Mộ cổ nghìn năm chứa mặt nạ ngọc bích của vua Maya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các nhà khảo cổ tìm thấy ngôi mộ 1.000 năm của vua Maya với mặt nạ ngọc bích và hài cốt sơn màu đỏ chu sa.
 

Mặt nạ ngọc bích sơn đỏ của vua Maya.
Mặt nạ ngọc bích sơn đỏ của vua Maya.

Ngôi mộ của vua Maya được khai quật ở di chỉ El Perú-Waka' nằm trong rừng mưa nhiệt đới phía bắc Guatemala, Live Science hôm qua đưa tin. Dù thành phố cổ đại là nơi tọa lạc của hàng trăm công trình, bao gồm các kim tự tháp, cung điện, quảng trường và nhà ở, ngôi mộ chỉ được phát hiện vào thập niên 1960 khi các công nhân xăng dầu vô tình tìm thấy tàn tích.

Di chỉ El Perú-Waka' là nơi sinh sống của người dân dưới thời Maya cổ đại (từ năm 200 đến 800) và có quan hệ gần gũi với hai thành phố Tikal và Calakmul ở lân cận. Một gia đình hoàng tộc giàu có từng cai quản Waka' và kiểm soát tuyến đường thông thương quan trọng dọc sông San Pedro.

Nhóm nhà khảo cổ học người Mỹ và Guatemala tiến hành khai quật Waka' từ năm 2003. Họ tìm thấy nơi chôn cất của nhiều vị vua và nữ hoàng cùng với một số hài cốt nhiều khả năng là tế phẩm.

 

Mộ vua Maya được các nhà khảo cổ học khai quật.
Mộ vua Maya được các nhà khảo cổ học khai quật.

Trong phát hiện gần đây nhất vào mùa hè năm ngoái, các nhà nghiên cứu đào hầm bên dưới cấm thành bao quanh cung điện của thành phố và tìm ra ngôi mộ hoàng gia được cho là lâu đời nhất tại di chỉ. Dựa theo kiểu dáng đồ gốm sứ trong mộ, họ cho rằng thời gian chôn cất nằm trong khoảng năm 300 - 350.

David Freidel, giáo sư nhân chủng học ở Đại học Washington tại St. Louis đồng chỉ đạo cuộc khai quật, cho biết mộ vua Maya góp phần biến cung điện hoàng gia trở thành nơi linh thiêng đối với vương triều Wak.

Freidel và đồng nghiệp nhận định ngôi mộ chắc chắn thuộc về một vị vua do mặt nạ bằng ngọc bích sơn đỏ minh họa vua Maya giống như Thần Ngô, với phần trán khắc biểu tượng có nghĩa là "màu vàng" và "quý giá" trong tiếng Maya cổ đại.

Ngôi mộ cũng chứa một số bình gốm, vỏ sò và mặt dây chuyền cá sấu. Mộ từng được mở ra ít nhất một lần vào sau năm 600 để thế hệ sau sơn lại hài cốt của nhà vua bằng màu đỏ chế từ chu sa.

Dù không có chữ khắc trong mộ tiết lộ danh tính vị vua, nhóm của Freidel kết luận đó có thể là vua Te' Chan Ahk, một vị vua nổi tiếng của vương triều Wak trị vì vào đầu thế kỷ 4.

Phương Hoa/VNE

Có thể bạn quan tâm