Nghịch lý: "Đàn em" Bamboo và Vietjet báo lãi, "anh cả" Vietnam Airlines lỗ hơn 11.000 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm 2020, doanh nghiệp hàng không Việt Nam bị giáng đòn nặng nề sau hai đợt bùng phát Covid-19 khiến lợi nhuận của Vietjet, Bamboo, Vietnam Airlines ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, điều bất ngờ, trong khi "anh cả" Vietnam Airlines lỗ hơn 11 nghìn tỷ, thì "đàn em" Vietjet và Bamboo đồng thời báo lãi trong năm 2020.

Bamboo của ông Trịnh Văn Quyết và Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo báo lãi

Mới đây nhất, thông tin từ hãng hàng không Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết cho biết, năm 2020, lợi nhuận trước thuế của hãng hàng không này ước khoảng hơn 400 tỷ đồng, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục nằm trong nhóm ít ỏi các hãng hàng không trên thế giới có lợi nhuận năm qua.

Đại diện Bamboo Airways chia sẻ, với bối cảnh chung tích cực nhờ vào chính sách phòng chống dịch COVID-19 quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, trong năm 2020 Bamboo Airways đã chủ động sáng tạo, kịp thời triển khai đồng bộ giải pháp nỗ lực vượt khó.

Về mặt tài chính, hãng chủ động huy động vốn để tăng cường năng lực, bao gồm huy động vốn từ các cổ đông lớn, trong đó có Công ty mẹ là FLC Group; làm việc với các đối tác ngân hàng, định chế tài chính để huy động vốn và điều chỉnh các điều khoản tài chính cho phù hợp. Bên cạnh đó, Bamboo Airways luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án kinh doanh khả thi và tài sản bảo đảm.


 

 Bamboo Airways báo lãi trước thuế 400 tỷ trong năm 2020
Bamboo Airways báo lãi trước thuế 400 tỷ trong năm 2020


Với mạng lưới nhà cung cấp dịch vụ, Bamboo Airways tích cực làm việc, thỏa thuận để có được các thỏa thuận về chi phí phù hợp, đảm bảo sức khỏe tài chính cho hãng.

Bên cạnh Bamboo, Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận trong năm 2020.

Báo cáo tài chính doanh nghiệp cho thấy quý IV/2020 Công ty CP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) đạt lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ là 274 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 995 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2020, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 70 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của Vietjet cũng cho thấy, cơ cấu doanh thu phụ trợ đạt gần 50% cho thấy hãng đã tăng cường các dịch vụ phụ trợ để bù đắp doanh thu vé máy bay. Vietjet có tổng tài sản 47.036 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 17.326 tỷ đồng bao gồm cổ phiếu quỹ, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu rất thấp, chỉ 0,66 lần và chỉ số thanh khoản hiện hành tiếp tục duy trì ở mức 1,2 lần, mức tốt trong ngành hàng không thế giới.

Lợi nhuận mà hãng hàng không Vietjet có được không phải là nguồn thu chính từ vận tải hành khách, bởi năm 2020, Vietjet đã chuyển đổi cấu hình một số tàu bay từ vận tải hành khách thành vận tải hàng hóa, áp dụng phương thức khai thác mới để tăng cường năng lực vận tải hàng hoá cho đội bay.


 

 Năm 2020, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 70 tỷ đồng.
Năm 2020, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 70 tỷ đồng.


"Anh cả" Vietnam Airlines lỗ hơn 11.000 tỷ đồng

Trong khi đó, "anh cả" của hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) lại báo tin không vui về doanh thu. Theo đó, năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu đạt 40.612 tỷ đồng, giảm 59% so với năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn, doanh thu tài chính giảm mạnh và các chi phí neo ở mức cao, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hợp nhất hơn 11.097 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mức lỗ này thấp hơn khá nhiều so với con số ước tính đã được ban lãnh đạo Vietnam Airlines công bố tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường sáng 29/12/2020 là 14.445 tỷ đồng.

Kết quả này là do doanh nghiệp đã hoàn thành tất cả các thủ tục điều chỉnh khấu hao, phân bố chi phí sửa chữa, bảo dưỡng theo chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của chính phủ.


