Nam Yang nỗ lực về đích nông thôn mới nâng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau gần 8 năm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), xã Nam Yang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để giữ vững các tiêu chí cũng như hướng đến xã NTM nâng cao trong năm 2022.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lê Kim Nam, ngay sau khi hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2014, xã tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục giữ vững, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, tập trung các nguồn lực phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao. Cụ thể, những năm qua, xã đã huy động nhiều nguồn lực để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, nội thôn cũng như giao thông nội đồng. Nhờ đó, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống người dân từng bước được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đến nay, 100% đường liên xã, đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa, bê tông hóa; có 17,8/25,3 km đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, không lầy lội vào mùa mưa; 100% đường nội đồng được cứng hóa, đảm bảo đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi.
Diện mạo nông thôn xã Nam Yang ngày càng khởi sắc. Ảnh: Quang Tấn
Diện mạo nông thôn xã Nam Yang ngày càng khởi sắc. Ảnh: Quang Tấn
Cùng với đó, xã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu, chanh dây gắn với chế biến, tiêu thụ như: tổ liên kết sản xuất chanh dây, tổ liên kết sản xuất hồ tiêu sạch theo tiêu chuẩn GAP hay Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang. Nhờ đó, đến cuối năm 2021, xã chỉ còn 2 hộ nghèo, chiếm 0,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 48,5 triệu đồng/năm.
Mô hình sản xuất hồ tiêu, cà phê và chanh dây theo hướng hữu cơ của bà Huỳnh Thị Xuân (thôn 1) là một điển hình trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Bà Xuân cho hay: “Khi tham gia HTX nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, toàn bộ diện tích hồ tiêu, cà phê và chanh dây của gia đình đều chuyển sang phương pháp canh tác bền vững, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, cây trồng phát triển bền vững, ít bị sâu bệnh, được các doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm với giá cao. Với 5 ngàn trụ hồ tiêu, 900 gốc chanh dây và 800 cây cà phê, mỗi năm, tôi lãi 700-800 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.
Vườn hồ tiêu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đem lại thu nhập ổn định hàng năm cho gia đình bà Thu. Ảnh: Quang Tấn
Vườn hồ tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ đem lại thu nhập ổn định hàng năm cho gia đình bà Nguyễn Thị Thu (thôn 3, xã Nam Yang). Ảnh: Quang Tấn
Còn bà Nguyễn Thị Thu (thôn 3) thì liên kết với Công ty TNHH hương gia vị Sơn Hà (Hà Nội) để sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Với hướng đi này, 5 ha hồ tiêu trồng theo hướng hữu cơ từ năm 2014 của gia đình luôn cho năng suất ổn định khoảng 4 tấn khô/ha và được Công ty thu mua với giá cao hơn so với hồ tiêu thường khoảng 15 ngàn đồng/kg. “Các sản phẩm được cấp chứng nhận, đảm bảo sản phẩm an toàn, có tem truy xuất nguồn gốc nên giá trị tăng lên đáng kể. Theo đó, lợi nhuận mỗi năm từ vườn hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả của tôi luôn ở mức trên 1 tỷ đồng”-bà Thu phấn khởi nói.
Trao đổi cùng P.V, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Yang cho biết: Hiện xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí NTM nâng cao. 4 tiêu chí chưa đạt gồm: cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng-an ninh. “Để hoàn thành mục tiêu đề ra, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia và mở rộng phương thức liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp, HTX, nông hội nhằm giải quyết khâu “đầu vào và đầu ra” cho sản xuất; tăng cường công tác khuyến nông, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học để hạ giá thành, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích. Khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận vay vốn các dự án, các chương trình xóa đói giảm nghèo khác để đầu tư sản xuất. Phấn đấu đến cuối năm 2022 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 52,2 triệu đồng. Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tăng cường công tác tuần tra, trấn áp các loại tội phạm, không để xảy ra điểm nóng về trật tự xã hội trên địa bàn”-Phó Chủ tịch UBND xã Nam Yang thông tin thêm.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt.