Miệt vườn trên cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhắc đến “miệt vườn”, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những vườn cây ăn trái trĩu quả ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
 
Vườn sầu riêng của gia đình ông Khiêm. Ảnh: Đức Nhật
Vì thế, những “miệt vườn” trên cao nguyên lộng gió Kon Tum thời gian gần đây luôn thu hút khách bởi sự “lạ lẫm”, thú vị.
Hơn 10 năm trước, sau khi đi du lịch miệt vườn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, ông Phạm Văn Khiêm (xã Ia Chim, TP.Kon Tum) bị thu hút và lên kế hoạch xây dựng một miệt vườn trên Tây nguyên. Về đến nhà, ông Khiêm mạnh dạn bỏ ra 200 triệu để trồng, chăm sóc khu vườn sầu riêng rộng hơn 2 ha nhằm thực hiện ước mơ của mình.
Ông Khiêm tâm sự, vườn sầu riêng của ông có hơn 220 cây với 2 loại giống của Việt Nam và Thái Lan. Ban đầu ông tự mày mò nghiên cứu quy trình trồng, chăm sóc.
Tuy nhiên, kỹ thuật trồng không đúng cách khiến vườn sầu riêng cứ còi cọc chẳng lớn nổi. Không chịu thất bại, ông khăn gói đến các vườn sầu riêng trong tỉnh để học hỏi kinh nghiệm; rồi tự tìm tòi, học hỏi kỹ thuật qua các buổi tập huấn và đúc rút kinh nghiệm riêng cho quá trình trồng, chăm sóc.
Vườn sầu riêng của gia đình ông Khiêm được trồng hoàn toàn bằng ứng dụng công nghệ sạch như dùng phân hữu cơ, tưới nước tự động, không dùng hóa chất... Do vậy, trái sầu riêng luôn đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. “Sản xuất theo công nghệ sạch, thân thiện mới môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng là tiêu chí được tôi đặt lên hàng đầu nhằm hướng tới thị trường ổn định, bền vững...”, ông Khiêm chia sẻ.
Khi vườn sầu riêng bắt đầu trĩu quả cũng là lúc “miệt vườn” của ông Khiêm mở cửa đón khách. Tò mò về cái miệt vườn ở Tây nguyên, không ít người đến tận nơi để được ngắm cảnh, thưởng thức sầu riêng ngay trong vườn. Đến nay, mỗi năm vườn sầu riêng của ông Khiêm cho thu hoạch từ 25 - 30 tấn quả/2 ha, tạo thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Cũng ở TP.Kon Tum, nhưng ông Nguyễn Xuân Tiên (thôn 3, xã Hòa Bình) lại “khởi nghiệp” với việc trồng chôm chôm để làm du lịch. 5 năm trước, khi xem ti vi thấy người dân ở đồng bằng sông Cửu Long làm miệt vườn trái cây đẹp quá nên ông rất mê. Tính toán vốn đầu tư, ông nhận thấy cây chôm chôm vừa dễ trồng, năng suất cao. Khi quả chín đỏ đan xen với màu xanh của lá nhìn rất đẹp, ấn tượng, chụp ảnh hay quay phim lên hình nhìn “chết mê” nên ông quyết định trồng chôm chôm để làm miệt vườn du lịch.
Lặn lội vào tận Đồng Nai mua 60 cây giống chôm chôm về trồng trên diện tích 1 ha, ông Tiên gần như dành hết thời gian, tâm huyết vào vườn cây. Sau ba năm, cây chôm chôm đã không phụ công người, sinh trưởng nhanh, ra hoa đậu trái tốt. Khi chôm chôm cho quả, vào mùa chín, ông Tiên bắt đầu mở vườn để k đến tham quan, chụp ảnh. Mỗi người đến vườn, ông thu 30.000 đồng.
 
Ông Tiên trong vườn chôm chôm trĩu quả chuẩn bị đón khách. Ảnh: Đức Nhật
Khách muốn ăn trái hái ngay tại vườn thì không lấy tiền nhưng khách có nhu cầu mua về thì tính giá theo thị trường. Vì là trái cây sạch nên vườn chôm chôm của gia đình ông Tiên ngày càng được nhiều du khách tìm đến. Không chỉ có du khách trong tỉnh mà du khách các địa phương khác như Đà Nẵng, TP.HCM... cũng đến tham quan, chụp ảnh, thưởng thức chôm chôm tại vườn.
Ông Tiên khoe với chúng tôi thời gian tới ông sẽ trồng thêm nhiều loại cây khác như cam, bơ, xoài. Ngoài ra ông cũng sẽ đào ao thả cá, nuôi gà thả vườn cho khu vườn phong phú, đa dạng để thu hút khách du lịch đến tham quan, góp phần nâng cao thu nhập.
Đức Nhật (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.