NASA thừa nhận tàu vũ trụ thứ 2 "vuột khỏi tầm tay"ngay trên bầu trời Trái Đất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chỉ 1 ngày sau khi mất liên lạc với tàu vũ trụ ICON đang hoạt động phía trên tầng điện ly của Trái Đất, một tàu vũ trụ khác thuộc nhóm tàu CYGNSS tiếp tục "bặt vô âm tín" và những nỗ lực tái kết nối vẫn chưa đem lại hiệu quả.

Theo thông báo chính thức phát hành hôm 10-12 thừa nhận sự cố mất liên lạc, NASA cho biết đó là một trong 8 tàu vũ trụ nhỏ dưới dạng một hệ thống vệ tinh hoạt động như một chòm sao nhân tạo trên bầu trời Trái Đất gọi là CYGNSS, tức Hệ thống định vị toàn cầu Lốc Xoáy.

Giống như tên của hệ thống, CYGNSS gồm 8 vệ tinh hoạt động như 8 tàu vũ trụ biệt lập nhưng kết nối chặt chẽ với nhau, thực hiện các phép đo gió trên bề mặt đại dương trong và gần mắt bão trong suốt vòng đời của xoáy thuận nhiệt đới, bão và cuồng phong.


 

Hình dạng chung của các tàu CYGNSS của NASA - Ảnh: NASA
Hình dạng chung của các tàu CYGNSS của NASA - Ảnh: NASA



Tàu vũ trụ bị mất liên lạc là FM6. Kể từ hôm 26-11 - là ngày FM6 bị mất liên lạc - NASA vẫn đang làm việc để cố gắng thu tín hiệu và tái thiết lập kết nối với tàu này.

7 tàu vũ trụ khác trong hệ thống CYGNSS vẫn hoạt động bình thường trên bầu trời, tuy nhiên việc thiếu FM6 sẽ khiến phạm vi quan sát của cả hệ thống bị giảm đi.

Hệ thống CYGNSS được phóng vào tháng 12-2016 và đã hoàn tất sứ mệnh chính kể từ ngày 19-3-2019. Do vẫn chạy tốt vào thời điểm đó nên NASA đã đưa chúng vào một sứ mệnh mở rộng, hiện vẫn đang tiếp diễn.

Hiện không có bằng chứng nào cho thấy hai vụ việc mất kết nối liên tiếp của ICON và CYGNSS-FM6 có liên quan đến nhau.

Trước đó, tàu ICON làm nhiệm vụ khảo sát tầng điện ly của NASA đã mất liên lạc kể từ ngày 25-11 và vẫn không hề có tín hiệu gì sau 8 ngày của quy trình tự khởi động và tái thiết lập kết nối. NASA đã phải nhờ đến hệ thống giám sát của Bộ Quốc phòng Mỹ để xác nhận ICON vẫn còn nguyên vẹn. Nguyên nhân của sự "mất tích" này được cho là lỗi hệ thống.

 

Theo Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm