Mang Yang phát huy hiệu quả tín dụng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần đắc lực vào công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Đặng Hoàng Quân-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mang Yang-cho biết: “Tại Mang Yang, số hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm 87,8% tổng số hộ nghèo. Trước tình hình đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH đã bám sát nghị quyết của HĐND huyện trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, định hướng phát triển của Ngân hàng CSXH cấp trên để xây dựng nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động.

Đồng thời, đơn vị tranh thủ mọi nguồn vốn, tích cực thu nợ cho vay quay vòng để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của người dân. Ngoài nguồn vốn của ngân hàng cấp trên phân bổ, giai đoạn 2016-2020, đơn vị đã chủ động tham mưu UBND huyện bố trí ngân sách địa phương hơn 3 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn phục vụ các chương trình tín dụng”.

 Điểm giao dịch tại xã Kon Thụp của Ngân hàng CSXH huyện Mang Yang làm thủ tục giải ngân cho các hộ vay. Ảnh: Thanh Nhật
Điểm giao dịch tại xã Kon Thụp của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mang Yang làm thủ tục giải ngân cho các hộ vay. Ảnh: Thanh Nhật


Cũng theo ông Quân, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội, các xã, thị trấn tuyên truyền sâu rộng về chính sách tín dụng ưu đãi, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả. Đơn vị cũng mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho hơn 250 lượt cán bộ ngoài hệ thống tham gia vào hoạt động tín dụng chính sách; đồng thời, duy trì phục vụ tại 12/12 điểm giao dịch xã, thị trấn, cho vay ủy thác qua 42 hội, đoàn thể xã và 187 tổ tiết kiệm và vay vốn ở 80 thôn, làng.

Doanh số cho vay của Phòng Giao dịch giai đoạn 2016-2020 đạt gần 399 tỷ đồng với hơn 14.060 lượt hộ vay. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến cuối quý I-2021 đạt hơn 275 tỷ đồng (tỷ lệ tăng bình quân hàng năm 10,8%) với 8.118 hộ dư nợ. Trong cơ cấu dư nợ, hộ nghèo chiếm 24,41%, hộ cận nghèo chiếm 25,44%, hộ mới thoát nghèo chiếm 7,2%, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn chiếm 18,89%...

Chất lượng tín dụng được nâng cao, tỷ lệ nợ xấu hàng năm giảm, nguồn vốn giải ngân đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng. Các đối tượng được vay vốn với mức vay nhiều hơn, dư nợ bình quân đạt hơn 33 triệu đồng/hộ. Trong tổng dư nợ qua các tổ chức chính trị-xã hội, chiếm tỷ lệ cao nhất là Hội Phụ nữ với hơn 39% dư nợ ủy thác, tiếp đến là Hội Nông dân chiếm hơn 30%.

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cũng đã phối hợp với địa phương tập trung ưu tiên nguồn vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay giải quyết việc làm. Doanh số cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đạt gần 148,5 tỷ đồng với 5.684 lượt khách hàng; tổng dư nợ đạt gần 97,5 tỷ đồng (chiếm 35,75% dư nợ toàn huyện) với 2.949 khách hàng dư nợ (thuộc các xã Đak Djrăng, Đak Yă, Ayun, Đak Ta Ley). Dư nợ bình quân đạt 24,4 tỷ đồng/xã. Riêng chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã hỗ trợ nguồn lực quan trọng để địa phương thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới.

Nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng đã góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo của huyện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 9,83%, giảm 22,47% so với năm 2016. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ nghèo đã từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

Tiêu biểu như hộ ông Bring (làng Đak Trok, xã Đak Yă). Trước đây, ông Bring được vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng để đầu tư trồng cà phê và mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất và chăn nuôi, kinh tế gia đình ông dần ổn định. Năm 2018, gia đình ông đã thoát nghèo. Ông tiếp tục vay vốn theo chương trình hộ mới thoát nghèo được 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi. Đến nay, nhà ông có đàn bò và dê gần 10 con cùng 1 ha cà phê cho thu nhập ổn định.

 Tham quan các mô hình sản xuất của hộ vay vốn chính sách. Ảnh: Thanh Nhật
Tham quan mô hình sản xuất của hộ vay vốn chính sách. Ảnh: Thanh Nhật


Một trường hợp khác cũng đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách là chị Đơr (làng Kret Krot, xã Hà Ra). Chị Đơr cho biết: “Trước đây, nhà mình chỉ trông chờ vào 6 sào mì, vài con gà và đi làm thuê. Năm 2017, mình được cán bộ xã hướng dẫn vay 40 triệu đồng để trồng 500 cây cà phê. Mình còn được tập huấn kỹ thuật sản xuất. Cuối năm 2019, vườn cà phê đã cho thu bói, năng suất đạt khá, nhà mình hiện có thu nhập ổn định”.

Theo ông Krung Dam Đoàn-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Trưởng ban đại diện Hội đồng Quản trị Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mang Yang: “Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, quan tâm nguồn vốn ngân sách địa phương cho Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH để mở rộng cho vay. Tập trung vốn cho vay vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhằm giúp 100% hộ có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn.

Các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các nội dung ủy thác. Phát huy hơn nữa vai trò Chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đại diện Hội đồng Quản trị Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện trong việc quản lý vốn tín dụng tại cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng tín dụng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả”.
 

 THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.