Khỉ đầu chó cùng nhiều loài động vật khác sống bầy đàn đều có chung một đặc điểm thú vị: chúng khỏe mạnh và thọ lâu hơn nếu trong bầy đó có thật nhiều con cái thân thiết với nó.
|
Khỉ đầu chó có xu hướng thích chải chuốt, âu yếm gần gũi bạn khác giới - Ảnh: SciTechDaily |
Trong một công bố trên tạp chí Philosophical Transactions of the Royal Society B (Anh), các nhà khoa học cho biết họ tìm thấy các bằng chứng thú vị cho thấy một số loài động vật có xu hướng thích chải chuốt, âu yếm gần gũi bạn khác giới và con đực thường sống lâu hơn nếu có "bạn thân" là con cái.
Phát hiện này nằm trong một nghiên cứu bắt đầu từ năm 1971 đến nay về các loài linh trưởng hoang dã.
Cụ thể, các nhà khoa học đã liên tục quan sát đàn khỉ đầu chó ở khu vực Amboseli của Kenya, thu thập dữ liệu về sự ra đời, quá trình sinh trưởng và cái chết của khỉ đầu chó cùng hàng trăm loài động vật sống cùng khu vực.
Fernando Campos - tiến sĩ nhân học thể chất tại Đại học Texas (Hoa Kỳ), thành viên nhóm khoa học, cho biết một trong những hành vi thường thấy của khỉ đầu chó là ưa chải chuốt. Chúng thường đến gần một con khác để chải chuốt, bắt bọ cho nhau và không phải lúc nào cũng được đáp lại.
Điều thú vị hơn cả là rất ít khi hai con khỉ đực chải chuốt bắt bọ cho nhau mà thường là một con đực cùng một con cái.
Và những con đực có nhiều mối quan hệ xã hội (tức là kết thân với càng nhiều con cái hơn) thì thường sống lâu hơn những con khỉ tự cô lập một mình.
Điều tương tự cũng xuất hiện ở các loài động vật khác như ngựa, cá heo. Ngay cả ở con người, nhiều nghiên cứu cho thấy có một tình bạn tri kỷ liên quan đến cuộc sống lâu dài hơn.
|
Khỉ đầu chó đực thường phải cạnh tranh gay gắt để giành vị trí cao nhất trong một nhóm - Ảnh: DAILY MIRRO |
Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa giải thích rõ ràng tại sao việc có mối quan hệ khác giới thân thiết lại kéo dài tuổi thọ ở các loài động vật này.
Có thể là việc kết thân bạn bè giúp loại bỏ được bọ trong lông, đảm bảo sức khỏe, tránh các xung đột trong đàn; cũng có thể là việc kết thân với con cái giúp con đực có nhiều năng lượng hơn để đầu tư vào các mối quan hệ bầy đàn mới.
Khỉ đầu chó thường sống theo bầy đàn do một con đực dẫn đầu. Tuy nhiên, cứ sau vài năm, những con khỉ đực lại tách ra để tạo nên hoặc nhập vào một đàn mới. Khỉ đầu chó đực thường phải cạnh tranh gay gắt để giành vị trí cao nhất trong một nhóm, điều này cho phép chúng giao phối với nhiều con cái và là bố của rất nhiều con.
Trong cuộc tranh giành vị trí này, những con đực có thể gây thương tích và thậm chí giết nhau, vì vậy chúng thường có tuổi thọ ngắn hơn.
Tiến sĩ Campos cho biết, nếu một con khỉ đầu chó đực mất vị trí đứng đầu nhưng còn sống sót, nó thường ở trong nhóm một thời gian dài nữa, đặc biệt nếu nó có bạn bè cái ở đó.
Các nhà khoa học từng suy đoán rằng điều này có thể là vì lợi ích bảo vệ những con khỉ đầu chó con của con khỉ đầu đàn vừa bị lật đổ, nhưng phát hiện mới cho thấy việc ở gần các con khỉ cái có thể vì lợi ích cho chính bản thân nó.
MINH HẢI (Tổng hợp/TTO)