(GLO)- Mới đây, trên facebook, cô K. H’Ng. đăng thông tin cần 10 nhân công thu hái cà phê ở huyện Ia Grai. Đây chỉ là một trong hàng chục ngàn hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên đang rất cần nhân công trong mùa thu hoạch.
Năm nào cũng vậy, cứ khoảng tháng 11-12, bước vào mùa thu hoạch cà phê là người từ các tỉnh đồng bằng lên, từ Bắc vào, Tây Nguyên đông hẳn. Dòng xe đò cũng đông hành khách hơn trước, kể cả các xe nhỏ loại 15-16 chỗ ngồi chạy từ TP. Pleiku, Buôn Ma Thuột về các huyện cũng đông hơn ngày thường do chở người hái cà phê. Người từ các tỉnh đến đây đã có thâm niên hái cà phê nên cũng quen đất, quen việc.
Ảnh internet |
Họ thường chia thành nhiều nhóm, có nhóm vào tận Lâm Đồng, Đak Nông, nhóm thì lên Đak Lak, Gia Lai, hành lý mang theo gọn nhẹ, chủ yếu vài bộ quần áo lao động, vài bộ bao tay. Ấy là chưa kể đến những nhà vườn nuôi sẵn người làm, ngày thường chăm sóc vườn cây, đến kỳ thu hoạch thì hàng ngày hái dần mà cũng phải thuê mướn thêm nhân công. Mấy năm nay, giá thuê nhân công mỗi năm mỗi tăng, từ 150-160 ngàn đồng/ngày/người vụ trước, nhà chủ hỗ trợ thêm tiền gạo hoặc thức ăn, nay tăng lên đến 170-180 ngàn đồng/người/ngày, riêng một số huyện của tỉnh Lâm Đồng lên đến 200.000 đồng/người/ngày.
Tổng diện tích cà phê hiện nay của cả nước trên 653.000 ha, trong đó Đak Lak hơn 200.000 ha, Lâm Đồng hơn 150.000 ha, Đak Nông hơn 122.000 ha, Gia Lai hơn 93.000 ha. Nhiều người ở đồng bằng mới lên Tây Nguyên tưởng rằng làm cà phê dễ ăn hơn làm lúa bởi cứ đến kỳ thu hoạch lại vào vườn hái quả sau đó cân cho đại lý, lấy tiền. Nghe thì dễ nhưng để có được thành quả ấy, nhà vườn phải đổ mồ hôi không ít, cũng sớm khuya vất vả không thua kém người trồng lúa. Đã vậy, nhân công không dễ kiếm bởi hầu như ai cũng có vườn cà phê nên chủ yếu họ dành thời gian chăm sóc vườn cây của mình, họa hoằn lắm mới đi làm thuê sau khi đã xong việc nhà.
Khi vườn cà phê đã có quả chín trên cây khoảng 70-80% là có thể thu hái và cũng chỉ hái trong một thời điểm nhất định, không thì quả sẽ rụng và giảm chất lượng. Nhà vườn nào cũng chuẩn bị hơn chục chiếc bạt lớn, loại bạt dài 4-5 m và năm bảy chục chiếc bao (loại trên 50 kg) để hái cà phê. Đất vườn thường dốc nên phải hái theo hàng ngang để dễ kéo bạt qua các cây. Cứ 2 người một cây, trải bạt vòng kín gốc. Mang bao tay, cứ thế vặn, tuốt từng chùm mặc cho quả rơi xuống vì đã có bạt hứng bên dưới. Thấy thì dễ làm nhưng không quen chỉ tuốt chừng vài cây đã bã tay và làm cũng phải rất cẩn thận tránh làm gãy những cành sẽ cho quả mùa sau. Xong một hàng thì mang ra trút bao, đóng và khâu miệng bao đã có người khác làm. Cứ thế hết hàng này đến hàng khác, hết lô này đến lô khác, tay cứ mải miết. Chủ vườn đã làm việc với đại lý nên đến chiều tối xe tải vào cân, hai bên ký nhận số lượng cà phê hái trong ngày. Nhà nào có điều kiện thì chở về, tự phơi đến khi được giá mới bán.
Những nhà vườn có kinh nghiệm cho biết, năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên năng suất cà phê cao hơn năm trước. Giá cà phê tăng, đến ngày 15-11 đạt 38,5-40 triệu đồng/tấn nhân, cao hơn so với cùng thời điểm năm trước khoảng 2 triệu đồng/tấn.
Với trên 550.000 ha cà phê, vào mùa thu hoạch, Tây Nguyên cần đến hàng chục vạn nhân công thu hái. Nếu tính từ thời hoàng kim của cà phê (năm 1995) đến nay, người trồng cà phê đã qua nhiều cuộc “bể dâu” do giá cả thất thường. Song đến nay cà phê vẫn tiếp tục khẳng định vai trò là một trong các loại cây trồng chủ lực của Tây Nguyên, mang lại cuộc sống ổn định cho người trồng và tạo việc làm, thu nhập khá cao cho người lao động. Làm cà phê vốn nhọc nhằn, nếu giải quyết được bài toán nhân công thu hái vào mùa thu hoạch thì người trồng cà phê mới yên tâm.
Thanh Phong