'Lùm xùm'ở cà phê Trung Nguyên: Án có hiệu lực sao chưa thể thực thi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Từ lâu, giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo xảy ra một số tranh chấp trong việc điều hành hoạt động của cà phê Trung Nguyên. Cho đến nay, những “lùm xùm” trong việc tranh chấp giữa bà Thảo và ông Vũ vẫn chưa đến hồi kết.
 
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Bỗng dưng tước quyền của vợ
Từ những mâu thuẫn đó, tiến tới việc họ đưa nhau ra tòa án để ly hôn, rồi hai bên tố cáo, khởi kiện lẫn nhau trong một số vụ án khác. Có thể nói, đỉnh điểm mâu thuẫn là khi ông Vũ ký văn bản miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc thường trực của bà Thảo tại Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên.
Trước đó, ngày 8/5/2006, bà Thảo được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc - có quyền quản lý Trung Nguyên theo ủy quyền của ông Vũ. Dưới sự điều hành của nữ doanh nhân này, vốn điều lệ của công ty tăng từ 150 tỷ đồng lên 2.500 tỷ, doanh thu và lợi nhuận hàng năm đều tăng mạnh.
Đến tháng 7/2014, ông Vũ tự ý ban hành quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc của bà Thảo mà không được Hội đồng quản trị thông qua. Ông Vũ cũng chỉ đạo nhân viên đập bỏ phòng làm việc của vợ, khiến email của bà Thảo bị mất dữ liệu, ngăn cản không cho bà vào trụ sở công ty...
Ngoài ra, ông Vũ còn không cho phép bà Thảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu 10% vốn điều lệ cũng như thành viên HĐQT của công ty này.
Sau nhiều lần bà Thảo muốn gặp gỡ để giải quyết mâu thuẫn nhưng không thành, bà đã phải khởi kiện ra tòa, đề nghị tòa án xem xét hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc của mình, buộc ông Vũ không được ngăn cấm, cản trở việc bà tham gia điều hành, quản lý công ty...
Quá trình giải quyết vụ án, TAND TP HCM nhiều lần hòa giải nhưng không thành. Ngày 22/9/2017, HĐXX sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, tuyên hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc của bà Thảo, khôi phục lại chức danh cho bà Thảo; đồng thời Tòa yêu cầu ông Vũ không được cản trở vợ tham gia điều hành, quản lý công ty với tư cách thành viên HĐQT cũng như Phó Tổng giám đốc.
Cho rằng bản án sơ thẩm của TAND TP HCM có nhiều sai phạm, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình và công ty, ông Vũ và tập đoàn Trung Nguyên đã kháng cáo. Trong đơn, ông Vũ đề nghị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết đề nghị của bà Thảo.
Phía tập đoàn Trung Nguyên kháng cáo cho rằng, nội dung khởi kiện của bà Thảo không phải là tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa, mà là tranh chấp thuộc nội bộ công ty.
Ngày 20/9/2018, TAND cấp cao tại TP HCM đã mở phiên tòa xem xét kháng cáo của bị đơn Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên) do không đồng ý với bản án sơ thẩm.
Tại tòa, đại diện theo ủy quyền của ông Vũ khẳng định không có việc ông này ngăn cấm, cản trở bà Thảo điều hành công ty. "Các cuộc họp HĐQT và Đại hội cổ đông bà Thảo đều được mời tham gia. Một số công việc của bà Thảo được ủy quyền đã hết hạn, Tổng giám đốc công ty chưa tiếp tục ủy quyền hay gia hạn giấy ủy quyền", đại diện của ông Vũ trình bày.
Căn cứ vào quá trình thẩm vấn tại tòa và tài liệu có trong hồ sơ vụ án, HĐXX phúc thẩm cho rằng "không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên" nên giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo đó, quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc của bà Thảo sẽ được hủy bỏ, ông Vũ không được ngăn cấm, cản trở quyền điều hành, quản lý của bà Thảo.
Bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng đến bao giờ mới được thực thi?
Theo quy định của pháp luật, bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Các đương sự, các cơ quan, tổ chức liên quan phải chấp hành nghiêm túc các quyết định của HĐXX…
Tuy nhiên, theo bà Diệp Thảo, ngay sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, bà trở về Trung Nguyên với vai trò Phó tổng giám đốc thường trực một cách hợp pháp. Nhưng mỗi khi bước vào trụ sở tập đoàn, bà luôn bị một lực lượng manh động, ngăn cản thô bạo không cho bà vào, ngay cả khi đi cùng  trưởng Công an phường.
Do đó, ngày 29/9 bà Thảo đã gửi đơn đến Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM yêu cầu tổ chức thi hành bản án phúc thẩm đã tuyên.
 
Đơn yêu cầu thi hành án của bà Thảo
Bản án phúc thẩm ngày 20/9/2018 ghi nhận rõ ràng sự thỏa thuận giữa các đương sự liên quan, đó là: “Cty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đồng ý cung cấp báo cáo tài chính liên quan đến hoạt động của Cty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên của các năm trước đây và đến thời điểm hiện tại; cung cấp Điều lệ, các Biên bản họp, Nghị quyết của Hội đồng quản trị, Đại hội cổ đông của Cty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên theo quy định của pháp luật cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo; ông Đặng Lê Nguyên Vũ với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng ý triệu tập các cuộc họp Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông (thường niên và bất thường) theo quy định của pháp luật”… (trích bản án phiên tòa phúc thẩm ngày 20/9/2018).
Như vậy, cho đến thời điểm này đã hơn 2 tháng kể từ ngày bản án của TAND cấp cao tại TP HCM có hiệu lực pháp luật nhưng các nội dung của bản án này vẫn chưa được thực thi, dù phía bà Thảo đã có đơn yêu cầu được thi hành án.
“Tôi rất bức xúc khi không thể thực hiện các quyền hợp pháp của mình đã được pháp luật công nhận. Tôi cũng không hiểu vì sao các cơ quan chức năng không thể tổ chức thi hành án cho dù tôi đã làm đầy đủ các bước theo luật định”… bà Thảo nói.
 Lam Hồng (Phụ nữ Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.