Mùa đi từ cội rễ...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngẫm ra, người ở thành phố đang đi theo những cái cây. Nói như thế cũng không ngoa vì dưới tán những cây bàng, cây xà cừ là những quán trà đá. Nếu để ý, bạn còn thấy có cả những quán bia mang tên cây si, cây sấu, cây đa… Cây đã bị chặt khi mở rộng đường, khi làm nhà nhưng cái tên, cái bóng hình của nó người ta còn nhắc mãi.

Lại cũng có những cái cây may mắn còn sót lại như một ký ức của rừng trên phố. Thu đến, sương về, xuân sang, sương tan, mùa hạ náo nức hương hoa… cứ thế những cái cây là một “diễn giả” về mùa màng bằng sự vô ngôn.

Có ai đó đã từng hỏi tôi: “Cái cây nhãn già trước phòng cậu năm nay còn đậu quả không?”. Hỏi gì mà lạ thế. Tôi bảo: “Có. Mùa vẫn tìm thấy quả trong cây”. Người đó nghe xong nhìn tôi lạ lắm. Chắc sinh ra ở thành phố đã lâu, họ không thể hiểu được sự cảm nhận của tôi-một người lớn lên cùng những cái cây non như thế nào.

 Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang



Tháng năm như đọng lại dưới những tán cây. Ở những khe hở của tán lá mà nắng lọt xuống ta nhận muôn vàn hạt bụi li ti đang bay đến cõi vô thường. Cây đứng đó, bốn mùa không hề từ nơi khác đến, mùa chỉ cần đi trong cây mà tìm thấy quả. Có khi, ngay từ lúc ra giêng, quả đã chúm chím khi những cánh hoa rụng xuống. Nhưng có lúc phải đến mùa thu ta mới nhận ra quả ngọt trên cành. Mùa đi từ cội rễ, đến lá, đến cành, đến hoa và ngưng ở vị ngọt của tháng năm.

Nhìn vào một thân cây, người đã từng chăm sóc vườn tược sẽ thương cây từ gốc. Sau mỗi vụ bội thu, cây như người vác nặng đã kiệt sức. Cây đứng đó mà thực ra đã đi suốt hành trình ngày đêm không ngừng nghỉ để mang về mâm cỗ mùa thu dưới trăng vàng. Ai bảo những quả na, quả bưởi, quả hồng và cả hương cốm thơm đều chỉ là thứ cây nhà lá vườn? Thực ra, đó là một điều bí ẩn của tạo hóa, chỉ mùa thu tìm được trái ngọt trên vòm xanh cho ta. Mùa thu đã để lại rồi vội bước đi, để khi ta tìm thấy chùm quả rồi ngẩn ngơ tự hỏi sắc hương ấy từ đâu mà có?

Có những mùa thu cơn bão đến muộn, mưa nhiều, trái cây cũng nhạt đi trong mưa. Bọn trẻ trong xóm hẫng hụt vì không được đón trăng rằm, người lớn thì thấp thỏm lo cho lúa đương thì.

Tôi chưa bao giờ thấy mùa đến dễ dàng, đâu phải cứ chồi sẽ có lá, cứ hoa sẽ có quả, tất cả còn ở cái duyên. Mùa đi trong cây có gặp quả ngọt hay không còn phụ thuộc vào cái duyên ấy. Cũng như trong cuộc đời này, có bao cuộc gặp hữu ý mà vô duyên, trước mắt mà như xa cách. Lại có những lần gặp gỡ thoáng qua mà in hằn tâm tưởng suốt cuộc đời.

Nơi mùa gặp được quả chín cũng là khát vọng tận hiến của cây. Những cái cây bình dị ta gặp trên đường, trong vườn với muôn hình trạng, tuổi tác nhưng có bao giờ ta tự hỏi: Cây đã lớn lên và tồn tại như thế nào? Có bao giờ cây âu lo vì tuổi tác, có bao giờ cây hoang mang vì thân phận bấp bênh? Sẽ chẳng ai đặt ra câu hỏi ấy. Ta luôn nghĩ cây vô tri nhưng cây lại chẳng bao giờ quên mùa, cứ thế hồ hởi, cật lực để tạo ra hương sắc. Thế nên, mùa đi trong cây cuối cùng vẫn tìm thấy trái chín như một cơ duyên, một cái kết đẹp cho một câu chuyện của tháng năm.

 

 BÙI VIỆT PHƯƠNG
 

 

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.