Người cựu binh và ký ức về ngày 30-4 lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Nguyễn Hữu Đào (71 tuổi, ở khối 1, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) vẫn vẹn nguyên ký ức về ngày 30 tháng 4 năm 1975 nơi thành phố mang tên Bác…

Năm 1970, dù nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng vào ngày 25-8-1970 chàng thanh niên 20 tuổi Nguyễn Hữu Đào tạm xếp bút nghiên, lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc “Tất cả vì miền Nam ruột thịt thân yêu”.

 

Ông Nguyễn Hữu Đào kể về những kỷ niệm chiến trường.
Ông Nguyễn Hữu Đào kể về những kỷ niệm chiến trường.


Sau thời gian huấn luyện, ông Đào được biên chế về Đại đội 5, Trung đoàn 52, Sư 320 (Quân khu 3) vào Nam chiến đấu; sau 6 tháng vượt đèo, lội suối, băng rừng thì đơn vị ông có mặt tại chiến trường B3 (đóng quân tại Kon Tum). Từ đó cho đến ngày kết thúc chiến tranh, ông cùng đồng đội đã tham gia hàng chục trận đánh lớn, nhỏ ở các địa bàn như: Núi Mỹ (Quảng Nam), Ba Tơ, Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), Đắk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum)… Ông Đào vẫn nhớ mãi trận đánh mở màn chiến dịch Bắc Tây Nguyên ở Đắk Tô – Tân Cảnh (Kon Tum) vào cuối tháng 4-1972. Ông trực tiếp tham gia chiến đấu tại Đồi Tròn Nghĩa trang Kon Tum, sau hai ngày giao tranh ác liệt, quân ta đã làm chủ chiến trường, giải phóng Đắk Tô – Tân Cảnh. Sau Chiến dịch Xuân – Hè 1972, trước tình thế có lợi, ta mở nhiều chiến dịch với quy mô lớn, đơn vị ông được điều động về Cao điểm 317 ở Ba Tơ (Quảng Ngãi) rồi đến Cao điểm 512 Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Trong một cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta với địch ở Cao điểm 317 Ba Tơ (Quảng Ngãi), nhiều đồng đội của ông đã hy sinh và bị thương. Ông Đào được phân công làm nhiệm vụ tải thương, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng ngay tại mặt trận (tháng 1-1973).

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, đơn vị ông Đào nhận được lệnh chuyển quân vào Sài Gòn. Dù chỉ hành quân bộ nhưng đúng vào trưa 29-4-1975, đơn vị ông đã có mặt tại Long Khánh, đi đến đâu bộ đội ta cũng được người dân ra đường vẫy chào và tiếp thức ăn, đồ uống…

Nhiệm vụ chính của đơn vị ông là trực tiếp đánh vào Học viện Cảnh sát quốc gia (chính quyền Sài Gòn). Với khí thế khẩn trương, đúng 5 giờ sáng ngày 30-4 đơn vị ông có mặt trên cầu Sài Gòn theo kế hoạch, tuy nhiên lúc này quân đội chính quyền Sài Gòn đang tan rã, lượng người từ khắp nơi đổ về Sài Gòn. Khoảng 11 giờ 30 ngày 30-4-1975 trên Đài Phát thanh Sài Gòn, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, đơn vị ông và người dân hai bên đường hô to: Giải phóng rồi! Giải phóng rồi!…

Đến gần 22 giờ ngày 30-4 khi đơn vị ông Đào vào đến quận 10 (Sài Gòn) thì được lệnh tiếp quản Kho 103; sau khi tình hình ổn định, tiếp tục chuyển quân về căn cứ Đồng Dù - Củ Chi, tại đây ông Đào được phân công tham gia vào Ủy ban Quân quản xã Tân Thạnh Đông (Củ Chi); sau đó được cử đi học lớp sĩ quan và ở lại làm giáo viên Trường Sĩ quan Biên phòng 2.

Năm 1984, ông Nguyễn Hữu Đào nghỉ theo chế độ bệnh binh với cấp bậc Thượng úy, Phó Phòng Hậu cần, trở về quê hương Thanh Hóa. Đến năm 1998, ông đưa gia đình vào làm kinh tế mới tại xã Hòa Phong (huyện Krông Bông), tại đây ông được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã suốt 3 nhiệm kỳ (từ năm 2000 đến 2015). Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, kỷ niệm chương, Huy hiệu tham gia Chiến dịch Xuân 1975 và Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.

46 năm trôi qua, mỗi lần nhắc đến kỷ niệm ngày 30-4-1975, niềm hạnh phúc, vui sướng ngày đất nước thống nhất vẫn trào dâng trong ông...

 

http://baodaklak.vn/channel/3721/202104/nguoi-cuu-binh-va-ky-uc-ve-ngay-30-4-lich-su-5733673/
 

Theo MAI VIẾT TĂNG (baodaklak)

Có thể bạn quan tâm