Một “ông trùm gas phía Bắc” biệt danh H. “lác” đã đứng sau, lôi kéo một số doanh nghiệp kinh doanh gas và thành lập nên “Hiệp hội Gas Đắk Lắk”. Hiệp hội này hoạt động bất hợp pháp, lũng loạn, chi phối giá gas, “móc túi” người tiêu dùng và sẵn sàng “xử” các đơn vị kinh doanh gas nào không tuân theo “luật"
riêng của Hiệp hội.
Chưa được cấp phép nhưng Hiệp hội Gas Đắk Lắk vẫn thu tiền của các đơn vị là sai quy định. Ảnh: ND
Theo tìm hiểu của phóng viên, mấy tháng nay ở tỉnh Đắk Lắk, một số cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh gas đã thành lập một tổ chức với tên gọi “Hiệp hội Gas Đắk Lắk”. Điều đáng nói là, Hiệp hội này hoạt động khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép và danh tính của người đứng đầu tổ chức này đang là một bí mật.
Hiệp hội Gas Đắk Lắk tự “đẻ” ra quy định và chế tài xử lý để ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh lành mạnh. Mặt khác, họ còn tiến hành tự phát tem và yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh gas phải dán tem đè lên van bình chứa khí gas, nơi dán tem của nhà sản xuất đã đăng ký thương hiệu. Hiệp hội này thu phí 5.000 đồng/tem, dẫn đến làm tăng giá gas so với thị trường. Chiếc tem là một dấu hiệu nhận biết bình (chai) gas nào đã được “bảo kê” hay
chưa.
Những bình gas (chai LPG) bắt đầu bán ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ tháng 7/2019 bắt buộc phải dán tem Hiệp hội Gas Đắk Lắk (trong ô màu tròn đỏ có lô gô Hiệp hội) nếu không sẽ bị xử phạt. Ảnh: ND
Thủ đoạn của “hiệp hội ma”
Sau nhiều ngày thâm nhập thực tế, tiếp xúc với nhiều người trong cuộc, phóng biên Báo Thanh tra đã thu thập được một số tài liệu cũng như cách thức hoạt động của "hiệp hội bất hợp pháp” này.
Tại biên bản hợp tác thành lập "Hiệp hội Gas Đắk Lắk” được gửi tới các thành viên là các công ty kinh doanh sang chiết gas, các tổng đại lý gas, cùng các cửa hàng bán lẻ gas trên toàn tỉnh Đắk Lắk được ghi tháng 5/2019, ghi rõ:
Mục đích thành lập Hiệp hội Gas là: Xây dựng giá bán, thống nhất giá bán trên cơ sở tuân thủ pháp luật và đảm bảo lợi ích hội viên; bảo vệ quyền lợi về sản lượng, thị trường của tất cả thành viên trong Hiệp hội; giải quyết tranh chấp của các hội viên dựa trên các quy định của Hiệp hội.
Hội sẽ có 1 hội trưởng, 3 hội phó. Hội trưởng và tất cả các chức danh đều được trả lương theo quy định dựa trên hiệu quả công việc. Trách nhiệm của Hiệp hội là theo dõi sản lượng của từng hội viên và toàn thị trường để đảm bảo việc hoàn thành sản lượng mà hội viên đã đăng ký trên cơ sở tất cả cùng hoàn thành hoặc cùng tăng giảm sản lượng. Giám sát việc dán tem Hiệp hội của từng hội viên trên các bình gas; xây dựng giá bán cho từng đối tượng khách hàng, từng khu vực. Bảo vệ hội viên trước sự cạnh tranh của các đơn vị kinh doanh gas không nằm trong Hiệp hội cũng như giải quyết tranh chấp của các hội viên. Đặc biệt là Hiệp hội thay mặt hội viên giải quyết các vấn đề đối ngoại. Được phép kiểm tra việc tuân thủ quy định của hội viên vào bất kỳ thời gian nào. Xử phạt hội viên vi phạm các quy định của hội.
