(GLO)- Sau khi tiếp nhận, xem xét “Đơn xin cầu cứu khẩn cấp” của vợ chồng bà Lê Thị Sa-ông Nguyễn Văn Thể, ở làng Nang, xã Ia Sao, huyện Ia Grai và Bản án dân sự sơ thẩm (DSST) số 02 ngày 2-6-2011 của Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Ia Grai “về việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản”; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh-ông Nguyễn Văn Quân đã ký Quyết định số 05 ngày 12-7-2013, kháng nghị Bản án DSST số 02 nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm. Quyết định này nêu rõ: 1. Đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử theo hướng hủy Bản án DSST số 02 và đình chỉ giải quyết vụ án. 2. Tạm đình chỉ thi hành Bản án DSST số 02 này để chờ kết quả xét xử Giám đốc thẩm.
Bản án DSST số 02 ngày 2-6-2011 của TAND huyện Ia Grai đã áp dụng các Điều 305, 471, 473, 474, 477 của Bộ luật dân sự và căn cứ Điều 128, Điều 131 của Bộ luật tố tụng dân sự xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn là bà Mai Thị Quỳnh Lan, ở tổ 11, phường Yên Thế, TP. Pleiku. Buộc bà Sa-ông Thể phải trả cho bà Lan gần 98 triệu đồng (cả nợ gốc và tiền lãi). Buộc bà Sa-ông Thể phải chịu gần 5 triệu đồng án phí…
Bà Sa và con gái (Nguyễn Thị Bích Giang) đi cầu cứu khẩn cấp. Ảnh: H.C |
Lật lại hồ sơ vụ án thấy rõ: Đơn khởi kiện của bà Lan đề ngày 29-7-2010, nhưng con dấu công văn đến do TAND huyện Ia Grai đóng lại ghi ngày 20-7-2010. Như vậy, TAND huyện này đã nhận đơn khởi kiện của bà Lan trước khi bà Lan có đơn khởi kiện 9 ngày. Hơn nữa, căn cứ vào khoản 1, Điều 477 của Bộ luật dân sự thì bà Lan chưa thông báo cho bà Sa một thời gian hợp lý để bà Sa thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà đã vội vã làm các thủ tục khởi kiện là chưa đủ điều kiện để khởi kiện.
Phần “Nhận thấy” của Bản án DSST số 02 nêu: “Trong quá trình giải quyết vụ án, mặc dù TAND huyện Ia Grai đã nhiều lần triệu tập hợp lệ nhưng bị đơn không tôn trọng pháp luật, không đến Tòa án để giải quyết vụ án nên Tòa không lấy được lời khai để xác định rõ ý kiến, yêu cầu của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn” là không đúng với các tình tiết, chứng cứ có trong hồ sơ, vì: Tòa án niêm yết các văn bản tố tụng chưa đảm bảo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 154 của Bộ luật tố tụng dân sự. Mặt khác nhiều văn bản tố tụng bị sửa chữa ngày, tháng, năm nên không đủ căn cứ pháp lý, cụ thể là: Thông báo hòa giải số 01 ngày 21-10-2010 chỉ niêm yết tại TAND huyện Ia Grai và tại nhà bà Sa-ông Thể, không niêm yết công khai tại UBND xã Ia Sao. Thông báo hòa giải số 02 ngày 18-1-2011, Tòa án niêm yết tại UBND xã Ia Sao 2 lần, trong đó có 1 lần ghi thêm và sửa ngày 18 thành ngày 19. Quyết định hoãn phiên tòa số 02 ngày 5-5-2011 chỉ niêm yết tại nhà bà Sa-ông Thể, không niêm yết tại UBND xã Ia Sao…
Một mình bà Sa ký tên trong giấy vay mượn tiền của bà Lan 84.153.000 đồng vào ngày 4-2-2008 (sửa thành năm 2009) và 6,5 triệu đồng vào ngày 10-9-2009, ông Thể không ký tên. Tòa án chưa xác định rõ việc quan hệ vay mượn tiền của bà Sa có nhằm “đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình” theo quy định tại Điều 25, Luật Hôn nhân và Gia đình hay không, đã vội tuyên buộc ông Thể-bà Sa phải trả số nợ trên cho bà Lan là thiếu căn cứ và không đúng các quy định của pháp luật.
Trong 2 giấy bà Sa vay mượn của bà Lan 84.153.000 đồng vào ngày 4-2-2008 (sửa thành năm 2009) và 6,5 triệu đồng vào ngày 10-9-2009 đều không ghi thỏa thuận lãi suất, không ghi thời gian trả nợ. Tòa án chỉ lấy lời khai của nguyên đơn (bà Lan) để buộc bị đơn (bà Sa-ông Thể) phải chịu 6.850.007 đồng lãi suất cơ bản từ ngày 1-8-2010 đến ngày xét xử (2-6-2011) là chưa đủ căn cứ và không đúng với các quy định tại khoản 4, Điều 474 và khoản 1, Điều 477 của Bộ luật dân sự; gây thiệt hại đối với bị đơn.
Những vi phạm nêu trên đã được làm rõ trong Quyết định số 05 ngày 12-7-2013 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Hy vọng thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ giải quyết đúng đắn sự vụ này, trả lại nhà ở và tài sản đã tổ chức thi hành án cho gia đình bị đơn, chấm dứt “Thảm cảnh sau những vụ cưỡng chế” (Báo Gia Lai đã đăng ngày 10-6-2013).
Hoàng Cư