Một thời áo khố vỏ cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước kia, khi vải vóc chưa đến được hoặc đến rất hạn chế với đồng bào các dân tộc thiểu số Trường Sơn-Tây Nguyên, bà con nơi đây đã dùng vỏ một số loại cây rừng làm nên những tấm áo thô sơ, mộc mạc.
“Áo” là cách nói tắt gọn, chứ ngoài áo còn làm khố nữa. Và cũng chỉ làm được áo và khố, rất khó làm quần. Là vì 2 lẽ: một là tập quán đàn ông các dân tộc khu vực này chỉ đóng khố, hai là những tấm vỏ cây rất khó khâu kết lại thành quần. Vì thế chỉ gọi “áo khố” chứ không gọi theo thói quen là “áo quần”.
Loại cây thường được lấy vỏ làm áo khố, người Xê Đăng gọi là “luông hmuỗ”, người Bahnar gọi là “loong hmok” chỉ có ở những vùng rừng già sâu tít; ngày nay còn tìm thấy ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Loài cây này thân suôn thẳng, vươn thẳng lên trời cao. Ở các vùng rừng gần hầu như không còn thấy bóng dáng loài cây này nữa.
 Áo khố vỏ cây từng một thời gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số Trường Sơn- Tây Nguyên. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Áo khố vỏ cây từng một thời gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số Trường Sơn- Tây Nguyên. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Nếu nhu cầu làm ít áo khố thôi thì bà con chỉ đo cắt vài khoanh vỏ phía dưới thấp quanh gốc cây là đủ. Sau đó, khi cần thêm nữa, thì cắt tiếp khoanh khác, không cắt lột liền nhau khiến cây không đưa được chất dinh dưỡng từ đất lên nuôi cây và tạo lớp vỏ mới. Ít khi nào bà con đốn hạ luôn cả cây. Độ dài từng khoanh vỏ cây phải tính sao để khi gập đôi lại thì vừa che đủ ngực và lưng người.
Những khoanh vỏ cây mang từ rừng về được bà con khoét một lỗ ở giữa chỗ gập đôi lại để sau này làm cổ áo, lấy vồ gỗ đập dập mềm toàn bộ, chẻ vót các thanh lồ ô cột nẹp chặt lại, đem ngâm vào chỗ sông suối một thời gian rồi moi lên nạo gạt sạch phần thịt vỏ đã thối rữa. Lại đập dập lần nữa và ngâm tiếp. Cứ thế, đập rồi ngâm đi ngâm lại nhiều lần, đến khi khoanh vỏ cây chỉ còn là một nùi tưa trắng những sợi xơ mềm thì mang về se bện, kết nối lại thành một tấm vải thô mộc sần sùi.
Để kết nối vạt trước với vạt sau và những chỗ cần thiết trên áo (như cổ, nách), bà con dùng dây “kơxai nhai” (tiếng Xê Đăng), dây “tơlei nhai” (tiếng Bahnar) đan nối lại ở 2 bên hông. Dây “nhai” tước từ vỏ cây “nhai”, một loài cây thân nhỏ, mảnh, dài (như cây đay, cây lanh), cũng đã được ngâm nước cho rữa thịt, còn lại sợi rất dai, rất chắc. Dùng dây nhai đan bện những chỗ cần kết nối của tấm “vải” vỏ cây đã được xe kín, thế là có ngay chiếc áo. Áo vỏ cây luôn là áo cộc tay, chỉ đủ che ngực và lưng, không có áo dài tay, vì rất khó đan kết chỗ nách áo nếu làm thêm ống tay áo.
Vào thời kỳ đầu 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ở chiến trường Tây Nguyên thiếu thốn trăm bề, công tác tiếp tế khó khăn, các cán bộ “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) trên địa bàn gặp lúc túng bí cũng học hỏi ở bà con làm ra những tấm áo vỏ cây để mặc tạm, chống rét, chống gió sương nơi căn cứ, chiến khu hun hút giữa rừng già. Ngày nay, nếu ai may mắn còn gặp được các bậc lão thành cách mạng ấy (cụ nào còn sống thì đến nay ít ra cũng đã trăm tuổi) sẽ nghe họ kể về những chiếc áo này như nghe kể chuyện… cổ tích!
Hiện nay, chắc rằng ở bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên hãy còn trưng bày những tấm áo khố vỏ cây như vậy. Ở Bảo tàng tổng hợp tỉnh Kon Tum vẫn còn lưu giữ mấy bộ áo khố vỏ cây thời kháng chiến sưu tầm được. Có áo đã cũ đen, có bộ còn trong thời kỳ làm thô, tức ngâm chưa rữa hết thịt vỏ cây, còn cứng đơ đơ, đụng nhẹ cũng rụng gãy từng vảy (nếu không có chế độ bảo quản tốt e khó giữ được lâu dài). Có bộ đã được làm “tinh” tức đã được đan bện thành áo, rất mềm mại, màu trắng đục, trông không khác gì một phần chiếc bao tải gai thường dùng đựng gạo trước đây (trước khi bị “thế hệ” bao bì ni lông lấn át).
Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Hãy tưởng tượng trong một thời gian dài, rất dài, những tấm áo khố vỏ cây đơn sơ nhưng kỳ công ấy đã chắn rét che sương cho bao nhiêu bộ tộc Trường Sơn-Tây Nguyên, đã giúp cho bao nhiêu cán bộ, dân quân một thời nằm gai nếm mật quyết tâm kháng chiến thành công. Và như thế, nó cũng đã… đi vào lịch sử đấy chứ! Không những vậy, nó còn đi vào văn học nghệ thuật một thời nữa! Cụ thể, cảm xúc từ đấy mà nhà thơ Hà Giao (tên thật Đặng Phùng Mãi), nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà báo tỉnh Bình Định (đã mất) đã có cả một trường ca lấy tên “Tấm áo vỏ cây” do Nhà Xuất bản Thanh Niên ấn hành.
Ngày nay nghe nói đến áo khố vỏ cây mọi người đều cho là món đồ lạ, rất háo hức kiếm tìm để “mục sở thị” thỏa tính tò mò. Thì đấy, mời các bạn đến với các bảo tàng ở khu vực Tây Nguyên để xem lại một sản phẩm độc đáo của thời… “tiền sử”! Những tấm áo thô sơ đến độ không thể nào “thô” hơn được nữa ấy, nếu đem so với lụa tơ gấm đoạn, nhưng ngày xưa đã vô cùng cần thiết và ngày nay lại vô cùng quý hiếm, mang một giá trị khác, một ý nghĩa đặc biệt khác.
 TẠ VĂN SỸ

Có thể bạn quan tâm