Tất cả các hội viên phải đăng ký sản lượng tiêu thụ với Hiệp hội; các hội viên phải báo cáo sản lượng tiêu thụ hàng ngày với Hiệp hội để theo dõi sản lượng tiêu thụ của từng hội viên; hội viên không được bán thêm thương hiệu gas ngoài khác để thay thế thương hiệu gas đã đăng ký. Hội viên ở phân khúc tiêu thụ nào thì bán theo giá ở phân khúc đó.
Về tài chính: Hiệp hội thu 5.000 đồng/tem để làm kinh phí hoạt động của Hội (tem sẽ do Hiệp hội phát hành và quản lý). Ngoài ra, các hội viên khi đăng ký sản lượng tiêu thụ hàng tháng sẽ phải đóng thêm 200.000 đồng/một tấn để đảm bảo việc tuân thủ các quy định của Hiệp hội. Các hội viên phải báo cáo trung thực và chính xác nhất cho Hiệp hội về sản lượng tiêu thụ hàng ngày trước 8h sáng ngày hôm sau.
Quy định về xử phạt: Tất cả các vi phạm sẽ bị xử phạt bằng tiền. Ví dụ: Không dán tem Hiệp hội trên bình gas phạt 2%/bình; không báo cáo sản lượng hàng ngày phạt 20%/ngày; bán vượt quá sản lượng phân bổ với Hiệp hội phạt 20%. Ngoài ra, nếu chậm nộp phạt thì sẽ bị tính tiền chậm nộp 10%/ngày…
Trong phần thành viên của Hiệp hội thì chỉ ghi: Mọi tổ chức, cá nhân đang kinh doanh gas tại thị trường Đắk Lắk, Đắk Nông đều có thể tham gia Hiệp hội và không có câu nào ghi là sự tự nguyện tham gia.
Theo xác minh, từ đầu tháng 7/2019, Hiệp hội này bắt đầu bán tem với giá 5.000 đồng/tem và yêu cầu tất các các hội viên phải dán lên bình gas khi bán cho người tiêu dùng.
Phóng viên đã đến rất nhiều cơ sở kinh doanh gas và ghi nhận loại tem này. Một số chủ cơ sở kinh doanh gas tiết lộ, việc xuất hiện Hiệp hội Gas này xuất phát từ “ông trùm gas miền Bắc” có biệt danh là H. "lác”.
Theo thông tin được chia sẻ, trước đó ở Đắk Lắk, các doanh nghiệp kinh doanh gas đều hoạt động kinh doanh lành mạnh, tuân thủ pháp luật và thường có sự hỗ trợ nhau. Tuy nhiên, từ khi “ông trùm” H. “lác” “thò tay” vào thị trường này, nhiều mưu mô, nhiều “thói hư tật xấu” xuất hiện. Thay vì cạnh tranh lành mạnh, thì H. “lác” lôi kéo một số doanh nghiệp thành một nhóm, sẵn sàng ứng xử kiểu côn đồ, “xã hội đen”, mà ở Đắk Lắk giới kinh doanh gas thường gọi là kiểu hành xử “bụi đời”.
Chủ một cơ sở kinh doanh gas ở Đắk Lắk bức xúc: “Nếu là "Hiệp hội" thì phải dựa trên sự tự nguyện tham gia của các hội viên, nhưng ở đây là ép buộc chúng tôi phải tham gia bằng cách đe dọa, ép buộc như: Dùng dân “bụi đời” đi chèn ép xe chở gas của chúng tôi đến các cửa hàng, cũng như lúc chúng tôi chở hàng đến nhà dân; gọi điện liên tục vào số máy các đại lý gas của chúng tôi khiến khách hàng không thể liên lạc được vì máy liên tục bận”.
Giới kinh doanh gas ở địa phương cho hay, địa bàn Đắk Lắk khá rộng, đông dân cư, sản lượng gas tiêu thụ một tháng gần 2.000 tấn, nếu chiết vào bình cũng như đóng sản lượng đầu tấn thì số tiền “Hiệp hội” thu được sẽ khoảng 1 tỷ đồng/một tháng.
