Mực nước ngầm Tây nguyên đang giảm nhanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nguồn nước mặt và cả nước ngầm ở Tây nguyên đang bị suy giảm nhanh vì các hoạt động kinh tế xã hội.

Mỗi ngày hút 1,5 triệu m3 nước từ lòng đất

Tại hội thảo khoa học với chủ đề "Nước với cuộc sống và con người Tây nguyên" được tổ chức mới đây ở Đắk Lắk, PGS-TS Đoàn Văn Cánh, nguyên Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn Việt Nam nêu thực trạng, lượng mưa ở Tây nguyên trung bình năm gần 100 tỉ m3/năm, trong số này tạo ra dòng chảy trên bề mặt (sông suối) khoảng 50 tỉ m3/năm, lượng nước ngấm xuống đất khoảng 3,2 tỉ m3/năm, phần còn lại bốc hơi. Trong lượng nước ngấm xuống đất, có khoảng 1,4 tỉ m3/năm được bổ sung vào tầng chứa nước, phần còn lại tạo ra dòng chảy ngầm vào các con sông. Tổng lượng nước trong các tầng chứa nước ở Tây nguyên là 117 - 170 tỉ m3.

Nông dân đào giếng lấy nước tưới cà phê trong mùa khô ở Đắk Lắk

Nông dân đào giếng lấy nước tưới cà phê trong mùa khô ở Đắk Lắk

Nhu cầu sử dụng nước ở Tây Nguyên hiện nay khoảng 11,7 tỉ m3/năm. Đến năm 2022, tình trạng khai thác nước dưới đất ở Tây nguyên khoảng 1,5 triệu m3/ngày. Với tốc độ khai thác nước ngầm như hiện nay thì trữ lượng nước có thể khai thác trong 60 năm.

Trước những năm 1990, 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông có 2.272 mạch lộ với lưu lượng dòng chảy từ 0,5 lít/giây trở lên. Nhưng đến 2020, theo điều tra đánh giá của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam số lượng và lưu lượng các mạch lộ nêu trên đã giảm đi rất nhiều, còn khoảng 40 - 60%, lưu lượng dòng chảy các mạnh cũng chỉ còn khoảng 30 - 40%.

Nguyên nhân là do mất nguồn sinh thủy, mưa rơi phần lớn chảy tràn, không đủ thời gian ngấm xuống đất, thậm chí có nhiều tháng mùa khô không có mưa. Điều này khiến cho tầng chứa nước bazan không được bổ cập kịp thời trong khi chúng ta khai thác nước ngầm phục vụ cho các hoạt động kinh tế xã hội. "Để lưu giữ nước ở lại Tây nguyên nhiều hơn cần phải bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, thu gom nước mưa, nước mặt đưa vào các hồ chứa trên bề mặt, đưa vào tầng chứa nước nghèo để có thể khai thác và sử dụng được", TS Cánh khuyến cáo.

6 thách thức với tài nguyên nước ở Tây nguyên

TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia nêu ra 6 thách thức đối với việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước ở Tây nguyên: Thứ nhất, tài nguyên nước phân bố không đồng đều. Thứ 2, khả năng trữ nước kém của đất cùng sự suy giảm chất lượng rừng đầu nguồn khiến gia tăng sự thiếu hụt dòng chảy vào mùa khô. Thứ 3, sự biến đổi về dân số và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng dẫn đến việc khai thác nguồn nước ngày càng lớn dẫn đến suy giảm mực nước ngầm. Thứ 4, hệ thống thủy lợi, thủy điện tác động lớn đến chế độ dòng chảy. Một số công trình thủy điện chuyển nước sang khu vực khác gây thiếu hụt nguồn nước. Thứ 5, chưa đủ nguồn lực để hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi theo quy hoạch. Thứ 6, thiếu các nghiên cứu bài bản liên quan đến quy hoạch và quản lý tổng hợp lưu vực sông.

Các hoạt động kinh tế xã hội ở Tây nguyên dựa nhiều vào việc khai thác nước ngầm

Các hoạt động kinh tế xã hội ở Tây nguyên dựa nhiều vào việc khai thác nước ngầm

Để giải quyết các thách thức này, TS Hà khuyến nghị, cần áp dụng các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm cả trong nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt. Bên cạnh đó, nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ theo hướng nông nghiệp hàng hóa chất lượng và giá trị cao, phù hợp với nguồn tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích sản xuất ở những vùng thiếu nước, thường xảy ra hạn hán sang các loại cây trồng có nhu cầu nước thấp, chịu hạn cao…

TS Tống Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia khuyến cáo: Khai thác sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước khu vực Tây nguyên cần dựa trên cơ sở tinh thần luật Tài nguyên nước vừa được quốc hội thông qua. Trung tâm phối hợp cùng Cục quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) triển khai hệ thống hỗ trợ ra quyết định, xây dựng các kịch bản về nguồn nước đến. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch sử dụng nước cho các bộ ban ngành và địa phương để khai thác và sử dụng theo hướng điều hòa, phân bổ hiệu quả và tối ưu nguồn nước.

Có thể bạn quan tâm