Mắc ca Đắk Nông "cháy hàng" dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khoảng 5 năm trở lại đây, mắc ca là đặc sản mới được người dân ở huyện Tuy Đức tự tay sản xuất, chế biến, phân phối ra thị trường. Tết Nguyên đán đang cận kề, nên dù các cơ sở sản xuất mắc ca ở Đắk Nông đã chạy hết công suất vẫn không đáp ứng xuể nhu cầu người tiêu dùng.
 
Các cơ sở chế biến mắc ca ở Đắk Nông tăng ca sản xuất phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: Phan Tuấn
Các cơ sở chế biến mắc ca ở Đắk Nông tăng ca sản xuất phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: Phan Tuấn
Sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức, hiện nay, toàn huyện có hơn 1.400ha mắc ca các loại. Trong đó, có khoảng 700ha mắc ca bắt đầu bước vào thời kỳ cho thu hoạch, chiếm khoảng 50% tổng diện tích.
Khi cây mắc ca bước vào thu hoạch thì trên địa bàn huyện cũng đã xuất hiện khoảng 7 công ty, hợp tác xã tham gia chế biến sâu hạt mắc ca. Các cơ sở sản xuất ở đây chủ yếu tạo ra các sản phẩm như mắc ca sấy khô, sữa mắc ca, kẹo mắc ca… 
Thực tế thị trường hạt mắc ca cho thấy, sản phẩm này rất dễ tiêu thụ, doanh nghiệp sản xuất chừng nào thì người tiêu dùng tiêu thụ chừng đó. Vào dịp tết, rất nhiều người có nhu cầu mua mắc ca nhưng mặt hàng này thường xuyên rơi vào tình trạng "cháy hàng".
Như Công ty TNHH MTV mắc ca Tuy Đức, ở xã Đắk Búk So khoảng 1 tháng trở lại đây đã nhận được đơn đặt hàng của hàng nghìn người dân ở trong và ngoài tỉnh. Mặc dù, công ty đã tuyển thêm nhân lực, tăng ca sản xuất cả ngày lẫn đêm nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
"Ước tính trong một tháng Tết, công ty chúng tôi chỉ chế biến, cung cấp cho người tiêu dùng khoảng 10 tấn mắc ca sấy khô. Có nhiều người đặt hàng muộn, công ty phải từ chối vì không đủ nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu thị trường” a Anh Hà Tấn Phanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV mắc ca Đắk Nông, cho biết. 
Chia sẻ về vấn đề này, ông Kiều Quí Diện - Phó Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tuy Đức - cho biết: "Mắc ca là sản phẩm “cây nhà lá vườn” do người dân địa phương tự tay trồng và chế biến được khoảng 5 năm nay. Chúng tôi rất phấn khởi bởi cây mắc ca tương đối dễ trồng, phù hợp cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số tham gia".
Theo ông Diện, qua khảo sát thực tế, nhu cầu của người dân sử dụng mắc ca tương đối lớn song nguồn nguyên liệu đầu vào còn hạn chế. Thế nên năm nào cũng vậy, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, đặc sản mắc ca của huyện Tuy Đức  thường xuyên rơi vào tình trạng “cháy hàng”.
"Trong bối cảnh nhiều cây trồng đang bí đầu ra nhưng hạt mắc ca lại được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng là một tín hiệu vui cho nông dân huyện Tuy Đức” - ông Diện phấn khởi. 
Cần khảo nghiệm, đánh giá
Cũng theo ông Diện, khoảng 5 trở lại đây, cây mắc ca đang từng bước khẳng định vị thế là cây đặc sản hàng đầu ở địa phương. Thế nhưng, sau hơn 10 năm du nhập vào địa phương, loại cây trồng này cho quả không đồng đều. Nguyên nhân là người dân địa phương không chỉ trồng ở nhiều địa hình khác nhau mà còn sử dụng nhiều dòng giống, chủng loại khác nhau.
Mặt khác, do có lợi nhuận và đầu ra rộng mở nên hàng năm trên địa bàn huyện Tuy Đức, người dân đã liên tục mở rộng diện tích, bình quân hơn 100ha mắc ca. Tuy nhiên, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức, bên cạnh mặt tích cực, địa phương đang có những trăn trở về cây mắc ca.
Bởi vì, loại cây trồng này chưa được khảo nghiệm, đánh giá một cách khoa học về giống cây trồng cho từng tiểu vùng khí hậu khác nhau. Do đó, không thể áp dụng đại trà một dòng giống cho nhiều tiểu vùng khí hậu. Đặc biệt, khi hàng nghìn ha mắc ca cho trái, sản lượng nhiều lên thì địa phương cũng cần tìm nguồn đầu ra lâu dài, bền vững cho loại cây trồng này.
PHAN TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.