Nâng tầm giá trị hồ tiêu Cư Kuin

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những năm gần đây, do giá hồ tiêu lên xuống thất thường kèm với tình trạng sâu bệnh hại, mất mùa khiến nông dân nhiều nơi phải chuyển đổi sang cây trồng khác. Tuy vậy, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cư Kuin vẫn “sống khỏe” với cây tiêu nhờ sản xuất theo hướng bền vững.
Huyện Cư Kuin hiện có trên 4.500 ha hồ tiêu, trong đó diện tích đang trong thời kỳ kinh doanh là 3.685 ha với năng suất từ 2,8 - 3 tấn/ha. Nhờ phát triển trên nền đất đỏ bazan nên thành phần khoáng có trong hạt tiêu của Cư Kuin cao hơn so với một số vùng trồng tiêu khác. Từ những ưu thế đó, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, xây dựng một số mô hình sản xuất hồ tiêu theo hướng xanh – sạch – bền vững để người dân tham khảo, nhân rộng.
 
Anh Nguyễn An Thạnh - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hồ tiêu bền vững Đoàn kết thôn 3 (xã Ea Bhốk) chăm sóc hồ tiêu.
Anh Nguyễn An Thạnh - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hồ tiêu bền vững Đoàn kết thôn 3 (xã Ea Bhốk) chăm sóc hồ tiêu.
Điển hình có thể kể đến Câu lạc bộ (CLB) Hồ tiêu bền vững Đoàn kết thôn 3 (xã Ea Bhốk) được thành lập năm 2018, với 20 hộ tham gia, tổng diện tích 20 ha. Anh Nguyễn An Thạnh, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết, trước đây các hộ trồng tiêu trên địa bàn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên năng suất không cao, vườn cây hay bị dịch bệnh. Từ khi tham gia CLB, các thành viên đã từ bỏ thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chuyển sang canh tác an toàn theo hướng hữu cơ. Thời gian qua, mặc dù gặp không ít khó khăn do giá cả vật tư, phân bón tăng cao nhưng CLB thường xuyên khuyến cáo người dân không nên nóng vội chuyển đổi cây trồng, cố gắng chăm sóc tốt vườn tiêu, lấy năng suất bù giá cả. Cùng với đó, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vườn tiêu như đào rãnh chống úng, hạn chế sử dụng phân hóa học, ưu tiên dùng các chế phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ bón cho tiêu. Nhờ vậy, vườn tiêu phát triển xanh tốt, không bị sâu bệnh, năng suất bình quân vụ tiêu năm 2021 của CLB trung bình đạt từ 5 - 8 tấn/ha (tăng khoảng từ 1 - 3 tấn/ha so với trước).
“Ngoài mang lại năng suất cao thì chất lượng tiêu ở đây cũng rất tốt, thương lái thu mua đánh giá hạt tiêu Cư Kuin có vị thơm, nồng, độ cay đặc trưng; tỷ lệ thu hồi hạt tiêu đen loại 1 và loại đặc biệt rất cao, được thị trường ưa chuộng. Từ những ưu thế đó, hiện CLB đang từng bước hoàn thiện để cho ra mắt sản phẩm hạt tiêu đỏ, hạt tiêu xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm để nâng tầm giá trị hạt tiêu huyện Cư Kuin, đáp ứng những thị trường khó tính”, anh Thạnh chia sẻ.
 
Hạt tiêu Cư Kuin chủ yếu được phơi nắng sau thu hoạch nên giữ được vị cay nồng nguyên bản.
Hạt tiêu Cư Kuin chủ yếu được phơi nắng sau thu hoạch nên giữ được vị cay nồng nguyên bản.
Hay như Tổ hợp tác sản xuất hồ tiêu hữu cơ tại thôn 7, xã Ea Hu hiện có 25 thành viên tham gia với tổng diện tích sản xuất 20 ha. Theo ông Trần Đức Khóa, Chủ nhiệm Tổ hợp tác sản xuất hồ tiêu hữu cơ, với mục đích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, hướng đến sản xuất hồ tiêu bền vững nên các thành viên tổ hợp tác ưu tiên lựa chọn sản phẩm hữu cơ sinh học, 90% diện tích tiêu được trồng trên trụ sống... Nhờ áp dụng quy trình sản xuất “xanh”, trình độ canh tác hồ tiêu của thành viên tổ hợp tác nâng lên rõ rệt, nhất là kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng đã đem lại kết quả khá tích cực. Tình trạng tiêu chết hàng loạt vì ngập úng và nấm bệnh giảm hẳn, năng suất vụ tiêu năm 2021 đạt trung bình 5 tấn/ha.
Hồ tiêu Cư Kuin đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) chấp nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Hồ tiêu Cư Kuin” tại Quyết định số 6442/QĐ-SHTT, ngày 10/10/2016. Mới đây, huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại – Sở Công thương cung cấp thông tin chỉ dẫn địa lý nhãn hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin” để quảng bá tại nước ngoài.
Hồng Chuyên (Báo Đắk Lắk)

Có thể bạn quan tâm