Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai quan tâm hỗ trợ hộ nghèo và đối tượng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) chủ động dành nguồn vốn ủy thác cho vay đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được xem là công cụ tài chính hữu hiệu, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách không bị bỏ lại phía sau.
Chủ động gia hạn nợ, giảm lãi vay
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH, ngay từ cuối tháng 1-2020, Ngân hàng CSXH đã có văn bản chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành thực hiện việc phòng-chống dịch Covid-19, đồng thời nắm bắt những ảnh hưởng, thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng để có biện pháp hỗ trợ. Theo đó, hướng dẫn khách hàng bị rủi ro do dịch lập hồ sơ, đề nghị xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; cho vay bổ sung khôi phục sản xuất kinh doanh. Riêng đối với các địa bàn bị khoanh vùng, cách ly để phòng-chống dịch, Ngân hàng CSXH ngay lập tức áp dụng biện pháp tạm dừng thu nợ gốc, thu lãi cho đến khi có thể tổ chức hoạt động giao dịch bình thường.
Trong quý II-2020, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tập trung giải ngân các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, duy trì và giữ vững chất lượng tín dụng. Ảnh: S.C
Trong quý II-2020, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tập trung giải ngân các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, duy trì và giữ vững chất lượng tín dụng. Ảnh: S.C
Đặc biệt, đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến nông sản, thủy sản mất giá, bị lệnh cấm thông quan hàng hóa khiến sản phẩm làm ra không thể xuất khẩu, gây thiệt hại cho người dân, Ngân hàng CSXH đã chủ động đưa ra biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tính đến cuối tháng 3-2020, Ngân hàng đã gia hạn nợ cho 5.781 món vay; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 606 món với số tiền gốc hơn 14,4 tỷ đồng; cho vay bổ sung để duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh 1.757 món vay với số tiền trên 51,6 tỷ đồng. Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH trình Thủ tướng Chính phủ về phương án giảm lãi vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nếu phương án được thông qua, từ ngày 1-4-2020 đến hết năm 2020, hộ nghèo và các chương trình có lãi suất bằng hộ nghèo hoặc tham chiếu theo mức lãi suất cho vay hộ nghèo sẽ được giảm lãi vay 15% và các đối tượng chính sách ở các chương trình khác giảm 10%. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH dự kiến tiếp tục cho gia hạn nợ đối với các khách hàng có nợ đến hạn gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch từ tháng 3 đến hết tháng 6.
Không để người yếu thế bị bỏ lại phía sau 
Tại địa bàn Gia Lai, Ngân hàng CSXH đã luôn đồng hành cùng khách hàng ngay trong thời điểm khó khăn. Anh Sonh (làng Tươh, xã Glar, huyện Đak Đoa) cho biết: “Năm 2017, tôi vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đak Đoa để đầu tư trồng cà phê. Tháng 2-2020, tôi đã trả nợ hết nợ vay cho ngân hàng. Tuy nhiên, do nắng hạn và giá cà phê xuống thấp nên gia đình tôi vẫn còn khó khăn. Tôi đã đề nghị Ngân hàng xem xét cho vay lại để có tiền đầu tư cho sản xuất”. Thấu hiểu và chia sẻ khó khăn với khách hàng, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đak Đoa đã tạo điều kiện cho gia đình anh Sonh tiếp cận vốn vay chương trình hộ cận nghèo với mức vay 40 triệu đồng, thời gian vay 3 năm để tiếp tục đầu tư chăm sóc 400 cây cà phê, nuôi 1 con bò và 5 con heo.
Là một trong những khách hàng nhận được sự hỗ trợ của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mang Yang, anh Anhek (làng Đê Gol, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) bày tỏ: “Mấy năm trước, tôi đã vay vốn hộ mới thoát nghèo từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mang Yang để đầu tư nuôi 2 con bò, chăm sóc 400 cây cà phê. Nhưng do hoàn cảnh gia đình vẫn còn khó khăn, nguồn thu nhập chưa ổn định, đến kỳ hạn trả nợ ngân hàng vào tháng 4-2020, tôi vẫn chưa có đủ khả năng để trả nợ nên Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã xem xét, thực hiện giãn nợ cho gia đình tôi thêm 1 tháng nữa”.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chủ động vào cuộc hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn. Ảnh: S.C
Trong bối cảnh dịch Covid-19, hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chủ động vào cuộc hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn. Ảnh: S.C
Song song với việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng CSXH Việt Nam, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tập trung triển khai các chương trình tín dụng chính sách theo kế hoạch. Doanh số cho vay quý I-2020 đạt hơn 590 tỷ đồng với 16.264 lượt khách hàng được vay vốn, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, cho vay hộ nghèo hơn 80 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo hơn 154 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo hơn 127 tỷ đồng, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn hơn 106 tỷ đồng… Về doanh số thu nợ đạt hơn 516 tỷ đồng, bằng 130,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng dư nợ đến ngày 31-3-2020 đạt 4.659 tỷ đồng, tăng 74,5 tỷ đồng so với đầu năm, với 139.458 khách hàng dư nợ. Một số chương trình tín dụng có dư nợ tăng so với đầu năm như cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Về chất lượng tín dụng được duy trì ổn định, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,3%/dư nợ. Để hỗ trợ khách hàng, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo các phòng giao dịch huyện, thị xã chủ động theo dõi, nắm bắt kịp thời các trường hợp vay vốn bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan như thiên tai, hạn hán, dịch bệnh để phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể hướng dẫn khách hàng vay lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro. Trong quý I-2020, Ngân hàng CSXH tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro đợt I-2020 gửi Ngân hàng CSXH Việt Nam. Trong đó, đề nghị xóa nợ số tiền hơn 1,5 tỷ đồng/149 món vay; đề nghị khoanh nợ số tiền hơn 1,8 tỷ đồng/64 món vay.
Theo đánh giá từ Ngân hàng CSXH tỉnh, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ của ngân hàng. Do thời tiết diễn biến thất thường, giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực giảm thấp khiến một số hộ vay làm ăn thua lỗ không còn khả năng khôi phục nên đã bỏ đi khỏi nơi cư trú cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của ngân hàng.
Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh-khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, thị xã quán triệt đến toàn thể cán bộ, công nhân viên chấp hành nghiêm túc các giải pháp phòng-chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp chính quyền địa phương, các đoàn thể nhận ủy thác rà soát các trường hợp vay vốn Ngân hàng CSXH bị rủi ro do dịch Covid-19 để có các giải pháp hỗ trợ khách hàng kịp thời. Hiện nay, chúng tôi đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm triển khai cho vay vốn để người sử dụng lao động trả lương ngừng việc trong 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ. Chúng tôi tin rằng, sự quyết liệt vào cuộc của hệ thống Ngân hàng CSXH sẽ giúp người nghèo và đối tượng chính sách vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, ổn định đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội”.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.