 

Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế hợp nhất hơn 11.097 tỷ đồng
Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế hợp nhất hơn 11.097 tỷ đồng



Tính tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 62.967 tỷ đồng, giảm 17% so với cuối năm trước. Sự hao hụt này là do tiền nhàn rỗi giảm một nửa xuống 1.646 tỷ đồng; khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm 86% còn 494 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 50% còn 1.850 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm từ 7.904 tỷ đồng xuống 3.795 tỷ đồng...

Về nguồn vốn, nợ phải trả của doanh nghiệp đứng ở mức 56.826 tỷ đồng, tuy nhiên vốn chủ sở hữu chỉ còn 1/3 so với cuối năm 2019, xuống 6.140 tỷ đồng do bị khoản lỗ lũy kế bào mòn.
Doanh nghiệp hàng không Việt Nam sẽ còn khó khăn trong năm 2021

Về triển vọng ngành hàng không năm 2021, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, ngành hàng không có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2021 khi các vắc xin được phê duyệt và sử dụng trên quy mô lớn. Thị trường nội địa nhiều khả năng sẽ vẫn là thị trường trọng tâm của các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2021, do các chuyến bay quốc tế chỉ có thể được hoạt động từ nửa cuối năm 2021.

Chiến lược của các hãng hàng không có thể sẽ tập trung tối đa hóa thị trường nội địa bằng cách mở thêm đường bay, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị trên chuyến bay và tạo ra nhiều sự lựa chọn về giá hơn cho hành khách.

Theo SSI, lợi nhuận các hãng hàng không có khả năng phục hồi, nhưng có thể ở mức âm đối với tất cả các hãng hàng không vì các yếu tố tải và sản lượng dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp trong năm 2021.


 

Doanh nghiệp hàng không sẽ còn khó khăn trong năm 2021
Doanh nghiệp hàng không sẽ còn khó khăn trong năm 2021


Nhóm phân tích dự báo, hàng không vẫn sẽ ghi nhận mức lỗ bằng khoảng một nửa của năm 2020 tại công ty mẹ và sản lượng hành khách trong nước phục hồi lên mức năm 2019 (75 triệu hành khách). Lượng hành khách quốc tế dự kiến sẽ ở mức thấp 12 triệu khách (đạt khoảng 34% mức trước Covid).

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có biện pháp hỗ trợ cho các hãng hàng không. Chính phủ gần đây đã công bố kế hoạch cho Vietnam Airlines huy động 8 nghìn tỷ đồng vốn chủ sở hữu, đồng thời cung cấp gói vay 4 nghìn tỷ đồng cho hãng hàng không quốc gia này. Các biện pháp này đủ để Vietnam Airlines cải thiện cơ cấu vốn và giảm áp lực tài chính trung hạn.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những mối đe dọa có thể bẻ gãy đà hồi phục của ngành hàng không. Dịch bệnh Covid-19 vừa bùng phát trở lại với tâm chấn Hải Dương vào cuối tháng 1/2021. Ngoài ra, các hãng hàng không còn phải đối mặt với các rủi ro khác như việc giá dầu tăng trong năm 2021 có thể ảnh hưởng tới biên lợi nhuận toàn ngành.

Việc thiếu các chuyến bay quốc tế sẽ buộc các hãng hàng không phải sử dụng tất cả các máy bay phục vụ trong thị trường nội địa, khiến giá vé giảm. Do đó, bất kỳ đợt tăng giá dầu nào cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các hãng hàng không.

https://danviet.vn/nghich-ly-dan-em-bamboo-va-vietjet-bao-lai-anh-ca-vietnam-airlines-lo-hon-11000-ty-dong-20210221232508303.htm
 

Theo QUANG DÂN (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Nhà máy Đường An Khê triển khai vụ ép mía 2024-2025. Ảnh: Ngọc Minh

Nhà máy Đường An Khê triển khai vụ ép mía 2024-2025

(GLO)- Sáng 27-11, Nhà máy Đường An Khê (tỉnh Gia Lai) triển khai công tác chuẩn bị vào vụ ép mía 2024-2025; phát động ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông đối với Nhà máy Đường An Khê, cá nhân kinh doanh vận tải niên vụ mía 2024-2025.

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.