“Cửa hàng nhà tôi đang kinh doanh bình thường như này nếu phải đóng thì mỗi tháng tôi mất khoảng 43 triệu đồng, vị chi cả năm là 500 triệu đồng. Vậy khác gì chúng tôi làm cho họ hưởng?”, chủ một cửa hàng gas nói.
Các đơn vị kinh doanh buộc phải mua tem và dán nếu muốn được kinh doanh yên ổn vì người của Hiệp hội giám sát 24/24. Ảnh: ND
Bất hợp pháp
Ông Bùi Hồng Quý, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định, chưa có Hiệp hội Gas nào được cơ quan Nhà nước công nhận ở địa bàn tỉnh. “UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban 389 của tỉnh cũng như lực lượng quản lý thị trường (QLTT) để tìm hiểu việc này”, ông Quý cho hay.
Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng phòng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Đắk Lắk khẳng định, đến thời điểm hiện tại không có cái gọi là “Hiệp hội Gas Đắk Lắk” nào được cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh. “Nếu có tổ chức, cá nhân nào đứng ra tổ chức hoạt động là sai quy định của pháp luật vì chưa được cơ quan chức năng cấp phép”, ông Lưu khẳng định.
Lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk cũng khẳng định “Hiệp hội” này không có tư cách pháp lý. “Nếu xảy ra trường hợp ép buộc các thành viên hoặc các đơn vị sản xuất kinh doanh là sai”, lãnh đạo Cục nói.
Phóng viên Báo Thanh tra đã tìm đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk để cung cấp chứng cứ, đề nghị Hội khẩn trương vào cuộc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội cho biết, chưa biết đến sự tồn tại của “Hiệp hội Gas Đắk Lắk". "Chúng tôi sẽ kiểm tra và kiến nghị xử lý".
Ngày 16/7, phóng viên đã cung cấp thông tin cho lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk cũng như các cơ quan chức năng khác về “Hiệp hội Gas Đắk Lắk" đang gây lũng loạn thị trường gas, nhưng diễn biến các ngày sau đó thể hiện các đơn vị chưa có động thái tích cực xử lý thông tin.
Thậm chí, ngày 26/7, phóng viên đã trực tiếp mời vị quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk cùng đi mục sở thị trụ sở của “Hiệp hội” đóng tại một căn nhà trên đường Nguyễn Biểu, TP Buôn Ma Thuật để xem hoạt động diễn ra như nào thì vị này nói “để tôi cho anh em đi kiểm tra”.
Để tiện cho việc xác minh và thu thập chứng cứ của Cục QLTT, phóng viên Báo Thanh tra đã nhập vai hộ kinh doanh gas, đến địa chỉ trên nộp hộ tiền cho một cửa hàng với số tiền 5.000.000 đồng vào “Hiệp hội”. Đáng tiếc là phóng viên không thấy cán bộ Cục QLTT xuất hiện.
Một điều khá khó hiểu là chiều cùng ngày, phóng viên có liên hệ lại với lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk về kết quả kiểm tra trụ sở của “Hiệp hội Gas Đắk Lắk", thì vị này nói hôm nay là thứ 6 cuối tuần, để thứ 2 tuần sau sẽ kiểm tra.
Tuy nhiên, tối cùng ngày, phóng viên nhận được thông tin: “Hiệp hội chui” yêu cầu các đơn vị dừng dán tem từ thứ 7. Kiểm tra trên thực tế, sự việc diễn ra trùng khớp.
Như vậy, khả năng cao “hiệp hội chui” đã nhận được “mật báo” về việc có thể bị kiểm tra. Hai lãnh đạo Cục QLTT mà phóng viên thường xuyên liên hệ, cung cấp thông tin là ông Giao Thanh Tùng - quyền Cục trưởng và ông Trương Văn Nhương - Cục phó.
Nam Dũng-Thành Nam (Thanh tra)