Người con gái của bok Wừu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chúng tôi trở lại làng Đê Đoa sau nhiều tháng đi tìm tư liệu về Anh hùng Wừu (Wơu) để chính thức “làm sách” về ông theo gợi ý của Huyện ủy Đak Đoa cho kịp với dịp khánh thành Nhà lưu niệm Anh hùng Wừu (tại xã Đak Sơ Mei) vào đúng kỷ niệm 68 năm ngày mất của ông (tháng 4-2020). Ông Chrênh-Chủ tịch UBND xã Đak Sơ Mei đưa chúng tôi đến nhà bà Kit-người con gái duy nhất còn lại của bok Wừu ở làng Đê Đoa.
Ngôi nhà cấp 4 của bà Kit nằm sát đường lộ, có diện tích chừng 30 m2 do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện xây tặng cách nay đã trên 10 năm, mới được quét vôi lại nên trông còn mới. Bà đang ở một mình, người chồng đã mất từ lâu; các con cháu đã lập gia đình ra ở riêng. Nhưng phía sau ngôi nhà này còn lại một ngôi nhà sàn thấp bằng gỗ lợp tôn-nhà cũ trước đây của gia đình bà, nay để lại làm nhà bếp và chứa đồ đạc. Xung quanh nhà, đất còn rộng, đám thuốc lá bà Kit trồng đã lên xanh nhưng không thành hàng thành lối. Có lẽ, bà trồng một ít loại cây này để sử dụng vì còn thói quen hút thuốc lá, trên bàn còn thấy một ống điếu nhỏ bằng tre. Bên phải ngôi nhà có cây ksor cổ thụ nằm sát bờ rào với nhà bên cạnh, một loại cây rừng còn lại từ thời bok Wừu tham gia cách mạng. Bà Kit không nói được tiếng phổ thông nên toàn bộ câu chuyện giữa chúng tôi với bà phải qua ông Chrênh làm thông ngôn. Theo ông Hồ Miên-Bí thư chi bộ trong thời kháng Pháp, người anh hùng và vợ đầu có 5 người con: con trai đầu là Nhak, con gái thứ hai là Kil-chết khi còn rất nhỏ; tiếp theo là 3 người con gái: Nheo, Kit, Kar. Hiện tại chỉ có bà Kit là người con duy nhất của bok Wừu. Bà hiện sống khỏe mạnh với 10 người cháu nội, ngoại tại làng Đê Đoa.
 Bà Kit là người con gái duy nhất còn lại của bok Wừu. Ảnh: B.Q.V
Bà Kit là người con gái duy nhất còn lại của bok Wừu. Ảnh: B.Q.V
Cuối năm 1949 đầu năm 1950, khi được cấp trên điều về hoạt động, xây dựng cơ sở cách mạng ở Đak Đoa, bok Miên gặp và kết nối với bok Wừu-người đã lớn tuổi, là cán bộ cơ sở đang hoạt động tại địa phương; sau này trở thành đảng viên, sinh hoạt ở chi bộ Đảng do ông làm Bí thư liên xã Nam-Bắc Đak Đoa. Ông cho biết, bà Kit lúc ấy còn nhỏ, mới biết đi. Trong cuộc nói chuyện hôm ấy với bà, chúng tôi không tìm thêm được chút tư liệu nào về đời tư của bok Wừu. Bà Kit không còn nhớ được gì về người cha của mình vì bấy giờ còn quá nhỏ. Mẹ mất sớm, sau khi cha hy sinh, Kít và những anh chị em của mình được bà kế mẫu-Yă Yăng-nuôi dưỡng.
Khi bà lớn lên thì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt. Quê hương bà lại ở cạnh những tiền đồn quan trọng của giặc nên nhân dân càng bị kìm kẹp và gian khổ hơn. Mọi thanh niên trai tráng trong làng đều tham gia cách mạng, ai ai cũng góp phần vào công cuộc kháng chiến của dân tộc cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Bấy giờ, qua cán bộ cách mạng, bà Kit mới hiểu người cha mình đã hy sinh anh dũng trước họng súng kẻ thù. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài và vô cùng ác liệt, gia đình bà Kit cũng như dân làng Đê Đoa phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của thế hệ cha anh, vượt qua mọi trở ngại, động viên con cháu tham gia cách mạng, giúp đỡ, nuôi giấu cán bộ, bộ đội…
Hiện bà Kit và gia đình đang sống trong sự yêu thương, đùm bọc của dân làng và đồng đội của cha mình. Khi chúng tôi hỏi về những kỷ vật còn lại của người cha yêu dấu, bà Kit lắc đầu và tỏ ra hối tiếc vì tất cả đều đã chôn theo hoặc chia của cho người chết theo tập tục của người Bahnar khi làm lễ bỏ mả. Ngôi mộ chính thức của Anh hùng-liệt sĩ Wừu đến nay vẫn chưa tìm được. Lúc hy sinh bên bờ suối Đak Pơ Kei dưới chân núi Dốc Dòm, ông được đồng đội chôn cất tại chỗ nhưng thời gian quá lâu, những người cùng thời với bok không còn nữa nên việc tìm kiếm mộ phần rất khó khăn. Ngôi mộ gió của bok Wừu ở làng ma của Đê Đoa, sau lễ pơ thi năm ấy rồi thời gian cũng xóa nhòa tất cả, trả lại cho đất rừng. Đến nay, nơi đây cũng đã thành nương rẫy cà phê, không ai còn nhận ra được! Nhưng điều làm bà Kit ấm lòng và nhân dân địa phương hết sức đồng tình là Đảng, Nhà nước đã và đang đầu tư xây dựng công trình Nhà lưu niệm Anh hùng Wừu khá hoành tráng, bề thế trên chính quê hương của ông. Nơi đây sẽ là điểm đến của bà con và khách thập phương cùng thế hệ trẻ các dân tộc địa phương để tưởng nhớ, học tập về tấm gương của người con Bahnar anh hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hiện tại, cuộc sống của bà Kit tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng bù lại bà được chính quyền, các đoàn thể huyện Đak Đoa và xã Đak Sơ Mei hết sức quan tâm, giúp đỡ nên cũng đáp ứng được phần nào những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Theo giấy tờ, bà Kit sinh năm 1933, tức đến năm 2019 là tròn 86 tuổi. Nhưng khi tính lại thì chúng tôi cho rằng, người ghi trong giấy mừng thọ cho bà Kit có lẽ bị nhầm vì khi bok Wừu hy sinh (1952), bà còn rất nhỏ, như bok Miên ghi nhận.
 BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm