(GLO)- Sáng 21-7, tại Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Khoa học và Công nghệ của tỉnh đã nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu sử dụng tuyến trùng làm chỉ thị đánh giá chất lượng đất trồng hồ tiêu và đề xuất các giải pháp quản lý môi trường đất nhằm phát triển hồ tiêu bền vững trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Đề tài do Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì và do PGS. TS Lê Quốc Tuấn làm chủ nhiệm đề tài.
Ảnh: Lê Nam |
Theo nhóm nghiên cứu đề tài, việc sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh chủ yếu là tự phát, chăm bón theo kinh nghiệm do đó người trồng tiêu gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng giống tiêu và áp dụng kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón không hợp lý nên là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho một số nấm bệnh hại trong đất phát triển, ảnh hưởng nghiêm trong đến năng suất, sản lượng... Do đó, mục tiêu của đề tài là đánh giá chất lượng đất trồng hồ tiêu dựa vào tuyến trùng làm sinh vật chỉ thị từ đó đề xuất các giải pháp quản lý môi trường đất nhằm hạn chế dịch bệnh trong phát triển bền vững vùng trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, giải pháp về kỹ thuật là tạo điều kiện tối ưu cho đất trồng tiêu, bổ sung dinh dượng cho vườn tiêu, phát hiện và xử lý kịp thời các trụ tiêu bị sâu bệnh phá hoại, sử dụng giống tiêu tốt, áp dụng biện pháp sinh học và hóa học; thực hiện công tác khuyến nông giúp người dân tiếp cận được những cách làm mới, tổ chức các lợp tập huấn, hướng dẫn cho người trồng tiêu quy trình phòng-chống dịch...
Hội đồng Khoa học và Công nghệ của tỉnh đánh giá đề tài đạt yêu cầu và đề nghị cơ quan chủ trì tiếp tục bổ sung cập nhật số liệu nhất, tiếp tục nghiên cứu và mở rộng khu vực và đối tượng nghiên cứu để giúp người trồng hồ tiêu trên địa bàn sản xuất bền vững.
Lê Nam