng tôi tham quan một vòng không gian trưng bày của mình, anh Hiền tiếp tục giới thiệu những hiện vật mà anh sưu tầm được từ khoảng thế kỷ thứ X đến nay của các tộc người tại chỗ hoặc có giao lưu, mua bán với cư dân Kon Tum, như các tẩu thuốc có nét văn hóa Chăm, các vòng đeo tay, khuyên tai bằng đồng, các sản phẩm thủ công làm từ đất nung của người Ba Na, Xơ Đăng, hay bộ sưu tập gốm xứ cổ xưa.

Trong không gian trưng bày, anh Hiền có thể kể rành rọt về “gốc tích” của các cổ vật và giá trị lịch sử của nó qua các giai đoạn. Đặc biệt, trong bộ sưu tập chóe cổ của anh có nhiều dòng phản ánh sự giao thương hoặc di cư đến mảnh đất Kon Tum qua từng thời kỳ lịch sử như gốm Bàu Trúc (từ thế kỷ thứ X-XIII), Gò Sành (từ thế kỷ XIII-XV), Quảng Đức (thế kỷ XVI), Cây Mai, Biên Hòa, Lái Thiêu (từ thế kỷ XVII-XIX). Anh cho biết, với các dân tộc tại chỗ ở Kon Tum, hình ảnh cái choé gắn liền với cuộc sống hàng ngày để chứa rượu cần, nước uống, gạo. Không chỉ vậy, chóe còn là tài sản quý giá của gia đình, là thước đo về sự giàu có và uy lực, là lễ vật dùng trong các dịp cúng tế thần linh, là vật nộp phạt với những ai vi phạm luật tục của cộng đồng, là sính lễ trong cưới hỏi, là của hồi môn cho con cái và là tài sản chia cho người quá cố.

Những chiếc hòm gỗ dùng an táng người chết của các DTTS tại chỗ được sưu tầm và bảo quản ở vườn nhà. Ảnh: NB

Những chiếc hòm gỗ dùng an táng người chết của các DTTS tại chỗ được sưu tầm và bảo quản ở vườn nhà. Ảnh: NB

Những chiếc cối đá xay bột được người Kinh mang theo khi đến Kon Tum sinh sống. Ảnh: NB

Những chiếc cối đá xay bột được người Kinh mang theo khi đến Kon Tum sinh sống. Ảnh: NB

Khuôn đúc mũi tên đồng quý hiếm. Ảnh: NB

Khuôn đúc mũi tên đồng quý hiếm. Ảnh: NB

Trước khi tạm biệt ra về, anh tiếp tục dẫn chúng tôi tham quan một vòng bên ngoài khu vườn và giới thiệu về các hiện vật văn hóa của các dân tộc tại chỗ ở Kon Tum như: bộ sưu tập cầu thang gỗ, hòm gỗ xưa dùng chôn cất người chết, tượng nhà mồ, cối gỗ, thuyền độc mộc, xe bò. Ngoài ra, còn rất nhiều hiện vật của người Kinh dùng trong lao động sản xuất khi đặt chân đến Kon Tum từ giữa thế kỷ XIX như cối xay gạo bằng đá, cối gỗ, bàn là than, cày, bừa, cưa gỗ, đến những kỷ vật chiến tranh như bi-đông, mũ cối, tư trang, đạn dược.

Chủ nhân của những hiện vật này cho biết, anh sưu tầm là nhằm mục đích được thỏa mãn niềm đam mê. Tất cả những hiện vật anh sưu tầm đều thuộc vùng đất Kon Tum chứ không sưu tầm ở các địa phương khác. Do đó, nó phản ánh đầy đủ theo dòng lịch sử về văn hóa và đời sống đã từng diễn ra trên chính mảnh đất này. Vì thế mà những hiện vật này chỉ để lưu giữ, trưng bày chứ anh không bán hay trao đổi vì sợ rằng sẽ bị lai tạp. Anh dự định sau này có điều kiện sẽ làm một địa điểm trưng bày như một “bảo tàng tư nhân” để mọi người có thể tham quan và biết thêm nhiều điều thú vị về vùng đất Bắc Tây Nguyên.

Anh Phạm Bình Vương, công tác tại Phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), người có nhiều năm nghiên cứu về khảo cổ, văn hóa Kon Tum chia sẻ: “Bộ sưu tập của anh Huỳnh Đăng Hiền có giá trị đặc biệt, góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử văn hóa vùng đất Kon Tum -Tây Nguyên nói chung và di chỉ khảo cổ học ở Kon Tum nói riêng. Với sự đam mê, tâm huyết yêu thích văn hóa Tây Nguyên, trong nhiều năm anh đã sưu tầm và lưu giữ nhiều hiện vật quý mà nhiều nơi chưa có. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tư vấn, kết nối với các chuyên gia để giúp đỡ anh Hiền trong kiểm kê, phân loại, bảo quản khoa học, cũng như giám định và làm rõ thêm những thông tin liên quan đến các hiện vật”.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.