Nghịch lý tiếp nhận máu ở Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đắk Lắk là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào hiến máu tình nguyện của cả nước.

Nhiều gia đình cả mấy thế hệ sẵn sàng cho đi giọt máu quý nhưng địa phương này không thể tiếp nhận mà phải chi gần 8,3 tỷ đồng mua máu từ Hà Nội chuyển vào. Nghịch lý này do đâu?

Bỏ tiền tỷ mua máu

Ngày 19/12, Trung tâm Huyết học Truyền máu (Sở Y tế Đắk Lắk) xác nhận, có việc đơn vị này ngừng tiếp nhận máu từ tháng 6 đến tháng 10 vừa qua. Trong thời gian này, Đắk Lắk phải bỏ ra một số tiền lớn mua máu từ Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Cụ thể, từ tháng 6 đến tháng 10, Đắk Lắk bỏ ra gần 8,3 tỷ đồng để mua 8.471 khối hồng cầu (loại chế phẩm máu).

Bà con Đắk Lắk đi hiến máu rất đông, như ngày hội đoàn kết các dân tộc
Bà con Đắk Lắk đi hiến máu rất đông, như ngày hội đoàn kết các dân tộc

Lý giải về việc địa phương có nguồn máu nhiều nhưng không thể lấy mà phải mua ở Hà Nội, lãnh đạo Trung tâm Huyết học Truyền máu cho biết xuất phát từ cơ chế hoạt động của đơn vị.

Cụ thể, từ khi trung tâm vận hành đến nay, mọi hoạt động chuyên môn đều lồng ghép với khoa Xét nghiệm, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên. Từ trang thiết bị máy móc đến hóa chất của trung tâm đều phụ thuộc vào phía bệnh viện. Do đó, khi bệnh viện gặp khó về đấu thầu vật tư hóa chất…, thì trung tâm cũng ảnh hưởng theo. Việc trung tâm phải ngưng tiếp máu đã được đơn vị báo cáo lên cấp trên vào đầu tháng 5/2023.

“Về lâu dài, chúng tôi rất mong cấp trên, UBND tỉnh Đắk Lắk sớm cho cơ chế để trung tâm hoạt động độc lập. Có như vậy, đơn vị mới chủ động mọi thứ, phục vụ tốt công tác tiếp nhận, cung cấp máu cho bệnh viện cứu người”.

Lãnh đạo Trung tâm Huyết học Truyền máu tỉnh

Gần 5 tháng sau, trung tâm trên mới có hóa chất để tiếp nhận, sàng lọc máu.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Đức Phú cho biết, máu là một loại thuốc đặc biệt, không gì thay thế được. Mỗi năm Đắk Lắk cần hơn 20.000 đơn vị máu cho cấp cứu và điều trị. Đặc biệt mỗi tháng có gần 300 bệnh nhân thalassemia cần truyền máu.

Để đảm bảo nguồn máu phục vụ cứu người, theo ông Phú cần tách Trung tâm Huyết học Truyền máu tỉnh để hoạt động độc lập. Khi trung tâm này phát triển, không những cung cấp máu cho riêng tỉnh Đắk Lắk mà còn cho các tỉnh Tây Nguyên.

Hiến máu là nhiệm vụ chính trị

Năm 2023, Trung ương giao chỉ tiêu cho Đắk Lắk hơn 17.500 đơn vị máu. Thế nhưng vì hoạt động tiếp nhận máu bị ngưng nên đến nay tỉnh này mới chỉ tiếp nhận được khoảng 14.000 đơn vị máu. Việc này dẫn đến kế hoạch vận động hiến máu và chỉ tiêu tiếp nhận máu của các đơn vị cấp huyện cũng không hoàn thành. Thậm chí, có những chương trình hiến máu tình nguyện được phát động trên toàn quốc nhưng Đắk Lắk không thể hưởng ứng vì lý do trên.

Theo Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Đắk Lắk, chi phí để mua máu từ Viện Huyết học Truyền máu Trung ương hiển nhiên cao hơn so với lấy nguồn máu tại chỗ để sàng lọc.

Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chuyện tiền mà trên hết là nhiệm vụ chính trị. Bởi hiến máu là ngày hội đoàn kết toàn dân tộc. Dù người Kinh, Êđê, Mường, Thái, Tày, Dao… cứ đến chương trình hiến máu, họ sẵn sàng chìa tay để cho đi giọt máu nghĩa tình.

Hơn 8 lần Chương trình Chủ Nhật Đỏ tổ chức tại Đắk Lắk, phóng viên tận thấy nhiều bà con vượt chặng đường hàng chục cây số, gác chuyện nương rẫy… để đi hiến máu. Rất nhiều gia đình 3 thế hệ cùng đi hiến. Nhiều thôn, xóm sau khi hiến máu đã góp tiền ăn mừng vì vừa làm được việc tốt.

Có những địa phương phong trào hiến máu đứng đầu cả nước (như huyện Ea Kar), nhiều người ngồi chờ từ sáng đến trưa để được cho máu. Khi được thông báo hết chỉ tiêu, hoặc quá tuổi hiến (trên 60 tuổi) họ tỏ ra rất buồn và năn nỉ để được hiến nhưng không được chấp nhận.

Bà H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã tổ chức họp và giao các sở, ngành liên quan báo cáo, tháo gỡ khó khăn về công tác tiếp nhận máu.

Cụ thể, hồi tháng 7/2023, bà H’Yim đã ký công văn gửi các sở (Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư), BVĐK vùng Tây Nguyên, Trung tâm Huyết học và Truyền máu với nội dung: Giao Sở Y tế đôn đốc, chỉ đạo BVĐK vùng Tây Nguyên, Trung tâm Huyết học Truyền máu tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường trách nhiệm, tập trung tháo gỡ vướng mắc, nhằm chủ động nguồn máu phục vụ công tác cấp cứu, điều trị. Đồng thời, đảm bảo hóa chất dùng cho hoạt động tiếp nhận, sàng lọc máu trong thời gian tới; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra việc thiếu máu, chế phẩm máu phục vụ cho công tác cấp cứu, điều trị người bệnh tại BVĐK vùng Tây Nguyên nói riêng và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh nói chung.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.