Lời nói vần của người Ê Đê ở Đắk Lắk trở thành di sản phi vật thể quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trong kho tàng văn hóa dân gian, lời nói vần của người Ê Đê ở huyện Cư M'gar ( Đắk Lắk ) là một thể loại văn học đầy chất trữ tình. Hiện nay, nét đặc trưng văn hóa này của người Ê Đê đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống của người Ê Đê. Ảnh: Phan Tuấn

Lễ hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống của người Ê Đê. Ảnh: Phan Tuấn

Lời nói vần, tiếng Ê Đê gọi là “Klei duê”. Trong đó, “Klei” có nghĩa là lời nói, “Duê” có nghĩa là nối kết. Klei duê là lời nói có sự nối kết với nhau bằng các âm tiết cùng vần hoặc bằng từ có các âm tiết tương đồng.

Trước kia, lời nói vần xuất hiện khá phổ biến trong đời sống và sinh hoạt văn hóa của người Ê Đê. Lời nói vần với những câu chữ ngắn dài được nối kết với nhau một cách hợp lý bằng vần điệu khá nhuần nhuyễn và sinh động. Chính điều này sẽ giúp cho người nghe có thể tiếp thu nhanh chóng và nhớ lâu.

Trong đời sống của người Ê Đê, loại hình này có mặt trong tất cả thể loại văn học dân gian như: Truyện cổ tích (klei đưm), lời khấn thần (riu yang), câu đố (klei mđăo), khan, kứt, eirei.

Lời nói vần không bắt buộc không gian diễn xướng, có thể sử dụng trong lúc nghỉ ngơi sau giờ làm nương rẫy, khi đi lấy nước, khi bên ché rượu cần và khi anh em, bạn bè gặp gỡ tâm tình, cũng như lúc người già răn dạy con cháu...

Người Ê Đê chế biến các món ăn truyền thống. Ảnh: Phan Tuấn

Người Ê Đê chế biến các món ăn truyền thống. Ảnh: Phan Tuấn

Đặc biệt, phần lớn lời nói vần của người Ê Đê là những lời tâm tình của trai gái yêu nhau.

Chất liệu để tạo ra lời nói vần về tình yêu nam nữ gắn liền với khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống thường ngày của họ như: Quả dưa, chiếc gùi, dòng suối chảy... Đơn cử như câu nói: “Một trái dưa cũng chẳng quên nhau/ Một cái bắp cũng dành cho nhau”.

Có thể thấy, trong cuộc sống của người Ê Đê, lĩnh vực nào cần có kinh nghiệm thì ở đó có lời nói vần. Đó không chỉ là những kinh nghiệm quan sát được mà còn có cả những kinh nghiệm được nhìn nhận, suy ngẫm từ các giác quan bên trong của con người, hết sức tinh tế và nhạy cảm.

Những người am hiểu văn hóa của người Ê Đê cho biết, lời nói vần của người Ê Đê phản ánh khá đầy đủ những đức tính của người dân lao động như cần cù, kiên trì, lạc quan, thẩm mỹ, tình yêu thương, ý thức đề cao về cái đẹp tâm hồn, danh dự, lòng chung thủy…

Lễ hội văn hóa, ẩm thực của người Ê Đê. Ảnh: Phan Tuấn

Lễ hội văn hóa, ẩm thực của người Ê Đê. Ảnh: Phan Tuấn

Lời nói vần của người Ê Đê là lời ăn tiếng nói kết tinh nhiều trí tuệ được đúc kết và truyền đạt từ đời này sang đời khác. Chính lời nói vần đã góp phần làm phong phú, sinh động, tô đậm thêm bản sắc văn hóa của người Ê Đê.

Người diễn xướng Klei duê tùy vào tâm trạng, câu chuyện, hoàn cảnh mà biến tấu, sáng tạo thành những vần, điệu để người nghe dễ hiểu, dễ nhớ.

Hiện nay, ngữ văn dân gian lời nói vần của người Ê Đê, ở huyện CưM’gar, tỉnh Đắk Lắk được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo ông Y Wen Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar, sự kiện lời nói vần của người Ê Đê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức của cộng đồng đối với di sản văn hóa phi vật thể. Qua đó, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.

Bên cạnh đó, việc lời nói vần được công nhận văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ thu hút, huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Cư M’gar nói riêng.

Có thể bạn quan tâm