(GLO)- Từ năm 2016 đến nay, huyện Mang Yang đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo theo hướng đa chiều. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo của huyện đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mang Yang giảm từ 23,95% xuống còn 16,1%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững có những thay đổi, các tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều không chỉ tính đến yếu tố thu nhập mà còn tính cả mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: giáo dục, y tế, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin. Việc áp dụng tiêu chí nghèo đa chiều khiến tỷ lệ hộ nghèo của huyện tăng lên.
Hỗ trợ bò giống cho người nghèo xã Lơ Pang (huyện Mang Yang). Ảnh: Đ.Y |
Cụ thể, qua rà soát, điều tra theo tiêu chí đa chiều, con số này tăng lên 32,3% (tương đương 4.628 hộ) vào đầu năm 2016. Bên cạnh tiêu chí thu nhập, qua rà soát, toàn huyện còn trên 800 hộ thiếu hụt về y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh và không có các phương tiện nghe nhìn.
Ông Nguyễn Hữu Mặc-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Mang Yang, đánh giá: “Việc tiếp cận nghèo đa chiều giúp nhận dạng đối tượng nghèo một cách chính xác, cụ thể hơn, đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách, tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Hơn nữa, thông qua tiếp cận nghèo đa chiều nhằm tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại ở đối tượng thụ hưởng”.
Trên cơ sở này, huyện Mang Yang đã xây dựng Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 4-5%; 100% hộ nghèo có các thành viên thiếu hụt về tiêu chí giáo dục được tạo điều kiện tham gia học tập; 90% hộ nghèo đang ở nhà không đảm bảo được hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới; 90% hộ nghèo do thiếu kiến thức, việc làm, đất, vốn sản xuất được hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức… Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Mang Yang đã kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện, xã, thị trấn. Đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, giúp đội ngũ cán bộ nắm vững hệ thống văn bản, chính sách từ Trung ương đến cơ sở và các kiến thức, kỹ năng để triển khai thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo tại địa phương.
Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm được thực hiện đồng bộ, đúng quy định. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh giúp người dân kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách, chế độ hỗ trợ đối với người nghèo. Đồng thời, nâng cao nhận thức để các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tự giác, nỗ lực học nghề, học tập kinh nghiệm trong sản xuất; chủ động vay vốn đầu tư sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp người nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo; đẩy mạnh các hình thức hỗ trợ người nghèo thông qua giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề gắn với hỗ trợ sản xuất.
Các hoạt động hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và môi trường… được tích cực triển khai, từng bước bù đắp những thiếu hụt trong thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo trên địa bàn.
Với những giải pháp linh hoạt, đồng bộ, đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của huyện Mang Yang giảm còn 20,08%. Là một trong 400 hộ mới thoát nghèo trong năm 2017 của huyện, anh Đinh Liêu (làng Tơ Răh, xã Đak Trôi) kể: “Mình được hỗ trợ vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng để tập trung phát triển 3 sào lúa Ba Chăm và chăn nuôi. Năm 2017, gia đình mình thu được 43 bao lúa/2 sào ruộng (trung bình 46 kg/bao). Cùng với đó, gia đình mình ký kết cung ứng lúa, gạo cho Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai nên đầu ra được đảm bảo, có nguồn thu nhập ổn định. Nhà mình còn trồng 1,3 ha mì cao sản, nuôi 4 con bò lai, mỗi năm thu nhập khoảng 50 triệu đồng nên đã thoát nghèo”.
Tuy nhiên, hiện tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mang Yang vẫn còn trên 88%. Các dịch vụ tiếp cận xã hội của hộ nghèo vẫn còn hạn chế, nhất là dịch vụ nước sạch và môi trường. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất với UBND huyện giải pháp linh hoạt để giúp người nghèo thực hiện đầy đủ các dịch vụ tiếp cận xã hội. Đối với việc nâng cao thu nhập cho người dân, huyện sẽ thông qua các hình thức tuyên truyền để người nghèo ý thức tự vươn lên, mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm. Cùng với đó, huyện sẽ vận dụng các chương trình, dự án của Nhà nước để hỗ trợ trực tiếp, có địa chỉ đến từng hộ nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững”-ông Nguyễn Hữu Mặc nhấn mạnh.
Đinh Yến